Đây là tín hiệu lạc quan cho thấy đà phục hồi tín dụng đang tăng mạnh trở lại, mục tiêu tăng trưởng 14-15% cho cả năm 2024 được giới chuyên gia kỳ vọng có thể hoàn thành.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất, tung ra các gói cho vay ưu đãi nhằm đưa vốn ra nền kinh tế, tăng tốc tín dụng nửa cuối năm.
Ổn định mặt bằng lãi suất
Lãi suất huy động có xu hướng tăng trong vài tháng gần đây với mức tăng dao động từ 0,4 - 1,6%/năm tùy thuộc vào kỳ hạn. Hiện mức lãi suất huy động trên 6%/năm đã xuất hiện nhiều hơn tại một số ngân hàng.
Giới chuyên gia nhận định nguyên nhân chính khiến các ngân hàng tăng lãi suất huy động là do áp lực lạm phát gia tăng và sự cạnh tranh gay gắt từ các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán… Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, mặc dù lãi suất huy động nhích tăng nhưng lãi suất cho vay cần tiếp tục duy trì ổn định ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời kỳ phục hồi.
Trên thực tế thời gian qua, các ngân hàng vẫn nỗ lực giữ lãi suất cho vay ở mức thấp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đã triển khai gói tín dụng quy mô 4.000 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính tốt, tối đa hóa lợi nhuận kinh doanh. Lãi suất cho vay gói này từ 6,5%/năm đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp tầm trung trở lên và từ 6,8%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ… Hay như tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), một gói vay vốn phục vụ nhu cầu mua nhà dân cư, nhà dự án với chính sách lãi suất từ 5,79%/năm cũng đang được triển khai…
Song song với giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng còn công khai lãi suất cho vay bình quân, tạo môi trường minh bạch và cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng. Từ đó, giúp người vay vốn dễ dàng nắm bắt và lựa chọn nơi vay phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết. sẽ tiết tục thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản trị và hoạt động của ngân hàng.
Cũng theo ông Tùng, Vietcombank và các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ tiên phong trong việc xem xét giảm lãi suất cho vay mặc dù phải đối mặt với áp lực lãi suất huy động tăng.
Giảm lãi suất cho vay là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành ngân hàng trong thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đạt được mức giảm lãi suất đáng ghi nhận 3,4% kể từ đầu năm 2023.
Triển vọng tăng trưởng tín dụng
Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS Research) dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ đạt 14%, dựa trên nền tảng GDP tăng trưởng dự kiến 6,3%-6,5% cho cả năm. Động lực cho sự tăng trưởng này bao gồm sự phục hồi của thị trường tài chính tiêu dùng, gia tăng sử dụng thẻ tín dụng, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh và nhu cầu vay mua ô tô cao.
Đồng thời, theo MBS Research, lãi suất cho vay ở mức thấp và thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hồi sinh, với tỷ lệ hàng tồn kho và doanh thu thuế liên quan đến đất đai đều tăng. Những yếu tố này sẽ thúc đẩy nhu cầu vay vốn trong thời gian tới.
Cùng quan điểm, Công ty chứng khoán Maybank Việt Nam (MSVN) ước tính mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay là hợp lý và đủ tốt, dự kiến tín dụng sẽ tăng tốc trong quý III/2024 nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Trước đó, Tổng Giám đốc Vietcombank từng chia sẻ, sự ấm lên của thị trường bất động sản đã giúp cầu tín dụng của người dân trong tháng 4 và tháng 5/2024 cũng tăng trở lại. Vietcombank lạc quan vào tín dụng cả năm và định hướng tín dụng cuối năm nay tăng 10-15%.
“Vietcombank không vì vội vàng tăng trưởng tín dụng mà không kiểm soát chất lượng tín dụng. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục lựa chọn các dự án tốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.
Theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thời gian qua còn yếu do nhiều doanh nghiệp giải thể và "sức khỏe" doanh nghiệp giảm sút. Tuy nhiên, ông kỳ vọng rằng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm khi các doanh nghiệp phục hồi.
Mặc dù lạc quan về tăng trưởng tín dụng, song nhiều ý kiến cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng lãi suất cho vay không thể giảm sâu thêm do áp lực từ lãi suất huy động và cạnh tranh với các lĩnh vực đầu tư khác.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, nhấn mạnh rằng việc giảm lãi suất cho vay là thách thức lớn đối với hệ thống ngân hàng.
Để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất ổn định, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và công khai lãi suất cho vay bình quân. Đồng thời, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 06/2024/TT-NHNN để kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12/2024.
Tại báo cáo ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo nhu cầu vay vốn sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2024 nhờ lãi suất thấp, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và nhu cầu vay vốn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 12-13% cho cả năm.
VCBS chỉ ra các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bao gồm: sản xuất và xuất khẩu tăng trưởng mạnh, giải ngân đầu tư công gia tăng, đặc biệt là các dự án trọng điểm (như hạ tầng) và thị trường bất động sản hồi phục từ nửa cuối năm 2024. Nhờ vậy, tín dụng cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và mua nhà cũng sẽ tăng trưởng.
Tương tự, MBS Research dự đoán các ngân hàng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong phần còn lại của năm 2024. Nhờ lợi nhuận ròng (NIM) cao, các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay để thu hút khách hàng vay vốn.