Ban Kinh tế Trung ương làm việc tại Long An về tín dụng chính sách xã hội

Ngày 11/7, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do Phó Trưởng ban Nguyễn Hồng Sơn làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Long An về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa cho biết, qua 10 năm, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư đã được quán triệt, triển khai sâu rộng đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Từ đó có sự chuyển biến rõ nét về mặt nhận thức, về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách đối với phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nội bộ và nhân dân, thu hút ngày càng nhiều nguồn lực trong xã hội cho tín dụng chính sách; góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Long An, tổng nguồn lực huy động để thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt gần 5.900 tỷ đồng, tăng 3.750 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40. Quy mô tín dụng được mở rộng, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao; thực hiện giải ngân cho 377.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn gần 11.400 tỷ đồng. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, chăm lo các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng. Giai đoạn 2011 - 2015, số hộ nghèo trong tỉnh giảm từ 7,37% xuống còn 2,98%; giai đoạn 2016 - 2020 theo tiêu chí nghèo đa chiều giảm từ 4,03% xuống còn 1,16% và đến hết năm 2023 toàn tỉnh chỉ còn 0,75% hộ nghèo.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Long An, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn như: nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu; kết quả tập trung các nguồn lực có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước và nguồn huy động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp còn thấp... Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, một số đối tượng còn nhiều khó khăn nhưng chưa có chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tiếp tục vươn lên như: Hộ thoát nghèo trên 3 năm nhưng chưa bền vững, hộ có mức sống trung bình, hộ dân sinh sống tại vùng biên giới…

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Mai Văn Nhiều kiến nghị, Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí thêm nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách; đặc biệt là chương trình hỗ trợ tạo việc làm để góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho các đối tượng chính sách xã hội, lao động nông thôn, lao động bị mất việc làm. Đồng thời xem xét ban hành chính sách tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình tại xã xây dựng nông thôn mới, chính sách tín dụng đối với gia đình sinh sống tại các xã biên giới; bổ sung đối tượng cho vay đối với hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn để xây dựng, sửa chữa nhà ở; xem xét nâng mức vay đối với các chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho phù hợp với chi phí thực tế phát sinh…

Chú thích ảnh
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn ghi nhận, đánh giá cao các kết quả tỉnh Long An đạt được trong công tác tín dụng chính sách xã hội và thực hiện Chỉ thị số 40; đồng thời đề nghị, Long An tiếp tục nâng cao nhận thức của các bên có liên quan về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội, thông qua việc tiếp tục tăng cường quán triệt về nhiệm vụ, giải pháp vẫn đang còn nguyên giá trị của Chỉ thị số 40; đặc biệt là tính nhân văn, tính sáng tạo và tính xã hội chủ nghĩa của Chỉ thị này.

Tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với hoạt động tín dụng chính sách, tăng cường kêu gọi các nguồn vốn phát triển tín dụng chính sách, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Tin, ảnh: Bùi Giang (TTXVN)
Tín dụng ở TP Hồ Chí Minh giữ xu hướng phục hồi sau thời gian ảm đạm
Tín dụng ở TP Hồ Chí Minh giữ xu hướng phục hồi sau thời gian ảm đạm

Sau thời gian ảm đạm, thậm chí có tháng tăng trưởng âm, dư nợ tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có sự phục hồi đáng kể trong những tháng gần đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN