78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh 2/9:

ATK Hiệp Hòa đổi thay từng ngày  

An toàn khu 2 (ATK 2), huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang bao gồm 16 xã, từng là nơi hoạt động bí mật của các đồng chí lãnh đạo Trung ương thời kỳ tiền khởi nghĩa (1940 - 1945). Phát huy truyền thống cách mạng nhân dân các xã ATK 2 Hiệp Hòa tiếp tục đạt nhiều thành tích trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Vùng quê An toàn khu II huyện Hiệp Hòa. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

110% xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới

16 xã ATK 2 huyện Hiệp Hòa, bao gồm Mai Đình, Hương Lâm, Hoàng Vân, Hợp Thịnh, Hoàng Lương, Hoàng An, Quang Minh, Mai Trung, Xuân Cẩm, Đại Thành, Hòa Sơn, Hoàng Thanh, Thái Sơn, Đồng Tân, Hùng Sơn và Thanh Vân.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ATK II huyện Hiệp Hòa là địa bàn quan trọng để Trung ương, Xứ ủy và Ủy ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự. Đây cũng là nơi nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho cán bộ cấp cao của Đảng thời kỳ đó. Từ năm 1938 đến 1945, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Ngô Thế Sơn, Trương Công Lệnh, Lê Hoàng, Hà Thị Quế, Nguyễn Trọng Tỉnh, Nguyễn Thị Thuận, Lê Thanh Nghị…về đây tuyên truyền, gây dựng phong trào cách mạng, được nhân dân che chở, bảo vệ an toàn. Nhân dân các xã trong khu vực đã đoàn kết, anh dũng đứng lên đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, góp phần làm nên Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước nhanh chóng giành thắng lợi.

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. 16 xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó xã Hòa Sơn đạt xã nông thôn mới nâng cao, xã Xuân Cẩm và Hoàng Vân dự kiến cuối năm sẽ về đích xã nông thôn mới nâng cao.

Tháng Tám lịch sử này về với Xuân Cẩm, những ngôi nhà cao tầng khang trang, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa mở rộng từ 3m trở lên, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được hình thành. Bí thư Đảng ủy xã Xuân Cẩm Ngô Hữu Thủy cho biết, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chủ yếu của Xuân Cẩm với nhiều khởi sắc và chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Xã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó đã vận động nhân dân cho Công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC thuê 15 ha đất ruộng ở thôn Cẩm Trung với thời gian 15 năm để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và sẽ mở rộng quy mô lên 40 ha vào năm 2024. Dự án dự kiến tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động, thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng. Bên cạnh phát triển nông nghiệp, Xuân Cẩm cũng thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác, trong đó có quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Hương Lâm - Xuân Cẩm.

Điểm sáng ở Xuân Cẩm trong phát triển kinh tế - xã hội là vận động nhân dân hiến đất làm đường. Để xây dựng 1,8km tuyến đê tả Cầu, đoạn qua địa bàn thôn Cẩm Hoàng, 175 hộ dân thôn Cẩm Hoàng sống dọc hai bên đê đã tự nguyện tháo dỡ các công trình như cổng, tường rào, công trình phụ, nhà ở...với tổng diện tích hơn 5 nghìn m2 để mở rộng mặt đê từ 5m lên 12m.

Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Hoàng Công Bộ khẳng định, chính quyền các cấp huyện Hiệp Hòa luôn quan tâm đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các xã ATK 2. Đến nay, hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản kết nối đồng bộ các xã ATK 2 với các địa phương trong và ngoài huyện. Hệ thống giao thông liên xã, liên thôn được mở rộng và chỉnh trang. Một loạt tuyến đường giao thông được đầu tư như Dự án đường và cầu kết nối với Thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đoạn từ Quốc lộ 37 đến cầu Hòa Sơn, đi qua thị trấn Thắng và các xã: Lương Phong, Danh Thắng, Hùng Sơn, Thái Sơn, Hòa Sơn có chiều dài toàn tuyến (cả cầu) 10,5 km; Dự án đường và cầu nối huyện Sóc Sơn, Hà Nội với huyện Hiệp Hòa qua xã Xuân Cẩm…Nhiều trường lớp học được xây mới hoàn toàn với quy mô trên 2 ha như Trường Tiểu học Hòa Sơn, Trường Trung học Cơ sở Xuân Cẩm, Trường Mầm non Thanh Vân…Các xã ATK 2 đã quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị dịch vụ để thúc đẩy công nghiệp phát triển như Cụm công nghiệp Thanh Vân, Cụm công nghiệp Hà Thịnh, Hợp Thịnh, Khu công nghiệp Hương Lâm - Xuân Cẩm. Nhiều vùng sản xuất nguyên liệu tập trung ứng dụng công nghệ cao bước đầu hình thành như rau cần Hường Lương, trám đen Hoàng Vân…

 Bảo tồn các di tích ATK 2 gắn với phát triển du lịch

Chú thích ảnh
Di tích Quốc gia đặc biệt Đình làng Xuân Biều, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Việc bảo tồn, tôn tạo di tích cách mạng trên địa bàn các xã ATK 2 luôn được các cấp chính quyền và nhân dân quan tâm. Hơn 2 năm qua, huyện Hiệp Hòa đã đầu tư 65 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục đầu tư, tôn tạo các Di tích Quốc gia đặc biệt ATK 2. Các dự án đã hoàn thành gồm xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng Khu di tích lịch sử văn hóa đền, chùa Y Sơn (xã Hòa Sơn); nâng cấp, tu bổ nhiều hạng mục ở đình Xuân Biều và mở rộng đường vào đình; cải tạo Nhà trưng bày truyền thống ATK II, nhà đón tiếp, khuôn viên đình Chợ Vân…

Ông Ngô Công Chính, Bí thư Chi bộ thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa chia sẻ, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Di tích Quốc gia đặc biệt đình Xuân Biều đã được tu bổ tôn tạo nên người dân trong thôn rất vui mừng, phấn khởi, bởi nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thông cách mạng, là niềm tự hào của người dân Xuân Biều nói riêng và Xuân Cẩm nói chung.

Phát huy giá trị các di tích ATK 2, Hiệp Hòa đã gắn với việc phát triển các tour, tuyến du lịch. Vừa qua, huyện đã ban hành Đề án phát triển các tour du lịch trên địa bàn giai đoạn 2023 – 2030. Trong đó, huyện xây dựng các tuyến du lịch nội địa gắn với các điểm di tích Quốc gia đặc biệt ATK 2 như: đình Chợ Vân - Nhà truyền thống ATK 2; đình Vân Xuyên - đền Soi - địa điểm Nhà cụ Ngô Văn Thấu; quần thể di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng Y Sơn, xã Hòa Sơn; Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia lăng Bầu - đình Xuân Biều - di tích lưu niệm cấp Quốc gia Bác Hồ - vườn trám đen cổ thụ tại thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân…Cùng với đó là các tour du lịch liên kết nội - ngoại huyện như tour đền Y Sơn, Hiệp Hòa - đền Cầu Muối, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên; tour một số Di tích quốc gia đặc biệt ATK 2 Hiệp Hòa - Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân tại huyện Tân Yên - Khu di tích lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám, huyện Yên Thế - đền Xương Giang, thành phố Bắc Giang; tour đình Xuân Biều xã Xuân Cẩm - đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh…

Chú thích ảnh
Di tích Quốc gia đặc biệt Đình làng Xuân Biều, xã Xuân Cẩm trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các xã ATK 2 thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Hoàng Công Bộ cho biết, huyện tập trung vào xây dựng nông thôn mới nâng cao ở các xã vùng ATK 2; đồng thời tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đặc biệt là hình thành nên các vùng, các dự án ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, Hiệp Hòa tiếp tục quy hoạch các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch chung; thu hút các khu dịch vụ, thương mại để tạo sự chuyển biến trong đời sống người dân các xã ATK 2; dành kinh phí trùng tu tôn tạo các di tích ATK 2 gắn với việc phát triển du lịch.

Đồng Thúy (TTXVN)
Đổi thay trên quê hương cách mạng ATK Định Hóa
Đổi thay trên quê hương cách mạng ATK Định Hóa

Định Hóa là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 50 km về phía Tây Bắc, có trên 91.000 người với 17 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 73,6%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN