Tại hội nghị, đại diện các tỉnh Bắc Trung Bộ đã thảo luận, bàn các giải pháp chống hạn hán và chống lũ; đánh giá, phân tích sự thay đổi, khắc nghiệt của thời tiết để có các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu liên hồ chứa, thích ứng tái cơ cấu nông nghiệp.
Theo báo cáo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, từ đầu năm 2020 đến nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ chịu ảnh hưởng của 7 đợt nắng nóng; trong đó riêng tháng 5/2020, chịu ảnh hưởng của 5 đợt nắng nóng diện rộng. Do thiếu nguồn nước toàn vùng, hiện có khoảng 8.200 ha đang phải điều chỉnh giãn, dừng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng (Thanh Hóa 3.200 ha, Nghệ An 5.000 ha). Ngoài ra, diện tích đang bị hạn hán, thiếu nước trong khu vực là 23.870 ha.
Bên cạnh đó, xâm nhập mặn trong mùa khô ngày càng có xu hướng xuất hiện sớm và ăn sâu vào nội đồng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh ở hạ du các các sông; ảnh hưởng trực tiếp khoảng 12.700 ha cây trồng tập trung chủ yếu vùng đồng bằng sông Mã, sông Cả.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh Nghệ An là địa phương chịu ảnh hưởng rất lớn từ hạn hán. Trong tổng số 90.000 ha lúa Hè Thu, hiện diện tích thiếu nước khoảng 10% (5% bị hạn nặng có khả năng lúa chết, tương đương khoảng 4.500 ha). Hiện toàn tỉnh có 1.061 hồ chứa; trong đó, doanh nghiệp quản lý 97 hồ và địa phương quản lý 964 hồ. Song, hiện 97% hồ chứa do doanh nghiệp quản lý thiếu hụt nước so với dung tích thiết kế; các hồ chứa nhỏ do xã, hợp tác xã quản lý chỉ đạt 20 - 30% dung tích thiết kế.
Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, để chống hạn, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo bằng nhiều giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài để ứng phó với hạn hán. Ngay từ đầu vụ, tỉnh Nghệ An đã chuyển đổi được hơn 2.000 ha đất lúa vùng cao, khó khăn về nước sang trồng màu, những cây trồng khác tiết kiệm nước.
Hiện nay, Nghệ An chỉ đạo hồ Thủy điện Bản Vẽ ở thượng nguồn sông Lam xả nước để tạo nguồn. Bên cạnh đó, đối với nước thuộc hệ thống Thủy lợi Nam được chỉ đạo tổ chức tưới luân phiên cho các địa phương; chỉ đạo các ngành, địa phương tranh thủ nạo vét luồng lạch; đặc biệt nạo vét, khơi thông dòng chảy, sử dụng trạm bơm dã chiến tận dụng các nguồn nước khác để tập trung cứu lúa.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, trước tình hình hán hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ đã chủ động rà soát diện tích có nguy cơ thiếu nước để chuyển đổi sang cây trồng cạn như rau, màu, dược liệu, cây ăn quả… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đến nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi trong vụ Hè Thu, vụ Mùa khoảng 5.319 ha; trong đó, Thanh Hóa chuyển đổi gần 3.000 ha lúa sang trồng ngô, rau màu các loại… có hiệu quả kinh tế cao hơn. Tỉnh Nghệ An vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2020 đã có kế hoạch chuyển đổi khoảng 1.740 ha, chủ yếu chuyển đổi sang trồng ngô, mía, hành tăm, cỏ chăn nuôi, rau các loại.
Tỉnh Quảng Trị, đã chuyển đổi được gần 200 ha từ đất lúa sang trồng cây trồng cạn, đặc biệt tại huyện Gio Linh đã tập trung chuyển đổi trên 45 ha đất lúa thiếu nước sang trồng dưa hấu đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Như Cường, thời gian tới các tỉnh Bắc Trung Bộ cần tập trung rà soát đánh giá xác định các vùng sản xuất lúa an toàn, vùng chuyển đổi, vùng chuyển đổi linh hoạt và vùng đặc thù tại địa phương để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả và bền vững.
Tuy nhiên, cần khắc phục việc một số địa phương người dân chưa nhận thức đầy đủ về chuyển đổi cây trồng trên đất lúa nên chưa mạnh dạn chuyển đổi, người dân ngại thay đổi, có thói quen sản xuất lúa để đảm bảo nhu cầu hàng ngày; đầu ra cho sản phẩm cây màu chuyển đổi còn bấp bênh, nên nông dân chưa yên tâm chuyển đổi cây trồng.
Việc đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, vùng sản xuất chuyển đổi chưa đồng bộ; cơ sở hạ tầng, thủy lợi cơ bản là phục vụ sản xuất lúa, chưa đáp ứng được đối với cây trồng chuyển đổi; chưa được hình thành vùng chuyên canh; chưa xác định được cây trồng chủ lực, cây trồng cần chuyển đổi.
Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy Lợi cho biết, các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ cần tăng cường năng lực giám sát, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn, đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan.
Song song đó, các tỉnh ảnh hưởng nặng từ hạn hán cần đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ chống hạn gồm nâng cấp, sửa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp; xây dựng mới các công trình cho vùng khó khăn về nguồn nước, các vùng có nhu cầu, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, thời gian qua, khí hậu biến đổi dị thường, hậu quả của biến đổi khí hậu xảy ra còn nhanh hơn cả kịch bản mới nhất mà quốc tế và Việt Nam dự báo. Các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đang gặp hạn nặng nhất cả nước; trong đó Nghệ An là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất. Đây cũng là vùng rất đặc thù thiên tai, vừa chống hạn lập tức bây giờ, vừa triển khai khẩn trương tinh thần ứng phó với mưa lũ lụt tới đây.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại khu vực Bắc Trung Bộ đang hoàn thiện một loạt các công trình để tăng cường năng lực cung cấp nước cho sản xuất. Bên cạnh đó, ngay từ đầu vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động định hướng cho các tỉnh Bắc Trung Bộ hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các tỉnh đã triển khai, chỉ đạo thực hiện một cách tích cực, kịp thời, đạt được hiệu quả nhất định.
Để chống hạn hán, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cần rà soát liên hồ chứa để cung cấp nước từ hồ này sang hồ khác ở những nơi có thể; chỉ đạo tập trung một số khu vực có thể huy động trạm bơm dã chiến để cung cấp nguồn nước, cố gắng giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ hiện có khoảng 46.600 hộ dân hiện rất khó khăn về nước. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương tập trung các giải pháp để không một hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt như thiết lập các công trình dã chiến, thậm chí cung cấp nước trực tiếp đến người dân. Tuy nhiên, về lâu dài phải rà soát lại cân đối nguồn nước cho từng tỉnh và liên vùng để đảm bảo an ninh nguồn nước; rà soát lại tái cơ cấu nông nghiệp, tính toán đến nhu cầu sử dụng nước để có giải pháp tổng thể.
Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch liên hồ chứa, mục đích là để sử dụng các hệ thống công trình thủy lợi một cách có lợi nhất, chủ động nhất; tổ chức đánh giá lại lưu lượng của các dòng sông lớn, để phân kỳ các thiết chế xây dựng trên các dòng sông.
Các tỉnh Bắc Trung Bộ phải rà soát tổng thể để có một quy hoạch tổng quan, căn cơ, bài bản hơn trước tác động biến đổi khí hậu xảy ra rất khắc nghiệt; đồng thời tính đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế để từ đó có bài toán cân đối nguồn nước cho phù hợp.
"Riêng lĩnh vực nông nghiệp cố gắng lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi thích ứng được với những điều kiện tiêu dùng nước ít nhất, cùng với đó là áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ để sử dụng nước hợp lý nhất", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Về kiến nghị của các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giao Tổng cục Thủy lợi cần tập trung để hỗ trợ kinh phí sửa chữa 1.200 hồ còn lại; nghiên cứu đánh giá các sông lớn của vùng Bắc Trung bộ để đề ra các giải pháp chiến lược; đánh giá hoàn thiện chặt chẽ quy trình liên hồ chứa nhất là các thủy điện.
Dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ xuất hiện khoảng 9 - 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; không khí lạnh có khả năng ảnh hưởng sớm, nền nhiệt trung bình mùa Đông năm 2020 - 2021 thấp hơn so với mùa Đông năm 2019 - 2020; tình hình lũ ở khu vực Bắc Trung Bộ diễn ra phức tạp, đỉnh lũ trên các sông trong khu vực có khả năng ở mức cao hơn năm 2019.
Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai cho biết, để ứng phó với thiên tai trong 6 tháng cuối năm, các địa phương vùng Bắc Trung Bộ khẩn trưởng chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng ứng phó với mưa, bão đảm bảo an toàn tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản trên biển, khu công nghiệp; rà soát, cập nhật phương án sơ tán, di dời, đảm bảo an toàn dân cư tại các khu vực nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của thiên tai; rà soát kịch bản, phương án ứng phó đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra an toàn các công trình công cộng, nơi ở của người dân nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão, lũ, ngập lụt ở khu vực đồng bằng, ven biển.
Cùng với đó là triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra canh gác tại các khu vực nguy hiểm, dễ bị ngập lụt, chia cắt nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.