Thượng tướng Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thượng tướng Tô Lâm cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ Thành ủy Cần Thơ đã nêu trong báo cáo. Thượng tướng đề nghị Thành ủy Cần Thơ trong thời gian tới, tiếp tục tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng nêu trong Văn kiện Đại hội XII về “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại; bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân...”.
Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp thành phố Cần Thơ tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, trên cơ sở đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt, bố trí, sắp xếp lại cán bộ để phát huy hiệu quả khả năng làm việc của cán bộ; chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch vững mạnh, trong đó chú ý nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành quan tâm đến công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp bằng những biện pháp như giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, cơ chế kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn các hành vi tiêu cực.
Thượng tướng Tô Lâm yêu cầu các cấp ủy Đảng cần bảo đảm sự lãnh đạo sâu sát, thường xuyên đối với công tác tư pháp, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước và các chương trình, kế hoạch Thành ủy đã ban hành về tổ chức thực hiện các nội dung chiến lược cải cách tư pháp.
Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp và các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện các nhiệm vụ tư pháp của thành phố tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể triển khai thực hiện các vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016-2021 đã được xác định trong Chương trình số 03 của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương; đồng thời tích cực triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và một số luật mới được Quốc hội thông qua...
Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và nhân dân thành phố Cần Thơ cần xây dựng, tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình giám sát chuyên đề đối với công tác của các cơ quan tư pháp; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo về tư pháp... Cùng với đó, tổ chức thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp, bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và nhân dân.
Theo ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ, thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác cải cách tư pháp, chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp ngày càng được nâng lên, công tác truy tố, xét xử và thi hành án có nhiều tiến bộ, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm; hoạt động luật sư, công chứng đi vào nền nếp, đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch về công tác cải cách tư pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; củng cố, kiện toàn, phát huy tốt vai trò của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp thành phố; nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng tại cơ quan tư pháp các cấp, thực hiện nghiêm túc việc cơ cấu các đồng chí là người đứng đầu cơ quan tư pháp tham gia cấp ủy Đảng các cấp...
Tuy nhiên, công tác cải cách tư pháp thành phố còn một số hạn chế như trụ sở làm việc của Viện Kiểm sát, Tòa án một vài quận, huyện phải thuê; trang thiết bị, phòng hỏi cung của Công an chưa đáp ứng yêu cầu; số lượng án phải đưa ra xét xử, số lượng án dân sự phải thi hành tồn đọng còn nhiều...