Tác giả Yasunari bày tỏ rất ngạc nhiên khi Việt Nam có dân số tới 96 triệu người nhưng số ca lây nhiễm COVID-19 chỉ dừng lại ở hơn 300 người và không có ca tử vong nào. Điều này cho thấy các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam hiệu quả hơn so với các nước Đông Nam Á khác. Theo nhà kinh tế trưởng này, bí quyết thành công của Việt Nam là cách ly người nhiễm bệnh ngay từ giai đoạn ban đầu và xác định tới cùng những người từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Ngoài ra còn nhiều biện pháp hiệu quả khác như thực hiện sớm, đồng bộ và quyết liệt các biện pháp đóng cửa biên giới, cách ly quy mô lớn, xét nghiệm các ca nghi nhiễm...
Trong khi đó, báo The Strait Times (Singapore) ngày 18/5 đăng bài viết của nhà báo Tan Hui Yee, trưởng Cơ quan Đại diện phụ trách khu vực Đông Nam Á, đánh giá tích cực công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam.
Báo này nhấn mạnh Việt Nam đang gặt hái những "thành quả chiến lược" nhờ những phản ứng nhanh nhạy sau khi không phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng hơn 1 tháng qua. Báo Strait Times nêu rõ các trường học đã mở cửa trở lại, xe bus hoạt động bình thường, người dân dường như đang quay lại nhịp sống thường ngày, sự quan tâm của các nhà đầu tư gia tăng trở lại... Trong khi đó, bài báo nhận định xuất khẩu khẩu trang và bộ kit xét nghiệm của Việt Nam cũng có thể góp phần giảm bớt tác động kinh tế ngày càng lớn của đại dịch đối với nền kinh tế Việt Nam.
Bài báo dẫn đánh giá của ông Trent Davies, nhà quản lý tư vấn kinh doanh quốc tế thuộc công ty tư vấn Dezan Shira & Associates có trụ sở tại Việt Nam, cho biết trong những tháng đầu khi dịch bệnh bùng phát, mọi thứ đều trong trạng thái chờ đợi và thăm dò, nhưng giờ đây ngày càng nhiều công ty nước ngoài quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam.
Bà Lê Thu Hương, nhà phân tích cấp cao thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia, cho rằng đón đầu làn sóng dịch bệnh, trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt và định hình những phản ứng của khu vực đối phó với đại dịch. Theo bà, không nước nào có thể tự mình phục hồi, nhưng những nước có khả năng chống chọi tốt hơn và vượt qua cuộc khủng hoảng này tương đối sớm hơn sẽ có sáng kiến mang tính dẫn dắt.