Tháng tám về cũng là lúc mùa mưa đang bước vào giai đoạn cao điểm ở đất nước Nam Sudan, nơi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 của Việt Nam đang thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ UNMISS. Những cơn mưa kéo dài đã gây ngập lụt trên diện rộng, đẩy hàng ngàn người dân nơi đây vào cảnh màn trời chiếu đất với sự bùng phát của những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Thấu hiểu những khó khăn của người dân nơi đây, phát huy truyền thống nhân đạo, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, với tinh thần “lương y như từ mẫu”, Đoàn thiện nguyện của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 do Thiếu tá Lê Việt Anh, Phó Giám đốc chuyên môn làm Trưởng đoàn đã trao tặng cho Bệnh viện đa khoa Bentiu nhiều loại thuốc thiết yếu, các loại hóa chất vệ sinh làm sạch môi trường cùng một số trang bị phòng dịch cơ bản. Đồng thời, Đoàn thiện nguyện cũng tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 200 người dân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lũ lụt, trong đó tập trung vào đối tượng phụ nữ và người cao tuổi.
Hành trình nhân ái kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ đã để lại cho các y bác sĩ của Việt Nam nhiều cung bậc cảm xúc, trên hết đó là niềm hạnh phúc khi được cho đi và sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, lan tỏa thông điệp về một đất nước Việt Nam giàu lòng nhân ái, yêu chuộng hòa bình.
Trong lời tri ân của mình, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bentiu đã không khỏi xúc động, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những tình cảm chân thành, ấm áp của các chiến sỹ mũ nồi xanh Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung dành tặng cho người dân Nam Nam Sudan.
*Cùng với việc tổ chức các hoạt động thiện nguyện và quân dân y kết hợp, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 của Việt Nam luôn làm tốt nhiệm vụ chuyên môn. Mới đây, Bệnh viện đã điều trị thành công cho bệnh nhân Mông Cổ bị viêm tụy cấp. Trước đó, bệnh nhân đã được điều trị tích cực tại bệnh viện cấp 1 của tiểu đoàn bộ binh Mông Cổ nhưng các triệu chứng không thuyên giảm. Bệnh nhân vào Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 của Việt Nam với các triệu chứng ban đầu là đau bụng vùng thượng vị lan ra sau lưng, buồn nôn và nôn nhiều lần.
Tại bệnh viện của Việt Nam, qua thăm khám các bác sỹ phát hiện bệnh nhân các triệu chứng sau: bụng trướng, ấn có điểm đau tại vùng thượng vị, điểm Mayo-robson đau, xét nghiệm thấy men Amylase tăng dần theo thời gian (từ 657 u/l lên 7187 u/l), siêu âm có dịch ổ bụng. Nhận thấy đây là một ca bệnh phức tạp, tiên lượng nặng, tiến triển nhanh, các bác sỹ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 đã tiến hành hội chẩn với sự chủ trì của Thiếu tá Lê Việt Anh, Phó giám đốc chuyên môn của Bệnh viện, cùng sự tham gia của các bác sỹ chuyên khoa giàu kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, với những kinh nghiệm điều trị cho nhiều bệnh nhân nặng tại đơn vị cấp cứu, Trung tá Vũ Minh Dương, Giám đốc Bệnh viện đã có những chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp trong công tác chẩn đoán cũng như xây dựng kế hoạch chăm sóc, điều trị. Kết luận buổi hội chẩn, các bác sỹ thống nhất với chẩn đoán viêm tụy cấp, đồng thời đưa ra hướng xử trí cụ thể theo đúng phác đồ cho bệnh nhân. Trong điều kiện dã chiến, với hệ thống trang thiết bị phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị vô cùng khó khăn thiếu thốn, ca bệnh này là một thách thức lớn đối với các y bác sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4, đòi hỏi không chỉ những kiến thức chuyên sâu mà còn cả kinh nghiệm lâm sàng thực tế.
Trong suốt 10 ngày điều trị tại Bệnh viện, bệnh nhân luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao của Ban Giám đốc và các y bác sỹ. Những diễn biến dù là nhỏ nhất cũng được ghi chép tỉ mỉ, phân tích kỹ lưỡng để kịp thời điều chỉnh liều lượng thuốc cũng như đưa ra giải pháp tối ưu nhất cho bệnh nhân. Với những nỗ lực đó, tình trạng của bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt qua từng ngày.
Sau hơn một tuần điều trị, bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định, ra viện với tâm thế phấn khởi và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các y bác sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 của Việt Nam.