Cùng dự có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu và đại diện lãnh đạo các ban đảng, sở, ngành của thành phố.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết, 5 năm qua, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ quận đã nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo và quyết liệt chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, đề án của Trung ương và Thành ủy (khóa XVI), các chương trình, nhiệm vụ của Quận ủy (khóa XXV) đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.
Quận đã khai thác có hiệu quả thế mạnh về dịch vụ, thương mại, du lịch (chiếm tỷ trọng 98,04% cơ cấu kinh tế quận); duy trì tốc độ tăng trưởng trên các lĩnh vực này đạt từ 18 - 20%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận trong nhiệm kỳ tăng vượt bậc: Năm 2015 đạt 4.185 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt hơn 9.838 tỷ đồng, tăng gần 2,5 lần.
Đáng chú ý, trong quý I/2020, kinh tế của quận tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm. Công tác chuẩn bị đại hội đảng cấp cơ sở và Đại hội lần thứ XXVI Đảng bộ quận Hoàn Kiếm được tập trung chỉ đạo, triển khai tích cực, nghiêm túc, đúng tiến độ đề ra.
Ngoài ra, bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được củng cố, đổi mới; vai trò của HĐND, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND các cấp được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục có đổi mới, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia tích cực vào công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị chung của quận.
Theo đó, ba tháng đầu năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước của quận đạt trên 3.078 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ, đạt 30,79% dự toán năm 2020. Tuy nhiên, trong quý I, doanh thu các ngành thương mại, khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, giáo dục... giảm mạnh vào tháng 3. Dịch bệnh kéo dài đến quý II, dự báo doanh thu các ngành thương mại, dịch vụ quý II ước giảm 35,11% so với cùng kỳ và ước giảm 16,62% trong nửa năm 2020.
Trước tình hình đó, nhằm đảm bảo sự bình ổn của thị trường và tâm lý tiêu dùng của nhân dân, cũng như kích cầu thị trường dịch vụ du lịch, Quận ủy, UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các điểm du lịch, các cơ sở dịch vụ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng dịch vụ, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Hoàn Kiếm "An toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn"; tổ chức đối thoại, hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn quận để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, trong nhiệm kỳ qua, quận Hoàn Kiếm đã phát huy khá hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của quận. Về lĩnh vực trật tự đô thị, quận cũng đã khắc phục cơ bản những hạn chế còn tồn tại, đến nay đã đi vào nền nếp. Đặc biệt, hoạt động của HĐND quận khá hiệu quả, luôn tiên phong áp dụng những đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của quận.
Đồng quan điểm, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ghi nhận những kết quả trong công tác dân vận, tôn giáo của quận Hoàn Kiếm. Trong đó, ông Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao những đề xuất mang tính tiên phong của quận liên quan đến phát triển hạ tầng kỹ thuật ngoài đê sông Hồng…
Kết luận buổi làm việc, nhấn mạnh quận Hoàn Kiếm là địa bàn trung tâm của Thủ đô, là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội cả trong và ngoài nước, là trung tâm dịch vụ, thương mại, du lịch, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ biểu dương những kết quả phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của quận trong thời gian qua.
Đồng thời, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị quận tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, đổi mới tư duy, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm theo định hướng đã đề ra, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới.
Theo đó, quận Hoàn Kiếm cần tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bền vững; làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch; phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao; mở rộng, đa dạng các sản phẩm du lịch mới như du lịch kết hợp mua sắm, giao lưu văn hóa; xử lý triệt để tình trạng chèo kéo, gây phiền phức đối với du khách nước ngoài.
Ngoài ra, quận cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ và trung tâm thương mại, dịch vụ trên địa bàn; chất lượng hoạt động của tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, chợ đêm Đồng Xuân và không gian đi bộ trong khu bảo tồn khu phố cổ; duy trì, phát triển các tuyến phố thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, quận cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, công nghệ, các trung tâm đổi mới sáng tạo; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, nhất là thường xuyên nâng cao cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường nắm bắt tình hình, chủ động có phương án phù hợp, ứng phó kịp thời với các tình huống, đảm bảo an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa diễn ra trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý quận Hoàn Kiếm cùng với sở, ngành thành phố tập trung triển khai công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị; thực hiện tốt việc đầu tư xây dựng, chỉnh trang, bảo tồn, tôn tạo kiến trúc đô thị; thực hiện nghiêm Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong nội đô; hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị: Khu phố cổ, khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận, khu phố cũ, khu đô thị sông Hồng đoạn đi qua địa phận quận Hoàn Kiếm; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Về công tác chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 26 Đảng bộ quận Hoàn Kiếm, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị quận xây dựng văn kiện đảm bảo chất lượng, đánh giá sâu sắc, toàn diện; bổ sung thêm nội dung khắc phục hạn chế, khuyết điểm theo kết luận kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Quận xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới bám sát đặc thù, tiềm năng, thế mạnh của quận, có trọng tâm, có điểm nhấn; tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện; tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí cán bộ, chuẩn bị chu đáo cho nhân sự cấp ủy khóa mới đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn nhân sự giới thiệu.
Quận Hoàn Kiếm cũng cần tăng cường công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận nhân dân ngay từ cơ sở; tập trung giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn, nhất là các đơn thư liên quan đến nhân sự đại hội; chủ động chuẩn bị và làm tốt công tác nhân sự cấp ủy, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng, hướng dẫn của Trung ương, Thành ủy về công tác cán bộ.
Ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý việc kiên quyết không vì số lượng, cơ cấu mà đưa vào cấp ủy, các cơ quan lãnh đạo những cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn. Hồ sơ nhân sự phải đầy đủ, chặt chẽ, được thẩm định, bảo vệ chính trị nội bộ, nhân sự tham gia ban chấp hành, ban thường vụ và các chức danh chủ chốt lần đầu phải trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nhận định tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam và Thủ đô đã bước sang giai đoạn mới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu quận Hoàn Kiếm tiếp tục quán triệt phương châm "4 tại chỗ"; bám sát chỉ đạo của Trung ương, thành phố về việc nới lỏng giãn cách xã hội, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Quận Hoàn Kiếm cần triển khai thực hiện kế hoạch đã xây dựng phát triển mạnh kinh tế, xã hội, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh là quận trung tâm, đông khách du lịch, với khu vực phố cổ có nhiều nét văn hóa đặc sắc; chủ động phối hợp với các sở, ngành thành phố quan tâm tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn.