Tham dự có các cơ quan báo đài và hội nhà báo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định...
Các ý kiến thảo luận tại hội thảo đã tập trung phân tích vai trò của mạng xã hội cùng những tác hại của loại hình này trong thời đại 4.0. Hiện nay, mạng xã hội trở thành phương tiện giao lưu kết nối chia sẻ thông tin toàn cầu và trực tuyến tức thì như: Facebook, Youtube, Zalo... Tại Việt Nam hiện có khoảng gần 40 triệu người (chiếm gần 40% dân số) tham gia mạng xã hội với bình quân 2 tiếng mỗi ngày, số người trẻ chiếm tới 80%.
Ưu điểm của mạng xã hội là đưa thông tin mọi mặt, ngắn gọn và gần gũi với cộng đồng, đóng góp một phần quan trọng vào nhận thức và hành động, góp phần vào phát triển văn hóa kinh tế cũng như mọi mặt đời sống, mang đến nhiều tính năng vượt trội như: trò chuyện, Email, xem phim, nghe ca nhạc, tìm kiếm chuyển tải thông tin kịp thời...
Tuy nhiên, mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ và gây ra những tác hại không nhỏ. Nhiều khi mạng bị biến thành công cụ để các thế lực chống phá nhà nước, bôi nhọ cán bộ. Một số phần tử lợi dụng đưa thông tin và hình ảnh độc hại đồi trụy làm suy đồi đạo đức văn hóa và lối sống, dẫn đến bạo lực. Đáng lo ngại hơn mạng bị lợi dụng để bọn xấu lừa gạt chiếm đoạt tài sản; mặt khác, chúng còn đưa các thông tin trên mạng theo hướng dung tục, rẻ tiền, nói xấu kể tội người khác. Với người trẻ dùng mạng nhiều sẽ gây nghiện và nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và một số bệnh nguy hại khác.
Nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo đã đưa ra các giải pháp để báo đài địa phương cạnh tranh, tuyên chiến với mạng xã hội. Theo lãnh đạo báo đài các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, thành phố Hải Phòng, trước hết phải khắc phục tình trạng đưa thông tin chậm, tin đơn điệu khô cứng, tin mang tính hiếu hỷ lễ tân không thiết thực. Báo đài địa phương cần phát huy lợi thế về trình độ chuyên môn, kỹ thuật, có quyền kiểm chứng thông tin xác thực để định hướng dư luận, tạo niềm tin với độc giả.
Để tuyên chiến với mạng xã hội, đại diện hội nhà báo các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, thành phố Hà Nội nêu rõ, khi tham gia mạng xã hội, các nhà báo phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Hội Nhà báo Việt Nam. Trong đó, cần chia sẻ thông tin có ích cho xã hội và đất nước; đăng tải bình luận, nhận xét phải đúng mực có văn hóa về những vấn đề dư luận đang quan tâm. Cần phát hiện, khai thác có kiểm chứng có chọn lọc thông tin trên mạng xã hội để thực hiện tác nghiệp báo chí.
Mặt khác, tuyệt đối không được làm lộ bí mật, đăng bài vì mục đích cá nhân; đăng thông tin trái quan điểm đường lối của Đảng; sao chép, phát tán những tin bài vi phạm bản quyền; thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng gây hoang mang trong quần chúng; miêu tả thô thiển những hành động dâm ô, tội ác không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Ý kiến lãnh đạo báo đài các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Thái Bình cho rằng: Mạng xã hội đang đe dọa báo in và phát thanh truyền hình. Muốn cạnh tranh để không bị mạng xã hội lấn át, đòi hỏi các cơ quan báo đài địa phương phải nâng cao chất lượng tin bài, chương trình và đổi mới cách làm. Trong đó coi trọng cách đưa nội dung hấp dẫn bằng thông tin thiết thực; cần cắt giảm các tin hội họp, vô thưởng vô phạt nhàm chán, để tin bài thật sự mới, có bình luận hay để thuyết phục công chúng.