Bến Tre cần quy hoạch ứng phó xâm nhập mặn có tầm nhìn đến 50 năm sau

Ngày 8/7, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, điều tiết, quản lý chất lượng nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre. 

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Bến Tre là một trong 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có đặc thù rõ nét của biến đổi khí hậu. Bến Tre được hình thành từ các cù lao và 4 con sông bao bọc cộng với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Do đó, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cách sử dụng nước trong khu vực sông Mekong đã tác động mạnh đến xâm nhập mặn ở Bến Tre. Mặc dù, tỉnh có nhiều cố gắng xây dựng các hệ thống thủy lợi và được Trung ương quan tâm đầu tư vốn để giải quyết cơ bản đến năm 2023 hạn chế xâm nhập mặn nhưng lại phải đối diện với hạn hán. Thời gian qua, quy hoạch ứng phó với xâm nhậm mặn của Trung ương trên địa bàn tỉnh không tính toán đến huyện Chợ Lách. Thực tế, đợt hạn mặn vừa qua, huyện Chợ Lách cũng bị mặn xâm nhập sâu. Với tốc độ nước biển dâng, dấu hiệu sụt lún cộng với phía thượng nguồn sông Mekong điều chỉnh nguồn nước, Bến Tre sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, thậm chí có một số xã ven biển sẽ bị ngập nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị tỉnh Bến Tre cần phối hợp các bộ, ngành có liên quan xây dựng quy hoạch tổng thể toàn bộ hệ thống thủy lợi và các giải pháp xâm nhập mặn ở Bến Tre tầm nhìn đến 50 năm sau, phải tính toán đến yếu tố trước mắt và lâu dài, xem xét về môi trường và phát triển kinh tế trong tương lai. Bến Tre phải có quy hoạch trữ nước, đồng thời bảo vệ nguồn nước; cần có cơ chế để người dân chủ động trữ nước, tính toán lại lộ trình giá dịch vụ nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị tỉnh Bến Tre chuyển đổi hình thức sản xuất, sắp xếp lại dân cư, thay đổi tập quán sống, tìm cách sống chung với nước lợ, nước mặn. Tỉnh cần xem xét đưa vấn đề an ninh nguồn nước và chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng xâm nhập mặn vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ trong thời gian tới, để có kế hoạch, phương hướng thực hiện trong 5 năm tới.

Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 tác động rất lớn, ảnh hưởng hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh. Ước tính giá trị thiệt hại cao hơn nhiều so với đợt xâm nhập mặn mùa khô năm 2015 - 2016. Chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, gần 28.000 ha cây ăn trái, 1,2 triệu hoa kiểng các loại, 600 ha cây giống tại huyện Chợ Lách, trên 3.000 ha thủy sản... bị thiệt hại và ảnh hưởng. Ước tổng giá trị thiệt hại đến nay khoảng 1.660 tỷ đồng. Nước mặn cũng tác động đến lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, đô thị, du lịch, cấp nước sinh hoạt... Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến bị ảnh hưởng nặng nề. Tác động “kép" của hạn mặn và dịch COVID-19 làm cho tăng trưởng của tỉnh 6 tháng đầu năm bị âm.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác khảo sát tại Nhà máy xử lý nước sạch Kênh Lấp, huyện Ba Tri. 

Ông Nguyễn Hữu Lập cho biết, mặc dù tỉnh Bến Tre có trữ lượng nước mặt lớn. Tuy nhiên, do giáp biển và có 4 cửa sông lớn, nguồn nước ngọt phụ thuộc vào mùa mưa và nguồn nước từ thượng nguồn đổ về dẫn đến thiếu nước ngọt vào mùa khô và thừa nước ngọt vào mùa mưa. Trữ lượng nước ngầm của tỉnh lớn nhưng đa số bị nhiễm mặn... Do vị trí địa lí, địa chất của tỉnh, việc khai thác nước ngầm không được khuyến khích. Hệ thống công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh, kể cả sau khi dự án JICA3 (dự án Quản lý nước Bến Tre sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản), dự án Nam - Bắc Bến Tre giai đoạn một và một số công trình khác đã có vốn hoặc có vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hoàn thành cũng chưa thể khép kín tính toàn bộ, nhất là khu vực huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Chợ Lách.

Hiện nay, tổng công suất khai thác các hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre khoảng 200 m3/ngày đêm. Tỉnh có 188 hệ thống lọc nước RO công suất từ 10 - 100 lít/giờ, hoạt động ở điều kiện nước đầu vào nhiễm mặn dưới 8 phần nghìn. Đối với khu vực chưa có hệ thống cấp nước, người dân sử dụng nước giếng khoan, giếng đào, quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Các vùng thưa dân cư không có khả năng khoan và đào giếng, nguồn cung cấp chủ yếu lấy từ nước các kênh rạch, nước mưa thông qua các bể chứa, lu, hũ. Có 58,8% hộ dân trong tỉnh sử dụng nước sạch.

Nhằm đảm bảo khả năng trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng ven biển, Bến Tre kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, bố trí vốn Trung ương khoảng 250 tỷ đồng để đầu tư hồ chứa nước ngọt, quy mô 1,5 triệu m3 phục vụ cho 3 huyện ven biển. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về an ninh nguồn nước khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin, ảnh: Trần Thị Thu Hiền
Bảo an ninh nguồn nước và phân bổ nguồn nước hợp lý
Bảo an ninh nguồn nước và phân bổ nguồn nước hợp lý

Ngày 7/7, Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Bình Thuận về vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và công tác quản lý an toàn hồ đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN