Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh An Đăng - TTXVN
|
Giảm nghèo nhanh
Báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Bắc cho thấy bằng nhiều nguồn lực và các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ sở vật chất và hạ tầng từ tỉnh đến cơ sở, vùng Tây Bắc nói chung và 6 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng đã có bước phát triển mới; điện, đường, trường, trạm, chợ, nước sạch nông thôn đã được đầu tư, xây dựng khá đồng bộ; tạo một diện mạo mới cho nông thôn vùng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân có bước cải thiện đáng kể. Đồng bào đã biết sản xuất hàng hóa, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng đã giảm từ 34,41% vào thời điểm cuối năm 2010 xuống còn 18,26% vào cuối năm 2014, bình quân giảm 3,91%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ trong vùng Tây Bắc đã giảm xuống còn 31,94% vào cuối năm 2014, giảm 5,55% so với cuối năm 2013 và giảm 25,58% trong cả giai đoạn, bình quân giảm trên 6%/năm, đạt mục tiêu theo kế hoạch đã được đề ra và vượt so với mục tiêu giảm bình quân 4%/năm theo mục tiêu của Nghị quyết. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã được hỗ trợ đầu tư theo Chương trình 135 cũng đã giảm từ 3-5% mỗi năm, trong đó 21 xã đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình 135.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường cho biết, thông qua tác động, hiệu quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh này giảm từ 32,53% cuối năm 2011 xuống còn 20,56%. Năm 2015, tỉnh có kế hoạch giảm 4% tỷ lệ hộ nghèo, còn 16,56%, dự kiến kết quả giảm nghèo năm 2015 sẽ vượt chỉ tiêu đề ra.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và bàn về chăn nuôi đại gia súc vùng Tây Bắc. |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng, là tỉnh nghèo nhất nước, Lai Châu đã nỗ lực cho xóa đói giảm nghèo. Cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 21%, bình quân giảm trên 5%/năm. Tỉnh đã tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, gắn tái định cư thủy điện với xóa đói giảm nghèo. Từ chỗ 15 xã nằm trong vùng tái định cư không có điện, đường, trường, trạm, không biết tiếng Kinh, nay giảm nghèo nhanh nhất, trở thành vùng khá, điểm sáng.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh An Đăng - TTXVN
|
Xác định được vai trò trọng yếu của khu vực Tây Bắc trong ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong những năm qua, ngành ngân hàng luôn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước đã triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu, trong đó có sự tham gia tích cực của một số doanh nghiệp trên địa bàn. Ngân hàng Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ để Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tích cực đàm phán, ký kết với Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á đầu tư các chương trình/dự án hỗ trợ cho các tỉnh khu vực Tây Bắc, đặc biệt là 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong giai đoạn 2009-2015, đã có nhiều dự án, chương trình tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội khu vực Tây Bắc, với số vốn đạt trên 648 triệu USD.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, tổng dư nợ cho vay tại vùng Tây Bắc ước tính đến cuối tháng 12/2015 đạt 175.047 tỷ đồng, tăng 17,85% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 3,9% so với tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Trong đó, tại 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao dư nợ đạt 67.959 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,8% trên tổng dư nợ tín dụng khu vực Tây Bắc. Riêng đối với hoạt động tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội, ước tính đến cuối 2015, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Bắc đạt 30.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 21% tổng dư nợ toàn quốc.
Giai đoạn 2009-2015, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập trung nguồn vốn tín dụng ưu tiên đầu tư cho những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, góp phần quan trọng thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo. Từng bước tạo sự chuyển biến về đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc khu vực Tây Bắc, đã giúp trên 2,6 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, góp phần giúp trên 360.000 hộ thoát nghèo, trên 122.000 lao động có việc làm, xây dựng trên 663.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 152.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh An Đăng - TTXVN |
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwa Kwa đánh giá Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng trong giảm nghèo. Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ ở các chỉ số phi thu nhập trong giảm nghèo như tăng cường tỷ lệ bao phủ y tế, dinh dưỡng, giáo dục… và đang đi đúng hướng nhưng những tiến bộ chưa đạt yêu cầu, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa trong giảm nghèo.
Tỷ lệ nghèo còn cao và chưa bền vững
Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhiều địa phương giảm nghèo chưa bền vững. Tây Bắc vẫn còn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. 6 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu là lõi nghèo của Việt Nam. Tỷ lệ hộ nghèo đều cao từ 20%-30%. Nếu xét theo tiêu chí mới về chuẩn nghèo đa chiều theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 bao gồm nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh thông tin thì tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn nhiều.
Theo bà Vitoria Kwa Kwa, tỷ lệ nghèo ở vùng Tây Bắc đã giảm từ 34,41% năm vào thời điểm cuối năm 2010 còn 18,3% vào năm 2014 nhưng khoảng cách giữa các tỉnh chưa được thu hẹp và nghèo đói còn tập trung ở khu vực này.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Huỳnh Văn Tí cũng nhận định kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, tốc độ giảm nghèo giữa các vùng, miền không đồng đều, thiếu tính bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ ở các huyện nghèo còn lúng túng, chậm tiến hành giao đất, giao rừng cho nhân dân, việc triển các chính sách hỗ trợ hộ nghèo gặp khó khăn. Chính sách hỗ trợ đất sản xuất đã được triển khai từ giai đoạn 2006-2010 nhưng kết quả thực hiện được rất hạn chế, do quỹ đất không còn. Nhiều tỉnh gặp khó khăn trong việc tạo quỹ đất. Một số địa phương còn thụ động trong thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Công tác lồng ghép nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả cao.
Tìm giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững
Nhiều giải pháp giúp giảm nghèo nhanh tại 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc đã được các đại biểu đưa ra. Trong đó, cần chuyển một số chính sách cho không, cấp không sang chính sách cho vay ưu đãi theo nguyên tắc hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn để gắn trách nhiệm và tính tự giác của hộ nghèo; để người dân có ý thức bảo toàn vốn, tránh tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Đồng thời, ban hành chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ có khả năng tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn các huyện nghèo, để giúp các huyện nghèo giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.
Từ thực tế công tác giảm nghèo tại địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái kiến nghị muốn giảm nghèo nhanh, bền vững và phát huy được sức sản xuất của bà con, mỗi tỉnh cần có một người phụ trách riêng về lĩnh vực này, rà soát kỹ chính sách của Trung ương và xây dựng chính sách hỗ trợ đồng bộ của tỉnh, chính sách cho từng huyện, đặc biệt là từng xã với nhóm sản phẩm của mình để tạo được cú hích, giúp bà con sản xuất có liên kết với thị trường.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần nhìn nhận vào những tồn tại, đó là nhận thức, giải pháp điều kiện xóa đói giảm nghèo trong một số lĩnh vực, ngành, địa phương còn hạn chế, vẫn theo cách làm truyền thống, chưa có biện pháp khoa học, chưa đưa tiến bộ khoa học, kinh nghiệm quốc tế vào để tiến hành công cuộc xóa đói giảm nghèo. Phải chống được bệnh hình thức, thành tích trong xóa đói giảm nghèo.
Phó Thủ tướng nêu rõ phải đẩy mạnh hơn nữa phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc một cách bền vững trên cơ sở phát triển khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng như một cách toàn diện như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ và kinh tế biên mậu; ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đào tạo lao động, nhất là đào tạo nghề, xuất khẩu lao động. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của cả vùng và mỗi địa phương, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế đầu tư vào Tây Bắc. Thực hiện liên kết sản xuất, liên kết ngang, liên kết dọc, liên kết giữa 4 nhà tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn trong vùng.
Nhấn mạnh cần coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là đối với các địa phương trong vùng Tây Bắc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ để người dân chủ động vươn lên thoát nghèo, xây dựng chương trình phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
Phó Thủ tướng chỉ rõ 6 tỉnh cần có giải pháp cụ thể hơn trong huy động thêm nguồn lực, lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để có nguồn lực lớn hơn, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến giảm nghèo bền vững, xây dựng đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, trong đó lưu ý tập trung hơn nguồn lực cho vùng Tây Bắc. Cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương cần giải quyết rốt ráo những tồn tại về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao, bố trí nguồn lực và hỗ trợ hộ nghèo những điều kiện cần thiết trong sản xuất như: giống, vốn, kỹ thuật canh tác và tiêu thụ sản phẩm... Củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát huy vai trò người có uy tín, cán bộ đảng viên, người làm ăn giỏi trong cộng đồng, làng bản tạo nên phong trào tương thân, tương ái giúp đõ hộ nghèo.
Theo chuẩn nghèo mới, mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững không thay đổi nhưng giải pháp thực hiện phải đồng bộ, toàn diện, hiệu quả để người nghèo vừa được nâng cao thu nhập, vừa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ xã hội cơ bản và quan trọng là phải đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tận gốc dễ căn nguyên đói nghèo, đảm bảo mục tiêu thoát nghèo bền vững, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, ngành Ngân hàng đã trao tặng 6 tỉnh, mỗi tỉnh 5 tỷ đồng để xây nhà cho đồng bào nghèo, tương đương với 100 ngôi nhà/tỉnh. Công ty cổ phần phân bón, dầu khí Cà Mau cũng đã trao tặng cho các tỉnh 5 tỷ đồng để xây dựng nhà đại đoàn kết.