Qua theo dõi phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của Quốc hội, cử tri Bùi Thị Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Y học Thành phố Hà Nội đánh giá cao về cách điều hành của chủ tọa Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ nhiều bất cập, hạn chế cùng với những khó khăn, thách thức đất nước đang phải đối mặt. Các đại biểu đã đánh giá và tranh luận rất sôi nổi, tâm huyết. Nhiều ý kiến trái chiều cũng đã được thẳng thắn nêu ra để tranh luận.
Bà Bùi Thị Hiệp đồng tình với quan điểm của các đại biểu là cần rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập Chính phủ đã nêu trong báo cáo trình Quốc hội. Cụ thể, ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay những bất cập của cơ chế chính sách, những quy định hướng dẫn liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và ba Chương trình mục tiêu Quốc gia… Trong đó, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình phòng cháy chữa cháy, phù hợp với thực tiễn…
Từ thực tế của địa phương, bà Bùi Thị Hiệp mong muốn Chính phủ sớm chỉ đạo, thực hiện ngay việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trong thời gian qua. Ngoài ra, ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay những bất cập của cơ chế chính sách; đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao đạo đức công vụ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương bởi “không thiếu người tâm huyết, chỉ cần chính sách tiền lương đủ mạnh”.
Cử tri kiến nghị có cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung cần sớm hoàn thiện; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cần đẩy mạnh và đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố để đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở cần thực hiện tốt; sớm giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố...
Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023, ông Phạm Tuấn Anh, cán bộ Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho rằng, Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật như: Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025...
Nhằm phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19, ông Phạm Tuấn Anh đề xuất cần cải thiện môi trường kinh doanh thúc đẩy phục hồi kinh tế và gia tăng sức chống chịu sau đại dịch COVID-19. Việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh là điều quan trọng, bảo đảm khôi phục kinh tế và phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư.
Về trung và dài hạn, môi trường kinh doanh sẽ tác động đến cách thức vượt qua đại dịch và mức độ tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi bắt đầu quá trình phục hồi. Chất lượng môi trường kinh doanh cũng có vai trò quan trọng đối với đầu tư nước ngoài và sự kiên kết của các doanh nghiệp nội địa với các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thực tế cho thấy, cải thiện hiệu quả các quy định về thị trường hàng hóa và tạo thuận lợi cho kinh doanh sẽ hỗ trợ mạnh đối với phục hồi kinh tế sau khủng hoảng.
Cùng với đó, Nhà nước cần rà soát và có chính sách hỗ trợ phù hợp với người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch, đặc biệt tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm dễ bị tổn thương như lao động phi chính thức và đối tượng thất nghiệp; hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; cho người lao động vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội... Bên cạnh đó, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), hợp tác xã, hộ kinh doanh bằng cách tiếp tục thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thuế, phí, lệ phí..