Sáng 22/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013. Tin tức trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo của Chính phủ:“Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thưa các đồng chí lão thành cách mạng và các vị khách,
Thưa đồng chí, đồng bào,
Thay mặt Chính phủ, tôi xin trân trọng báo cáo với Quốc hội và đồng bào cả nước một số vấn đề lớn về tình hình kinh tế, xã hội năm 2012; mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về “Tình hình kinh tế, xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013”. Ảnh : Nhan Sáng – TTXVN |
Phần thứ nhất TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2012
Chúng ta thực hiện nhiệm vụ năm 2012 trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động rất phức tạp và khó khăn nhiều hơn, thương mại sụt giảm mạnh, tăng trưởng toàn cầu thấp so với dự báo đầu năm, tác động tiêu cực đến nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn như nền kinh tế nước ta. Ở trong nước, việc thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát là cần thiết nhưng hệ quả là cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi suất tín dụng tăng cao; doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, sản xuất khó khăn. Bên cạnh đó, chúng ta phải dành nhiều thời gian và công sức để đối phó với thiên tai, dịch bệnh, các âm mưu thủ đoạn gây mất ổn định chính trị - xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia.
Bối cảnh trên đặt ra những thách thức lớn trong lựa chọn chính sách và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Chính phủ đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội[1]. Trên cơ sở kết quả 9 tháng đầu năm 2012 và ước thực hiện trong các tháng cuối năm, Chính phủ xin báo cáo Quốc hội đánh giá tình hình kinh tế, xã hội năm 2012 trên các nội dung chủ yếu như sau:
1. Về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanhĐã kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ. Kinh tế vĩ mô có những tiến bộ trên một số tiêu chí quan trọng.
Lạm phát bước đầu được kiềm chế, giá tiêu dùng 9 tháng tăng 5,13%. Trong những tháng cuối năm sẽ thực hiện các biện pháp để giữ mức lạm phát cả năm khoảng 8%.
So với đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm. Tỷ lệ tín dụng cho khu vực nông nghiệp và nông thôn tăng. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng có bước cải thiện. Huy động tiền gửi tăng 12,7%. Tỷ giá ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, khắc phục một bước tình trạng sử dụng ngoại tệ, vàng để làm phương tiện thanh toán ở trong nước. Xuất khẩu tăng 18,9%, đạt 83,79 tỷ USD, nhập khẩu tăng 6,6%, đạt 83,76 tỷ USD. Ước xuất khẩu cả năm tăng 16,6%, nhập khẩu tăng 6,8%, nhập siêu khoảng 1 tỷ USD, bằng 0,9% kim ngạch xuất khẩu. Dự trữ ngoại hối tăng, đạt trên 11 tuần nhập khẩu; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư trên 8 tỷ USD.
Thu ngân sách đạt 67,3%, chi ngân sách đạt 71,2% dự toán. Với tín hiệu tích cực của những tháng cuối năm, ước thu ngân sách cả năm đạt kế hoạch, bảo đảm được các nhiệm vụ chi và giữ bội chi ngân sách ở mức 4,8% GDP, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước bằng 29,5% GDP (năm 2011 là 34,6%). Nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn được thực hiện, tình hình sản xuất kinh doanh dần được cải thiện. Hàng tồn kho giảm[2]. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể giảm dần tuy vẫn còn cao so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký mới[3] tăng nhưng vẫn thấp hơn năm trước.
Sản xuất công nghiệp tăng dần qua từng quý[4]. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 4,8%, ước cả năm tăng 5,3%. Công nghiệp khai khoáng và các ngành sản xuất gây ô nhiễm, tiêu tốn năng lượng tăng thấp hơn mức bình quân. Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài áp dụng công nghệ cao có xuất khẩu tăng mạnh.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển, giữ vai trò rất quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn. Giá trị sản xuất toàn ngành 9 tháng tăng 3,7%, ước cả năm đạt khoảng 3,9%. Sản lượng lúa cả năm ước đạt trên 43 triệu tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với năm 2011, xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, đều là mức cao nhất so với các năm trước. Nuôi trồng thủy sản tăng khá, ước cả năm xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD trong tổng số 26,5 tỷ xuất khẩu của toàn ngành (năm 2011 là 25 tỷ).
Khu vực dịch vụ tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 17,3%, nếu loại trừ yếu tố giá cũng tăng 6,7%, ước cả năm tăng 18%. Doanh thu du lịch ước cả năm tăng trên 15%, số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trên 8%. Khối lượng vận chuyển hành khách tăng 12,1%, ước cả năm tăng 13%; bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển mạnh.
Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 4,73%, ước cả năm đạt khoảng 5,2%, thấp hơn kế hoạch nhưng quý sau cao hơn quý trước[5], lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định hơn là những dấu hiệu tích cực để phát triển bền vững trong thời gian tới[6].
2. Về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởngTại Kỳ họp trước, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước[7], tái cơ cấu thị trường tài chính, ngân hàng[8] và tái cơ cấu đầu tư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa XI), coi đây là những nội dung quan trọng trong tổng thể tái cơ cấu. Đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế về đầu tư nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Đổi mới việc lập kế hoạch vốn đầu tư tập trung, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn chương trình mục tiêu quốc gia từ kế hoạch hàng năm sang kế hoạch trung hạn; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách, tập trung vào các chương trình, dự án quan trọng. Quy định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư về chất lượng và hiệu quả của các công trình xây dựng. Đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương để làm cơ sở quản lý đầu tư trung và dài hạn.
Triển khai thực hiện tái cơ cấu ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng yếu kém, gắn với việc xử lý nợ xấu. Tăng cường thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, chứng khoán, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm cho thị trường tài chính phát triển lành mạnh[9]. Triển khai thực hiện tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo hướng tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, quy mô phù hợp với thị trường, năng lực quản trị và khả năng tài chính. Tập trung hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng chủ thể, nhất là của bộ quản lý ngành và hội đồng quản trị doanh nghiệp.
3. Về bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hộiChính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách xã hội, trọng tâm là tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo ước cả năm giảm 1,76%. Tuy không đạt kế hoạch là 2% nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn thì đây là một cố gắng lớn.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, qua 9 tháng đã giải quyết được 1,13 triệu việc làm mới, ước cả năm đạt khoảng 1,52 triệu. Thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho trên 280 nghìn lao động. Tình hình lao động ở các khu công nghiệp cơ bản ổn định. Một bộ phận lao động được đào tạo, chuyển nghề mới phù hợp hơn.
Quan tâm chăm lo 8,8 triệu người có công, trong đó gần 1,5 triệu người đang hưởng trợ cấp thường xuyên. Số hộ người có công có mức sống thấp hơn mức trung bình tại địa bàn nơi cư trú giảm xuống chỉ còn dưới 5%.
Thu hút được 10,34 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó có 10,2 triệu là bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 4,2% so với cùng kỳ; 8,07 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng 6,6% so với cùng kỳ. Thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên cho gần 2,3 triệu người (trên 40 nghìn người trong các cơ sở bảo trợ xã hội). Đã kịp thời cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, phòng chống HIV/AIDS được tiếp tục quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả tích cực[10]. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 68% (tăng 5%). Nhờ các chính sách hỗ trợ nên khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người nghèo, cận nghèo vẫn được bảo đảm.
4. Về phát triển văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trườngVăn hóa, thể thao tiếp tục được quan tâm, gắn với thực hiện các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được chú trọng. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa. Công tác quản lý lễ hội tiếp tục được chấn chỉnh. Chính phủ đã trình Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI) đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đề án phát triển khoa học và công nghệ, tạo cơ sở thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Hầu hết các chỉ tiêu về phát triển giáo dục và đào tạo đều đạt và vượt kế hoạch. Chất lượng giáo dục có bước tiến bộ. Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được tăng cường, kiên cố hóa. Ký túc xá sinh viên được quan tâm đầu tư. Cơ bản khắc phục tình trạng xã trắng về giáo dục mầm non. Số trẻ mẫu giáo đạt gần 3,6 triệu, tăng 7,6% so với kế hoạch. Các chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng… mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt là chính sách cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên đã khắc phục được tình trạng bỏ học do không có tiền đóng học phí[11]. Công bằng xã hội trong giáo dục được bảo đảm tốt hơn.
Hoạt động nghiên cứu khoa học đạt được những kết quả tích cực. Một số công trình nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội. Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực như điện tử, công nghệ thông tin, chế tạo thiết bị dầu khí... được nâng cao. Kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ được nhân rộng, nhất là trong nông nghiệp, y tế, xây dựng công trình. Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ được đẩy mạnh.
Đã tập trung chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác khoáng sản và sử dụng đất lúa. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, biện pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được tích cực triển khai. Chủ động tham gia các sáng kiến, các diễn đàn quốc tế lớn về bảo vệ môi trường, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được tăng cường. Nhiều chỉ tiêu về môi trường, phát triển bền vững đạt và vượt kế hoạch. Việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật... được tăng cường quản lý.
5. Về cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệmCải cách hành chính tiếp tục được triển khai đồng bộ cả về thể chế, tổ chức cán bộ, thủ tục hành chính và tài chính công.
Đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy các Bộ, cơ quan ngang Bộ, phân định rõ trách nhiệm quản lý các lĩnh vực giữa các Bộ, ngành bảo đảm mỗi việc đều có cơ quan chịu trách nhiệm chính. Đang tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức các cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương theo hướng bảo đảm quản lý thống nhất của trung ương và phù hợp với đặc thù của địa phương.
Tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức, thanh tra công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức và tuyển chọn, nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh.
Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Trên cơ sở kết quả hệ thống hóa và công khai các thủ tục hành chính ở 4 cấp chính quyền, việc kiểm soát thủ tục hành chính đã trở thành một khâu bắt buộc khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Tiếp tục đổi mới quản lý tài chính công, nhất là trong thu chi ngân sách, phân bổ vốn đầu tư, trong cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập như y tế, giáo dục, khoa học công nghệ...