Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, từ 2011-2015 chúng ta đã đầu tư công trên 1,2 triệu tỷ đồng và cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải , đầu tư thiếu hiệu quả vẫn xảy ra. Do đó tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt như kế hoạch, chỉ đạt 5,91% (kế hoạch là 6,5-6,7%). Bội chi ngân sách liên tục vượt dự toán, ở mức 5,76% (dự toán bội chi là 4,5%GDP). Điều này dẫn đến nợ ngày càng tăng từ 50% GDP lên 64,98%.
Bây giờ chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, làm sao để đổi mới mô hình tăng trưởng, làm sao để tăng năng suất lao động... tức là tăng trưởng một cách bền vững thì chúng ta phải có một nguồn lực. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước nguồn vốn từ đầu tư công khoảng 2 triệu tỷ đồng. Trong 2 triệu tỷ đồng đó thì 880 ngàn tỷ đồng là ngân sách địa phương 63 tỉnh thành do HĐND các tỉnh thành quyết định, còn ngân sách trung ương là 1,120 triệu tỷ đồng. Vấn đề là phân bổ nguồn vốn 1,120 triệu tỷ đồng thế nào theo mục tiêu gì, tiêu chí gì vì các đại biểu tại các địa phương cũng cho thấy nhu cầu của các địa phương rất cần thiết.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân trả lời báo chí ngày 1/11. |
“Chúng ta cần thống nhất với nhau về mặt quan điểm, mục tiêu, tiêu chí. Mục tiêu của đầu tư công phải hướng đến phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hướng đến an toàn nợ công. Điều quan trọng nữa là phải đảm bảo sự hài hòa với các kế hoạch khác như kế hoạch tài chính, kế hoạch huy động vốn, và phải đáp ứng được mục tiêu của quá trình tái cơ cấu kinh tế”, đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định .
Vì vậy, đầu tư từ ngân sách quốc gia thì phải ưu tiên cho dự án trọng điểm quốc gia. Do đó, thứ nhất ưu tiên các dự án liên quan đến an ninh quốc phòng , bảo vệ chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự. Ưu tiên thứ hai, là phải đảm bảo được an sinh xã hội, không được đề người dân đói, nghèo, tức là phải góp phần xóa đói giảm nghèo. Thứ ba là phải ưu tiên đầu tư về các vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
“Dĩ nhiên chúng ta thấy nhu cầu là rất lớn, ai cũng nói là cần thiết thì nên chỉ ưu tiên cho các dự án cấp bách và đạt được những quan điểm ở trên. Có như vậy mới đảm bảo an toàn nợ công”, đại biểu Ngân nói.
Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong 5 năm qua, mỗi năm Chính phủ phải huy động trên 300 ngàn tỷ đồng, trong đó trái phiếu huy động khoảng 180 ngàn tỷ đồng. Để thực hiện kế hoạch nợ công giai đoạn 2016-2020, thì bình quân mỗi năm phải huy động 400 ngàn tỷ đồng , trong đó, phát hành trái phiếu trên 280 ngàn tỷ đồng mỗi năm và huy động vốn ODA một năm khoảng 120 ngàn tỷ đồng. Tất cả những cái này sẽ đè nặng lên thị trường vốn, đè nặng lên các doanh nghiệp đang cần vốn với lãi suất thấp. Mà nhu cầu vốn tăng như vậy thì lãi suất rất khó giảm.
“Như vậy chúng ta phải kiên quyết thực hiện một kỷ luật thép trong vấn đề ngân sách hiện nay. Phải triển khai cho được tinh thần của Luật đầu tư công, mà trong đó đã quy định rất rõ trách nhiệm, quyền hạn, xử lý kể cả xử lý hình sự nếu có chủ trương, quyết định đầu tư sai. Luật cũng quy định, trong triển khai kế hoạch đầu tư công 5 năm thì cuối mỗi năm sẽ có báo cáo Quốc hội. Trong trường hợp kế hoạch k đáp ứng được điều kiện, chẳng hạn không hỗ trợ được tăng trưởng, tình hình ngân sách căng thẳng thì Quốc hội sẽ xem xét và được quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.