Nhấn mạnh vai trò của Trụ cột Văn hóa – Xã hội, Bộ trưởng cho biết, đây chính là nền tảng để tạo sự gắn kết một cách tự nhiên nhất, hướng tới mục tiêu bao trùm nhất, đó là người dân ASEAN được hưởng thụ gì trong năm ASEAN 2020; đồng thời phát huy được bản sắc văn hóa của các nước ASEAN và các nước ASEAN tham gia vào năm Việt Nam làm Chủ tịch với tinh thần tự nguyện nhất.
Trụ cột Văn hóa - Xã hội dự kiến có 4 ưu tiên, trong đó, ưu tiên liên kết, kết nối khu vực; thích ứng, tận dụng cơ hội xây dựng Tuyên bố về phát triển nguồn nhân lực trong thế giới công việc đang thay đổi; thúc đẩy ý thức Cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN.
Các hoạt động Năm ASEAN 2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gồm 33 hoạt động, được rải đều trong cả năm và cân đối trên cơ sở hoạt động chung của Ủy ban quốc gia ASEAN 2020; trong đó có 10 hoạt động của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC), 15 hoạt động trong lĩnh vực lao động, 5 hoạt động trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, 2 hoạt động trong lĩnh vực phụ nữ và một hoạt động của Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC).
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong 33 sự kiện, có 2 sự kiện quan trọng là Hội nghị Điều phối Cộng đồng ASCC vào tháng 4/2020 tại Đà Nẵng và Hội nghị Hội đồng Cộng đồng ASCC lần thứ 24 vào tháng 10/2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đích cao nhất là tiến tới đề xuất hai tuyên bố cấp cao về phát triển nguồn nhân lực và công tác xã hội trong ASEAN – vấn đề các quốc gia đều quan tâm. Đến nay, công tác chuẩn bị về mặt nội dung là khá tốt. Các nước đánh giá cao tâm thế chuẩn bị của Việt Nam.
Báo cáo của Tiểu ban Thư ký – Nội dung, Lễ tân – Hậu cần, Tuyên truyền – An ninh – Y tế cho thấy , các tiểu ban đã xây dựng đề án, kế hoạch, chuẩn bị các nội dung liên quan, sẵn sàng cho các cuộc họp bắt đầu diễn ra từ giữa tháng 1/2020. Một số ý kiến đề xuất cần có sự chia sẻ thông tin, phối hợp kịp thời giữa các bên và tăng cường nguồn nhân lực, bổ sung thêm một số nội dung hoạt động liên quan đến phụ nữ, trẻ em và người yếu thế...
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ban Thư ký ASEAN quốc gia 2020, Trưởng SOM Việt Nam ghi nhận cuộc họp được tổ chức kịp thời, thể hiện trách nhiệm cao của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trước vấn đề quan trọng của đất nước, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia ASEAN 2020 ngay sau Lễ khởi động năm Chủ tịch ASEAN 2020. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, ASEAN khi thành lập vốn là một Hiệp hội – một tổ chức liên Chính phủ, gồm nhiều thực thể khác nhau, nhằm phối hợp chính sách với nhau. Từ năm 2015 đến nay, ASEAN bước vào năm thứ 5 trong việc xây dựng cộng đồng, hướng tới một chính sách chung, cùng nhau thực hiện. Từ chỗ các nước ngồi lại với nhau để theo đuổi lợi ích riêng của mình, lợi ích quốc gia, đến nay, ASEAN hướng đến xây dựng những lợi ích chung, rộng khắp tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, gắn kết với nhau.
Để trở thành cộng đồng vững mạnh và thực chất, ASEAN phải có khả năng thích ứng một cách hiệu quả với các thách thức. Do đó, Việt Nam chọn chủ đề của Năm ASEAN 2020 là “gắn kết và chủ động thích ứng”. Từ chủ đề này, Việt Nam đã xác định các chủ đề ưu tiên gồm hòa bình, an ninh và ổn định; liên kết, kết nối khu vực, thích ứng, tận dụng cơ hội; ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình, phát triển; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động.
Đề cập đến vai trò của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, mục tiêu là xây dựng cộng đồng hòa bình - ổn định, thịnh vượng và bền vững, trụ cột Văn hóa – Xã hội dù là trụ cột thứ 3 nhưng mang tính quyết định đến thành bại của việc xây dựng cộng đồng, đóng vai trò nòng cốt trong Năm ASEAN 2020, do vậy vai trò điều phối của Bộ rất quan trọng. Đến nay, Bộ đã làm được nhiều việc, đi đúng hướng, thể hiện hiểu biết sâu sắc về ASAEN và biết cách tận dụng hiệu quả các nguồn lực.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các tiểu ban, thành viên Ban Tổ chức bám chặt vào khung hoạt động chung đã được phê duyệt, đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung những nội dung cần thiết. Một mặt tập trung vào hoạt động chung của cộng đồng, mặt khác, phát huy vai trò của từng bộ, ngành. Các tiểu ban xây dựng kế hoạch chi tiết từng hoạt động, địa điểm, quy mô, mục đích đạt được. Kinh phí duyệt ở mức tối thiểu nhất nhưng hoạt động phải ở mức tối đa nhất, phải vận động, thuyết phục, lôi kéo các nhà đầu tư, nhà tài trợ. Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề an ninh, an toàn là rất quan trọng bởi các hoạt động thu hút rất nhiều người tham gia.