Ngày 10/8, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã họp Phiên họp thứ 6 để cho ý kiến về hai đề án tăng cường cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ cho ngành tòa án và kiểm sát. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng; Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo tham dự.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, chủ trì Phiên họp.Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN |
Đánh giá về nội dung và quá trình xây dựng đề án, Thường trực Ban Chỉ đạo nêu rõ, đề án của Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp liên quan đến nhiều lĩnh vực quan trọng: Tài chính, đất đai, kế hoạch đầu tư, công nghệ thông tin... Trong quá trình xây dựng đề án, ban soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đề xuất mới, do vậy cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trước khi trình các cấp có thẩm quyền, bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của đất nước, làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật và thực hiện những nhiệm vụ cải cách tư pháp. Do cùng chung mục tiêu, nhiệm vụ chung là tăng cường cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ nên đề án cần tránh khác biệt trong kết cấu, bố cục và cách thể hiện nhằm tạo thuận lợi khi thảo luận cho ý kiến.
Góp ý cho đề án, các đại biểu cho rằng, kết cấu đề án được sắp xếp tương đối phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Các nội dung của đề án đã trình bày tương đối toàn diện về mục tiêu, quan điểm xây dựng, đánh giá thực trạng tình hình, những khó khăn vướng mắc, bất cập; giải pháp tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Về quá trình xây dựng, đề án được chuẩn bị trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, khảo sát và thu thập thông tin từ Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân để đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài. Các cơ quan cũng đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ngành; có sự phối hợp chia sẻ thông tin kinh nghiệm trong việc xây dựng đề án. Các đại biểu cho rằng, nội dung đề án cần đề cập nhiều hơn đến lộ trình tổ chức thực hiện, bổ sung thêm các tiểu mục, chuyên đề để mang tầm chiến lược, thuyết phục, nhất quán, đồng bộ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo cùng đại diện các bộ, ngành chức năng tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung trọng tâm, làm rõ các vấn đề được ban soạn thảo nêu ra trong đề án về tăng cường cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ cho 2 ngành tòa án và kiểm sát. Để có cơ sở đầy đủ hơn cho việc nhận xét đánh giá các nội dung cụ thể của đề án, các bộ, ngành cần có ý kiến tham gia bằng văn bản để cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý, bổ sung cho đề án trước khi trình Bộ Chính trị xem xét quyết định.
Hoàng Giang