* 5 người chết và mất tích, 27 người bị thương
Sáng 15/10, bão số 11 đã đổ bộ vào các tỉnh miền Trung gây thiệt hại về người và tài sản. Phóng viên TTXVN thường trú tại tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế cho biết, theo thống kê sơ bộ, bão số 11 đã làm 5 người chết và mất tích, 27 người bị thương, hàng nghìn nhà bị hư hỏng, nhiều tuyến đường giao thông bị ách tắc, cột điện, cây cối bị gẫy đổ.
Mực nước sông Hương tại thành phố Huế đã vượt báo động 3 gây ngập sâu từ 1 - 1,5 m trên các tuyến đường từ Đập Đá về Vỹ Dạ. Quốc Việt - TTXVN |
Quảng Nam là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Tính đến trưa 15/10, bão số 11 đã làm 5 người chết và mất tích, 7 người bị thương; trong đó 3 người chết gồm: ông Trương Chạy (84 tuổi, ở xã Điện Phương, Điện Bàn), Phạm Văn Quy (sinh năm 1981, xã Điện Phong, Điện Bàn) và một bé gái chưa xác định tên tuổi ở huyện Nông Sơn. Hai người mất tích là ông Võ Văn Ba (68 tuổi, ở Hội An) và bà Trần Thị Xuân (trú xã Bình Giang, huyện Thăng Bình). Bão cũng làm trên 5.200 ngôi nhà sập và tốc mái. Trên các tuyến đường, nhất là đoạn quốc lộ 1A từ thành phố Tam Kỳ đến huyện Thăng Bình bị ngập nhiều đoạn như: đoạn từ cây xăng Tân Thạnh, phường Hòa Thuận (thành phố Tam Kỳ) và đoạn tại Quán Gò, xã Bình An (huyện Thăng Bình)... Khối lượng sạt lở ban đầu ước tính khoảng 2.500 m3. Đã có 40 chiếc tàu chìm và 5 chiếc bị hư hỏng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát đã đến Quảng Nam trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục bão lũ. Sau khi đi thực địa tại hiện trường, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao công tác phòng chống bão số 11 tại Quảng Nam, nhất là công tác sơ tán dân. Bộ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẩn trương rà soát lại những hộ dân bị thiệt hại do bão để có hướng hỗ trợ kịp thời đồng thời lên phương án đối phó với lũ sau bão; kiên quyết không để người dân đói sau bão, lũ. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đang tích cực chỉ đạo các địa phương, các ngành khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 11, lên kế hoạch phòng chống lũ, đồng thời huy động lực lượng thanh niên, đoàn thể giúp nhân dân dựng lại nhà cửa, sớm ổn định chỗ ở, tiếp tục sản xuất.
Tại Quảng Trị, gió giật từ cấp 9 - 10 cùng với mưa lớn đã làm 8 người bị thương, nhiều căn nhà bị sập và tốc mái, cây cối gãy đổ ngổn ngang, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng mất điện.
Ông Lê Quang Lanh, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị cho biết: Tính đến 6 giờ sáng 15/10, ngay sau bão số 11 đi qua địa phận đảo Cồn Cỏ với sức gió mạnh cấp 11, cấp 13, sóng biển dâng cao, một số công trình xây dựng trên địa bàn huyện đang được sửa chữa do bão số 10 gây thiệt hại vừa qua cũng đã bị tốc mái trở lại; toàn huyện đã bị mất điện. Đặc biệt hệ thống đê kè chắn sóng biển bị sạt lở một đoạn dài. Rất may không có người bị thương vong.
Theo báo cáo sơ bộ ban đầu của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn là nơi chịu thiệt hại nặng nhất với 1 người bị thương; 75 nhà và 5 trường học bị tốc mái; 1 thuyền bị chìm tại chỗ, 3 thuyền khác bị hư hỏng do va chạm với nhau; hơn 150 ha hoa màu bị hư hỏng, trong đó chủ yếu là cây hành. Các huyện Bình Sơn, Sơn Hà, Sơn Tây có 15 nhà bị tốc mái; hàng chục ha cây keo bị ngã, đổ, gây ách tắc trên nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã; nhiều tuyến kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; hàng chục ha hoa màu như hành, ngô vụ mùa bị ngã đổ. Do một đoạn đường sắt Bắc - Nam qua thành phố Đà Nẵng bị hư hỏng, nên có 3 chuyến tàu phải tạm dừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. UBND tỉnh đã phối hợp với Ban quản lý đường sắt Quảng Ngãi có kế hoạch hỗ trợ nơi ăn, ở cho các hành khách. Tại Đà Nẵng, cũng có 11 người bị thương do bão số 11.
Thành phố Đà Nẵng bị mất điện trên diện rộng, 2 nhà máy nước lớn nhất của thành phố là Cầu Đỏ và Sân Bay đã bị mất điện nên không thể vận hành, các lực lượng chức năng đang tích cực khắc phục, có thể sử dụng máy phát điện để đảm bảo cung cấp nước cho nhân dân.
Huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chịu thiệt hại do bão số 11. Đến thời điểm hiện tại, thống kê sơ bộ trên địa bàn huyện đã có hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, nặng nhất là thị trấn Lăng Cô và các xã vùng ven biển, ven phá Tam Giang. Cây xanh ở trục các đường chính và về các khu dân cư bị gẫy đổ.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động 50 chiến sĩ bộ đội biên phòng, dân quân; sử dụng hơn 300 bao cát, 50 rọ sắt và xe chuyên dụng để hàn lấp đoạn đê biển dài 200 m tại thôn Thái Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) vừa bị sạt lở do sóng biển và triều cường dâng cao.
Nhóm PV TTXVN
Mưa lũ còn diễn biến phức tạp Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 11 được đánh giá mạnh tương đương bão số 10 đổ bộ vào Quảng Bình cuối tháng 9 và bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006 đã đổ bộ vào Trung Trung Bộ sáng sớm ngày 15/10, tâm bão đi vào địa phận giữa Đà Nẵng và Hội An. Do ảnh hưởng của bão số 11, ở nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định trong 2 ngày 14 và 15/10 đã có gió giật mạnh cấp 6 - 11, vùng gần tâm bão đi qua gió giật mạnh cấp 12 - 14. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6 - 9; các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió giật mạnh cấp 10 - 12. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Hồi 13 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ vĩ bắc; 106,7 độ kinh đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9. Dự báo đến 13 giờ ngày 16/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,3 độ vĩ bắc; 103,1 độ kinh đông, trên khu vực phía đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ). Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, kết hợp với không khí lạnh, ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trong 2 ngày tới tiếp tục có mưa mưa to đến rất to. Lũ trên các sông sẽ lên nhanh, nhiều sông lên mức báo động II, báo động III. Tình trạng ngập lụt do mưa lớn và xả lũ các hồ chứa thủy điện và thủy lợi có khả năng xảy ra ở nhiều nơi. Vùng núi cần đề phòng xuất hiện lũ quét, sạt lở đất. BMT |