Tác giả bài viết Hany Abdel Fattah đã dành những tình cảm tốt đẹp, sự ngưỡng mộ và cả sự kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này đã được tác giả thể hiện qua những câu từ trong bài báo ca ngợi vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Bài báo tập trung giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vai trò của Người đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc; về hình ảnh của Người trên đất nước Kim Tự Tháp thông qua 3 chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ai Cập vào các năm 1911 và 1946 và mối quan hệ thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Ai Cập Gamal-Abdel-Nasser lúc sinh thời. Ngoài ra, bài viết cũng đề cập tới một số thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của Việt Nam trong những năm vừa qua, cũng như tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa hai nước.
Theo nhà báo Fattah, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng kiệt xuất của đất nước Việt Nam, một nhà hoạt động cách mạng, người đã yêu mến và 3 lần đặt chân lên đất nước Ai Cập và đặt nền móng cho quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Ai Cập - Việt Nam. Nhà báo Fattah nhấn mạnh rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật lịch sử huyền thoại của thế kỷ XX. Đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành được những thắng lợi vĩ đại.
Ngoài ra, cũng theo tác giả bài viết, Hồ Chí Minh cũng là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản trọn đời vì nước vì dân, nhà cách mạng dày dặn kinh nghiệm suốt đời đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình. Với thế giới, Hồ Chí Minh đã làm nên lịch sử hiện đại, một chiến sĩ quốc tế mẫu mực, một trong những nhân vật đáng kính nhất của thời đại chúng ta.
Sự lãnh đạo kiệt xuất của Người trong cuộc đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong trào cách mạng thế giới nhất là tại các dân tộc thuộc địa ở châu Phi và Mỹ La tinh. Người dân các nước châu Phi cũng như các nước yêu chuộng hòa bình dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh một sự kính trọng vô cùng lớn lao. Nhiều người nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hai tiếng thân thương “Cụ Hồ” hay “Bác Hồ”.
Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần đặt chân trên đất nước Ai Cập vào các năm 1911, 1946 (2 lần). Ngày 30/6/1911, con tàu La Touche Treville cập cảng Port Said ở phía Bắc kênh đào Suez đưa Người lần đầu tiên đến với đất nước Ai Cập. Ngày 8/6/1946, Hồ Chí Minh đến Ai Cập và có dịp gặp gỡ người dân, thăm Viện Khảo cổ Ai Cập, thăm những kim tự tháp nổi tiếng của quốc gia Bắc Phi này.
Sau đó vào ngày 22/6/1946, trên chặng đường về nước từ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại thăm cảng Port Said, nơi Người từng đặt chân lần đầu cách đây tròn 35 năm. Vì coi trọng Ai Cập là một nước có tầm ảnh hưởng và vị thế tại Bắc Phi, và dành nhiều tình cảm quý mến đất nước và con người Ai Cập, Hồ Chí Minh đã sớm cho đặt cơ quan đại diện Kinh tế của Việt Nam tại Ai Cập vào năm 1958; cùng Tổng thống Abdel Nasser đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị giữa hai đất nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Ai Cập phát triển tốt đẹp cho đến ngày nay.
Theo tác giả Fattah, nhắc tới Hồ Chủ tịch, người dân Ai Cập luôn dành cho Người một sự ngưỡng mộ và vô cùng kính trọng. Nhiều người đặc biệt ấn tượng và cảm mến trước hình ảnh giản dị và gần gũi của vị lãnh tụ Việt Nam tại Kim tự tháp Saqqara hồi năm 1946.