Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Những nỗ lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Nhiều nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam phục hồi chậm, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; tỷ giá đồng USD và giá vàng tăng mạnh; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải… biến động mạnh.

Mặc dù vậy, trong nước, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024.

Bên lề phiên thảo luận ở tổ sáng 23/5 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, nhiều đại biểu đã đưa ra những góc nhìn về kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm, chỉ ra những tồn tại và nêu giải pháp khắc phục để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh):
Kích cầu sản xuất trong nước thông qua các chính sách tài khóa

Trong bối cảnh bị tác động chung của các cuộc xung đột trên thế giới, sức cầu yếu, nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ đã tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5,05% và quý I/2024 là 5,66% là rất tích cực, thể hiện nỗ lực lớn trong điều hành.

Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đánh giá rõ, cụ thể 15 chỉ tiêu đặt ra; trong đó có 5 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đặt ra gồm: Tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu của ngành công nghiệp chế biến chế tạo… Do đó, cần nhìn nhận, đánh giá cụ thể và đề xuất giải pháp quyết liệt.

Các mục tiêu về tăng trưởng trong nhiệm kỳ này rất khó đạt được nhưng vẫn vượt xa mức bình quân của thế giới và cao hơn các nền kinh tế Đông Nam Á. Trong số đó, ngành nông nghiệp đã đóng góp 50% kim ngạch xuất siêu, đóng góp thặng dư thương mại rất lớn cho nền kinh tế...

Tỷ giá ngoại tệ có sự biến động rất lớn nhưng nhờ sự đóng góp của nông nghiệp trong xuất siêu nên tỷ giá không tăng một cách đột biến. Điều này cũng đóng góp hiệu quả trong thực thi chính sách tiền tệ thời gian qua. Cùng đó, mặt bằng lãi suất tương đối thấp cũng tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, có một số vấn đề cần được lưu tâm trong thời gian tới. Trước tiên là đầu tư tư nhân đang yếu dần qua các năm. Trong khi đó, cơ cấu đầu tư tư nhân chiếm 56-57%, quyết định tổng cầu, tăng trưởng của nền kinh tế. Còn đầu tư công lại chưa tác động lan tỏa mạnh, thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân vào nền kinh tế.

Bên cạnh đó, do tình hình khó khăn của kinh tế thế giới tác động tâm lý các nhà đầu tư trong nước, làm niềm tin vào thị trường chưa mạnh mẽ. Vì vậy, nguồn lực đầu tư tư nhân chưa được khơi thông, chưa được thu hút mạnh mẽ để mở rộng sản xuất, kích cầu đầu tư tư nhân còn yếu.

Giải pháp đặt ra là cần mạnh mẽ kích cầu sản xuất trong nước, trước hết là thông qua chính sách tài khóa như giảm thuế VAT, kéo dài thời gian ưu đãi... bởi vẫn đang còn dư địa rất lớn. Đây mới là những chính sách đang có hiệu quả để kích thích, mở rộng sản xuất, kích cầu. Chúng ta cần dành nguồn lực chưa sử dụng hoặc không hiệu quả từ các chính sách khác để tập trung cho những chính sách đang thực hiện tốt hơn nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, bài toán đầu tư tư nhân rất quan trọng bởi đóng  góp mạnh vào tổng cầu, kích thích kích hoạt nền kinh tế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh):
Tiếp sức kịp thời cho khu vực dân doanh

Chú thích ảnh
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh phát biểu, sáng 23/5. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Bối cảnh kinh tế thế giới trong thời gian vừa qua không thuận lợi, thậm chí rất bất lợi cho những nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam. Với những mức độ mở như vậy thì cần phải có giải pháp để tương thích với tình hình được nhận định là bất định, khó lường, khó dự báo.

Tăng trưởng năm 2023 là 5,05% thấp hơn so với năm 2022 (tăng trưởng 8,12%) là vì năm 2022 so với năm nền là 2021 (nền kinh tế có mức tăng trưởng thấp nhất, chỉ 2,6%), nhưng nếu tính bình quân 3 năm thì tăng trưởng chung vẫn đạt mức 5,22%. Điều này cho thấy chúng ta là một trong những nước có tăng trưởng khá nhưng so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc tăng trưởng từ 6,5 - 7% đòi hỏi phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn.

Bên cạnh tăng trưởng kinh tế thì yếu tố vĩ mô vẫn ổn định, kiểm soát được lạm phát nhưng vẫn có dấu hiệu cảnh báo cần phải quan tâm. Cụ thể như những tháng đầu năm, tỷ giá đã bắt đầu tăng trở lại, lạm phát cao hơn so với bình quân các năm trước. Đây là những cảnh báo về kinh tế vĩ mô đòi hỏi cần tăng cường kiểm soát.

Về bội chi ngân sách cũng kéo giảm. Thu ngân sách nhà nước năm 2023 cao đạt trên 1.754.000 tỷ đồng, tăng so với dự toán là 8,2% nhưng thấp hơn so với năm 2022 là 1,7%. Một trong những nguyên nhân tăng trưởng kinh tế là 5,05% mà thu ngân sách thấp hơn là do thu về từ xuất nhập khẩu giảm mạnh. Bởi vì các hoạt động thương mại trong năm 2023 bị ảnh hưởng rất lớn với tình hình bất ổn của thế giới và xuất nhập khẩu giảm so với năm 2022. Cho nên thu ngân sách trong hoạt động này giảm.

Nhất là với các mặt hàng ô tô (thu thuế rất cao) nhưng nhập về giảm do tình hình kinh tế cũng như thu nhập doanh nghiệp yếu. Cùng đó, thuế nhập khẩu máy móc thiết bị cũng giảm bởi tình hình hoạt động của nhiều doanh nghiệp khó khăn. Khoản thu thuế về sắt, thép cũng giảm do hoạt động về đầu tư xây dựng, bất động sản “đóng băng”. Cả 3 mặt hàng này giảm mà đây lại là những mặt hàng chịu thuế cao nên nguồn thu bị ảnh hưởng rõ rệt.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của ngành tài chính, nguồn thu chung vẫn đảm bảo theo dự toán là tăng 8,2%, góp phần kéo giảm bội chi ngân sách theo dự toán là 4,42% xuống còn 3,5%. Điều này đã góp phần kéo giãn nợ công, hiện đang kiểm soát ở mức 37% GDP - mức rất thấp. Do đó, tạo điều kiện có dư địa để thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng.

Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 thì vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa; trong đó, chú trọng các động lực tăng trưởng mà đầu tiên là xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm đang thuận lợi nhưng đó chỉ là trước mắt còn về lâu dài vẫn còn nhiều khó khăn như: xung đột địa chính trị, tình hình về bảo hộ mậu dịch, thực hiện các điều ước quốc tế, thực hiện các Hiệp định thương mại tự do...

Đáng chú ý là yêu cầu về chuyển đổi xanh của kinh tế thế giới. Khối EU đã cảnh báo sẽ áp dụng thuế các- bon đối với những mặt hàng ảnh hưởng đến môi trường, thải khí nhà kính. Do đó, cần phải quan tâm đến vấn đề hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh với những chính sách cụ thể cho doanh nghiệp.

Trong thảo luận về thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có nội dung kinh phí hỗ trợ 2% cho doanh nghiệp 40.000 tỷ đồng nhưng chỉ thực hiện được 3,05%. Như vậy số còn lại đó có thể xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh để tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu.

Ngoài ra, thời điểm này cũng là cơ hội để kiểm soát độ mở của nền kinh tế. Do đó, cần quan tâm đến thị trường nội địa, thị trường 100 triệu dân; trong đó, tầng lớp trung lưu đang tăng dần, hiện nay khoảng 13% và dự kiến năm 2026 sẽ là 26%. Như vậy, chúng ta có điều kiện để quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa và khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam với những giải pháp mở rộng và sâu hơn.

Trong khi khu vực đầu tư nước ngoài vẫn ghi nhận triển vọng tốt thì khu vực đầu tư dân doanh đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nếu như số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường Việt Nam năm 2019 là 89.200 doanh nghiệp, thì năm 2020 tăng lên 101.200 và năm 2021 tiếp tục tăng 120.000 doanh nghiệp, năm 2022 là 143.200 doanh nghiệp. Cho đến năm 2023 nhảy vọt lên 172.600, tăng tới 20,5%. Điều này cho thấy, doanh nghiệp, doanh nhân trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn và chịu nhiều áp lực, thách thức cả bên trong lẫn ngoài.

Trong khi đó, dân doanh lại là khu vực chiếm tỷ trọng cao trong đầu tư phát triển. Bình quân cả nước thì khu vực dân doanh chiếm khoảng 45-50%. Tại Thành phố Hồ Chí Minh khu vực dân doanh chiếm từ 68-70% tổng vốn đầu tư xã hội.

Cho nên, yêu cầu cấp bách là cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn. Tôi đồng tình với việc đề nghị Quốc hội cũng như các cơ quan thẩm quyền của Chính phủ ban hành thêm các chính sách về miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, tiền thuê đất cũng như xem xét cơ cấu nợ, gia hạn nợ cho các doanh nghiệp để tiếp sức cho khu vực đầu tư dân doanh.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang):
Tin tưởng khó khăn được tháo gỡ dưới sự đồng hành của Chính phủ

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Phạm Văn Thịnh phát biểu, sáng 21/5. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Về kinh tế những tháng đầu năm, chúng ta đặt trong bối cảnh thị trường thế giới thắt chặt chi tiêu, mặc dù nhiều nền kinh tế cũng thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng ví dụ như giảm lãi suất điều hành, tăng chi tiêu công, nhưng tâm lý chi tiêu của người dân tại nhiều quốc gia có xu hướng thắt chặt.

Cùng với xung đột tại các khu vực trên thế giới đã làm tăng lên chi phí vận chuyển, logistics. Chúng ta tạo ra sản phẩm để xuất khẩu ra thế giới phải vận chuyển đến nhiều khu vực khác nhau dẫn đến tăng chi phí. Ở góc độ nào đó điều này rất bất lợi, thế nên đặt kết quả kinh tế đạt được 4 tháng đầu năm rõ ràng là rất đáng khích lệ.

Những chỉ số cân đối vĩ mô rất tích cực, có độ ổn định, tăng GDP ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây trong quý I. Xuất siêu 4 tháng đầu năm đạt 8,4 tỷ USD - con số này là khá tích cực. Công nghiệp chế tạo năm 2023 và những tháng đầu năm nay đang được hưởng mức lãi suất thấp. Lãi suất huy động và lãi suất cho vay cũng đang ở mức thấp từ 1 - 2,5%.

Hệ thống ngân hàng, nguồn cung điện ổn định, đem lại niềm tin lớn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này tạo ra triển vọng để Việt Nam có thể tăng trưởng những tháng cuối năm.

Dưới sự chỉ đạo điều hành hiệu quả của Chính phủ tình hình kinh tế cuối năm sẽ đảm bảo theo kế hoạch và có thể cao hơn. Những dấu hiệu phản ứng, điều hành linh hoạt của Chính phủ sẽ đảm bảo ổn định các chỉ số vĩ mô. 

Về doanh nghiệp, thực tế cho thấy, biên lợi nhuận của doanh nghiệp đang thấp so với các năm trước. Thế nên có thể có đơn hàng lớn hơn, nhưng lợi nhuận thu được có khi chỉ bằng một nửa so với các năm trước. Vấn đề này chúng ta cũng cần nhìn nhận là các doanh nghiệp Việt Nam đang khá khó khăn. Nhiều doanh nghiệp vẫn phải giữ các đơn hàng và chấp nhận chi phí cao. Chẳng hạn như với doanh nghiệp giấy thì giá bột giấy tăng cao, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy đều có nguy cơ hòa vốn hoặc chịu thua lỗ.

Tuy nhiên, cũng có những lĩnh vực tốt lên về mặt đơn hàng như gỗ, mặc dù biên lợi nhuận không cao như giai đoạn trước dịch COVID-19. Đánh giá tổng thể về sức khỏe doanh nghiệp có những đan xen cả những điểm tối và sáng.

Nhìn về xu thế chung, những điểm tích cực đang vượt trội. Cụ thể như câu chuyện thanh khoản, đơn hàng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, vấn đề lãi suất, thủ tục hành chính. Tôi tin với sự đồng hành của Chính phủ mọi khó khăn của doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ, chúng ta sẽ có được kết quả kinh tế 6 tháng cuối năm tốt hơn, hoàn thành mục tiêu cả năm mà Quốc hội đã đề ra.

Thu Hằng - Văn Giáp (Thực hiện)
Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước
Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước

Sáng 23/5/2024, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ tư tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN