Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn báo trên lưu ý rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, các nhà lãnh đạo ASEAN đã họp hội nghị trực tuyến lần đầu tiên kể từ khi hiệp hội được thành lập năm 1967. Theo dự kiến, sau phiên họp buổi sáng, các nhà lãnh đạo ASEAN nhóm họp với 3 đối tác đối thoại chủ chốt là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ba nước này có tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 là gần 100.000 người. Đây là lần thứ hai ASEAN thảo luận về dịch COVID-19 kể từ sau một hội nghị khẩn cấp với Trung Quốc ở Viêng Chăn hồi tháng 2 vừa qua.
Tờ báo đưa tin Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha sẽ thúc đẩy đề xuất thành lập Quỹ ứng phó với đại dịch COVID-19 của ASEAN như một phần của tuyên bố 6 điểm sẽ được các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN thông qua để chung tay chống dịch COVID-19. Thủ tướng Prayut cho biết trong khuôn khổ tham dự hội nghị ông có kế hoạch đề xuất một số nội dung quan trọng để đưa vào Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về COVID-19.
Một trong 6 nội dung trong tuyên bố là việc thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19 (ARF) để trang bị cho các nhân viên y tế "vũ khí" chống dịch, cũng như mở đường cho một “lực lượng” mới nhằm xóa bỏ dịch bệnh này về lâu dài. Tại một hội nghị gần đây của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Thái Lan đã đề xuất thành lập một quỹ để tài trợ cho việc mua sắm thuốc men, thiết bị y tế và nghiên cứu vaccine phòng chống COVID-19. Ý tưởng này đã được nhất trí và chờ được ASEAN thông qua lần cuối cùng vào ngày 14/4.
Về đề xuất của Thái Lan thành lập ARF, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Narumon Pinyosinwat chia sẻ với tờ Bangkok Post rằng chương trình nghị sự này sẽ được Thủ tướng Prayut thúc đẩy tại hội nghị trực tuyến ngày 14/4.
Trong những tháng qua, các thành viên ASEAN đã có những biện pháp của riêng từng nước để chống dịch COVID-19 cũng như đối phó với những tác động phụ suy giảm kinh tế và gia tăng thất nghiệp do các biện pháp phong tỏa được áp đặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo tờ Bangkok Post, các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN cần giải quyết những cách biệt giữa các thành viên trong hiệp hội và đảm bảo rằng sự hỗ trợ, bao gồm các bộ xét nghiệm và đồ bảo hộ cá nhân, đến được với những người cần nhất. Đặc biệt, điều quan trọng sống còn là chia sẻ thông tin công khai vào thời điểm này.
Trong khi các ca nhiễm SARS-CoV-2 vẫn tương đối thấp ở Lào, Myanmar và Campuchia, ASEAN cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất căn cứ thực tế là khả năng y tế của những nước này hạn chế. Điều này đặc biệt liên quan đến Thái Lan vì nước này phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư từ 3 nước nói trên.
Theo bài viết trên, việc phong tỏa gần đây ở Thái Lan đã khiến hầu hết lao động nhập cư về nước do mất việc làm. Sẽ có những thách thức phía trước khi họ trở lại làm việc ở Thái Lan khi nước này kiểm soát được dịch bệnh. Vì vậy, ASEAN cần hợp tác với quan điểm hồi phục tập thể, theo đó, các thành viên ASEAN phải giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc chiến này và chứng tỏ với thế giới rằng ở ASEAN “không có ai bị bỏ lại phía sau”.