Tính tới 23h59’ ngày 13/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 20.400 ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 811 trường hợp mắc bệnh mới.
Virus SARS-CoV-2 cũng đã khiến 936 người tử vong, tăng 139 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 5.077 trường hợp.
Philippines trở thành "điểm nóng" dịch lớn nhất Đông Nam Á
Tính đến cuối ngày 13/4, Philippines ghi nhận 4.932 ca mắc COVID-19, vượt qua Malaysia vốn liên tục dẫn đầu về tổng số ca nhiễm virus từ đầu dịch. Như vậy Philipines trở thành quốc gia có số ca mắc bệnh cao nhất tại Đông Nam Á, và đứng thứ hai về số bệnh nhân tử vong, với 375 ca, chỉ sau Indonesia.
Cùng ngày 13/4, giới chức thủ đô Manila, Philippine cho biết đã bắt đầu mở rộng quy mô xét nghiệm virus SARS-CoV-2, tiến hành hơn 1.600 xét nghiệm mỗi tuần với những người có triệu chứng nặng để xem họ có nhiễm virus hay không. Chương trình này nằm trong kế hoạch hành động của chính quyền thủ đô Manila nhằm kiềm chế tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 thông qua việc phát hiện và cách ly sớm những người mắc bệnh.
Mỗi ngày các cơ quan y tế thủ đô Manila có thể thực hiện 230 xét nghiệm và cho kết quả sau 2 đến 3 ngày. Đây cũng là một phần của chương trình mở rộng quy mô xét nghiệm quốc gia tại Philippines bắt đầu từ ngày 14/4.
Singapore trao tiền hỗ trợ người dân ngày 14/4
Ngày 13/4, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat cho biết khoản tiền hỗ trợ trị giá khoảng 9 tỷ SGD (khoảng 6,338 tỷ USD) sẽ được giải ngân tới các hộ gia đình và doanh nghiệp ngay trong tháng 4 này. Cụ thể, 90% số người Singapore trưởng thành sẽ được nhận khoản hỗ trợ một lần trị giá 600 SGD (khoảng 422 USD) qua tài khoản ngân hàng vào ngày 14/4. Những người còn lại sẽ được nhận trước ngày 28/4 hoặc được nhận bằng séc từ ngày 30/4 trở đi.
Theo nội dung của gói hỗ trợ việc làm công bố trước đây, tất cả các doanh nghiệp sẽ được nhận khoản tiền hỗ trợ chi trả 75% tiền lương tháng đầu tiên của người lao động Singapore là 4.600 SGD (3.247 USD) ngay trong tháng 4. Theo ông Heng Swee Keat, Chính phủ Singapore vẫn đang xem xét cẩn trọng “mọi chỉ số” để cân nhắc về việc liệu có cần phải trích thêm nguồn tài chính từ dự trữ ngân sách quốc gia hay không. Cho đến thời điểm này, Singapore đã công bố 3 gói hỗ trợ tài chính để đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với tổng nguồn vốn lên tới 59,9 tỷ SGD (42,18 tỷ USD) chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Tới hết ngày 13/4, Singapore có 2532 ca mắc COVID-19, trong đó không có ca mới, 42 trường hợp tử vong và 560 người đã hồi phục.
Thái Lan lặng lẽ đón Tết Songkran
Người dân Thái Lan ngày 13/4 lặng lẽ bước vào Năm Mới theo Phật lịch khi toàn bộ đất nước trong tình trạng “phong tỏa mềm” và lệnh giới nghiêm vào ban đêm để phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh đường hô hấp cấp COVID-19.
Để ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng khiến tình hình mất kiểm soát, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra một quyết định chưa có tiền lệ là hoãn kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran hay còn gọi là Lễ hội té nước. Thời gian nghỉ bù sẽ được công bố sau. Trong bài phát biểu trước thềm Năm Mới, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đề nghị người dân không ăn mừng Tết Songkran như thường lệ, mà thay vào đó tránh tụ tập đông người và thực hiện nghi thức tắm Phật tại nhà để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.
Bộ Y tế Thái Lan cho biết nhà chức trách y tế muốn đảm bảo rằng trong dịp Tết Songkran, người cao tuổi được an toàn trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang hoành hành. Thống kê của Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 Thái Lan cho thấy tiếp xúc giữa các thành viên trong gia đình là nguyên nhân chủ yếu khiến người cao tuổi nhiễm virus SARS-CoV-2. Thanh niên, nhóm có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 nhiều nhất ở Thái Lan, được khuyến khích tham gia cuộc vận động “Bảo vệ bố mẹ,” coi đó là cách tốt nhất để bày tỏ sự hiếu kính cha mẹ. Giới chức y tế Thái Lan kêu gọi thanh niên hạn chế, không đến thăm bố mẹ đã cao tuổi, thay vào đó giao tiếp trực tuyến. Những ai sống cùng người cao tuổi trong gia đình nên tránh tiếp xúc gần, đặc biệt là ôm và té nước.
Cùng ngày, Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan (NESDC) - cơ quan hoạch định chính sách cấp nhà nước, vừa nhận chỉ đạo sửa đổi chiến lược quốc gia 20 năm (2018-2037) và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia lần thứ 12 (2017-2021) của nước này để bắt kịp với các xu thế kinh tế-xã hội khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại do chịu tác động của dịch COVID-19. Theo Phó Tổng Thư ký NESDC Danucha Pichayanan, chiến lược phát triển quốc gia 20 năm đã tính đến khả năng tác động của một số bệnh dịch mới như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Tuy nhiên, tác động của đại dịch COVID-19 diễn ra ở mức sâu hơn, được dự báo kéo dài, tạo ra những vấn đề phức tạp rất nhiều so với SARS và MERS.
Ngày 13/4, Thái Lan ghi nhận có 2.579 ca mắc COVID-19, với 28 ca mới, 40 trường hợp tử vong và 1.288 bệnh nhân đã điều trị thành công.
Malaysia: Dụng cụ bảo hộ y tế chỉ đủ cho 2 tuần tới
Bộ Y tế Malaysia ngày 13/4 cho biết, nước này chỉ còn lượng thiết bị bảo hộ y tế (PPE) đủ dùng trong 2 tuần để phân phát cho tất cả các bệnh viện. Cơ quan này kêu gọi người dân đóng góp PPE để đội ngũ y tế tiếp tục chiến đấu chống dịch COVID-19 một cách an toàn.
Tính đến hết ngày 13/4, Malaysia đứng thứ hai Đông Nam Á với 4.817 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 134 ca mới, và 77 bệnh nhân đã tử vong. Nước này đã điều trị khỏi cho 2.276 trường hợp.
Indonesia nỗ lực duy trì ổn định kinh tế - xã hội
Tổng thống Indonesian Joko Widodo ngày 13/4 cho rằng sự ổn định về kinh tế và xã hội là yếu tố then chốt trong đối phó với dịch bệnh. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Malaysia đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV02 với quy mô gấp ít nhất bốn lần trước đây trong khi số ca nhiễm tiếp tục tăng cao.
Tuần này Indonesia cũng tiến hành chương trình xã hộ quan trọng hỗ trợ hàng triệu người dân chịu ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch. Theo Tổng thống Widodo, Chính phủ đã phải tiến hành biện pháp đặc biệt là chấp nhận thâm hụt ngân sáh 5% GDP trong năm nay (so với bình thường là 3%) để cố gắng giảm thiểu hậu quả cuả dịch bệnh đối với đời sống người dân. Theo ông Widodo, khoảng 20 triệu người dân khó khăn về tài chính sẽ nhận trợ cấp lương thực. Công nhân bị sa thải hoặc người làm công ăn lương sẽ nhận tiền mặt hỗ trợ.
Hết ngày 13/4, Indonesia có 4.557 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 316 ca mới nhiễm trong 24h qua, 399 bệnh nhân đã tử vong - đứng đầu khu vực Đông Nam Á - và 380 ca hồi phục.
Trong số các quốc gia còn lại của ASEAN, hầu hết không ghi nhận ca nhiễm mới trong 24 giờ qua: Brunei với 136 ca nhiễm, Campuchia 122 trường hợp, Myanmar vẫn 41, Lào 19. Riêng Timor Leste phát hiện thêm 2 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 4, không có ca tử vong nào.
Ngày 13/4, Việt Nam ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Như vậy, đến hiện tại nước ta đã ghi nhận tổng số 265 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 160 người từ nước ngoài chiếm 60,4%; 105 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 39,6%. Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 75.291, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 713 trường hợp; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 15.564 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 59.014 trường hợp.