Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia
Nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu, Quy hoạch cần có độ chính xác lớn, tính khả thi cao, sát với nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra; dự báo dài hạn, bảo đảm sự chủ động, ổn định về nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tiếp tục tiếp cận và bổ sung quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ… trong lĩnh vực năng lượng. Dự thảo Quy hoạch phải đánh giá, chỉ ra những tồn tại, vướng mắc về hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia trước đó; mức độ xung đột với các quy hoạch khác; bất cập về công nghệ dự trữ, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn môi trường…
"Quy hoạch phải phân loại rõ hệ thống cung ứng, dự trữ xăng dầu, khí đốt để có cơ chế vận hành tương ứng với các tình huống biến động thị trường, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước hay khoán trắng cho doanh nghiệp; từ đó, xác định cơ chế quản lý, điều hành, điều phối đồng bộ, thống nhất", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Nhắc lại bất cập của thị trường xăng dầu cuối năm 2022, đầu năm 2023, Phó Thủ tướng nói, Quy hoạch là "xương sống", năng lượng huyết mạch cho nền kinh tế; phải được tính toán dựa trên các yêu cầu thực tiễn; đồng thời giải quyết các "bài toán" về dự báo nhu cầu, phù hợp, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch về đất đai, môi trường, giao thông, đô thị...
Với xu hướng sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, Quy hoạch phải bám sát định hướng của Đảng, Nhà nước; ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số nhằm đánh giá rõ hoạt động cung ứng, điều phối, nhìn nhận diễn biến thị trường; kết nối từ cơ sản xuất đến cơ sở bán hàng, khu vực dự trữ. Từ đó, không để xảy ra tình trạng thiếu - thừa cục bộ, tăng - giảm khối lượng dự trữ hợp lý, phù hợp với xu thế, kết nối với các trung tâm năng lượng tái tạo khác trên thế giới…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, Quy hoạch cần đánh giá kỹ tác động môi trường; thiết kế cơ sở dữ liệu về thị trường xăng dầu để kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành liên quan, phục vụ công tác vận hành hệ thống cung ứng, dự trữ nhịp nhàng, đồng bộ. Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng kế hoạch, dự án triển khai Quy hoạch sau khi được thông qua, hoàn thiện các quy định pháp lý giám sát, cơ chế tài chính, điều phối…
Đảm bảo dự trữ, cung ứng đầy đủ, an toàn, liên tục
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện, hệ thống kho dự trữ xăng dầu được phân bố trên phạm vi cả nước nhưng chưa có hệ thống kho riêng cho dự trữ quốc gia. Tổng mức dự trữ xăng dầu mới ở mức khiêm tốn (khoảng 65 ngày nhập ròng). Một số cơ sở vật chất được thiết kế theo các tiêu chuẩn cũ đã không đáp ứng được tiêu chuẩn hiện tại, cần cải tạo, sửa chữa nhiều để phù hợp với yêu cầu thực tế và đảm bảo an toàn vận hành.
Trong khi đó, sức chứa của hệ thống kho khí hóa lỏng (LPG) còn hạn chế. Hiện cả nước chỉ có 10 kho có dung tích từ 10 nghìn mét khối trở lên và chưa có kho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đưa vào hoạt động. Việc xây dựng các tuyến ống dẫn khí từ kho khí LNG đến hộ tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do thiếu đồng bộ...
Theo Tờ trình của Bộ Công Thương, Quy hoạch nhằm mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, bao gồm dự trữ chiến lược (dự trữ quốc gia); dự trữ sản xuất, thương mại, vận tải, lưu thông phân phối, đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, môi trường và có tính khả thi cao, đảm bảo dự trữ, cung ứng đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Đồng thời, đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75 - 80 ngày nhập ròng, tiến tới đạt 90 ngày nhập ròng, đáp ứng tiêu chí của Tổ chức Năng lượng Quốc tế; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt tối thiểu đáp ứng 15 ngày tiêu thụ.
Dự thảo Quy hoạch đề ra mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2030, sau 2030 về hạ tầng: Dự trữ xăng dầu; dự trữ khí đốt; cung ứng xăng dầu, khí đốt; đồng thời, đề ra quy hoạch phát triển hệ thống: Kho xăng dầu; đường ống xăng dầu; kho khí đốt; đường ống khí đốt. Tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng.
Quy hoạch tập trung, ưu tiên đầu tư hạ tầng cho dự trữ quốc gia đối với dầu thô và sản phẩm xăng dầu; đầu tư kho xăng dầu đầu mối quy mô lớn tại các khu vực có cảng nước sâu, đảm bảo dự trữ đầu nguồn, nguồn cung ứng; đầu tư kho xăng dầu kết hợp với nhiên liệu bay đầu nguồn tại khu vực sân bay quốc tế, nhất là sân bay mới; đầu tư kho LNG nhập khẩu đầu mối đảm bảo cung cấp khí cho các nhà máy điện khí…
Quy hoạch thực hiện với 6 nhóm giải pháp về: Cơ chế, chính sách; huy động vốn đầu tư; khoa học và công nghệ; môi trường và phòng, chống cháy, nổ; phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế.
Góp ý cho dự thảo Quy hoạch tại cuộc họp, các chuyên gia, ủy viên phản biện kiến nghị bổ sung, điều chỉnh, làm rõ một số vấn đề liên quan đến đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp, người dân, hài hòa yếu tố môi trường; tính khả thi, chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng xanh, tái tạo... Một số chuyên gia đề nghị tránh "quy hoạch cứng" khi cơ cấu năng lượng; quá trình thực hiện quy hoạch cần phải tính toán đến các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, chuyển đổi năng lượng công bằng, ứng phó biến đổi khí hậu…