Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV:

Sớm tháo gỡ khó khăn về thị trường, vốn vay

Sáng 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, phóng viên TTXVN ghi nhận ý kiến của nhiều đại biểu cần sớm tháo gỡ khó khăn về thị trường, vốn vay giúp doanh nghiệp phục hồi, từ đó góp phần hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra.

Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng): Hài hoà chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Trần Chí Cường. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Để phát huy tối đa hiệu quả các gói hỗ trợ, tôi cho rằng cần rà soát tất cả chính sách đã ban hành, nhất là chính sách trong phục hồi, phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để xem đã phù hợp chưa.

Chẳng hạn như việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua ngân hàng thương mại vẫn khá thấp, số tiền hỗ trợ khách hàng lũy kế từ đầu chương trình chỉ đạt khoảng 409 tỷ đồng. Nếu không gỡ thì nút thắt này sẽ trở thành hạn chế trong phát triển nguồn lực trong thời gian tới.

Cùng với đó, việc ban hành chính sách cần kết hợp hài hoà. Đơn cử, các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, gặp khó khăn trong kinh doanh sau khi giá điện, xăng dầu tăng và cùng với đó phải đối mặt với bất cập trong chi phí thuê đất hiện nay. Chi phí này được quyết định theo chu kì do địa phương thực hiện, bảo đảm giá đất phù hợp với giá thị trường.

Tuy nhiên, với 4 phương pháp tính giá đất hiện nay, nếu áp dụng với một thửa đất sẽ có 4 kết quả khác nhau. Lúc này, cơ quan Nhà nước thường áp dụng giá cao nhất để bảo đảm an toàn, nhưng vô hình chung đẩy doanh nghiệp vào thế khó khi tăng chi phí hoạt động.

Chính phủ cần chỉ đạo, nghiên cứu và tháo gỡ vấn đề này, có phương pháp chung, đồng bộ, thống nhất để khi địa phương áp dụng, tính toán hài hoà đảm bảo quyền lợi Nhà nước và điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai): Giải bài toán tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Với doanh nghiệp, trong thời gian qua có rất nhiều vấn đề từ thị trường đến vốn và đầu ra. Hiện sức chống chịu của doanh nghiệp rất yếu, đối với doanh nghiệp, vốn chính là máu. Mặc dù có thời điểm Chính phủ yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất, nhưng lãi suất hiện vẫn còn rất cao, trên 10% chưa thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng cần phải hết sức chia sẻ với doanh nghiệp. Trong bối cảnh cả nước chống dịch đã có những nghị quyết hỗ trợ rất cụ thể, chưa có tiền lệ, nên trong bối cảnh này cũng cần có những giải pháp rất quyết liệt. Vì nếu doanh nghiệp “sống tốt” thì mới tạo ra được các giá trị cho xã hội. Hơn bao giờ hết, cần phải có ưu tiên cho doanh nghiệp ở thời điểm này.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình): Thúc đẩy đầu tư công kết hợp với đầu tư theo PPP

Thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, Chính phủ đã “làm sống lại” nhiều dự án, công trình “đắp chiếu” hàng thập kỷ và khởi động nhiều dự án trọng yếu quốc gia tập trung vào hạ tầng cơ sở giao thông, đặc biệt là đường cao tốc.

Việc đưa vào các dự án đầu tư này có tác động lan toả, thúc đẩy dây chuyền cung ứng hàng hoá, dịch vụ cho dự án đó. Điều này tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế nhỏ và vừa.

Đây là cú hích, điểm kích hoạt của nền kinh tế không phải trước mắt mà còn lâu dài, như mũi tên trúng hai đích khi một mặt thúc đẩy đầu tư công, tăng tổng cầu, đóng góp tăng trưởng GDP. Tiếp theo là tạo cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế, tạo nền tảng phát triển cho doanh nghiệp.

Dư địa về đầu tư công hiện cũng rất lớn và thời gian tới, đầu tư công kết hợp với nguồn vốn tư nhân theo phương thức đối tác công tư, nếu được đẩy mạnh là điểm đột phá.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, các biện pháp về tài khoá, tiền tệ cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, các biện pháp này trong thời gian qua liều lượng chưa đủ và thực thi còn chậm. Đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh hơn nữa các chính sách hướng tới giảm khó khăn cho người dân và hỗ trợ doanh nghiệp.

Bởi, 5 tháng đầu năm, chỉ số giá hàng tiêu dùng tăng 0,4% so cùng kỳ với năm 2022; áp lực lạm phát thấp, nợ công mới 43%. Trong khi đó, trần nợ công theo quy định của Quốc hội là 63% nên dư địa phát triển tài khoá, tiền tệ trong thời gian tới cũng còn rất lớn.

Cùng với đó, không nên phát sinh ra bất kỳ chi phí, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Đối với biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng, không nên chỉ áp dụng trong một số mặt hàng và với một thời hạn 6 tháng mà nên mở rộng ít nhất 1 năm và áp dụng cho tất cả ngành, lĩnh vực.

Uyên Hương – Diệp Anh (TTXVN)
 Gỡ vướng cơ chế, tránh phát sinh chi phí cho doanh nghiệp
Gỡ vướng cơ chế, tránh phát sinh chi phí cho doanh nghiệp

Tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 vào sáng 1/6, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, Nhà nước và xã hội cần chia sẻ, chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN