APEC tạo xung lực cho phục hồi hậu COVID-19

Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 28 là hoạt động quan trọng nhất trong Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 28 diễn ra từ ngày 8-12/11 bằng hình thức trực tuyến. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự sự kiện này.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại hội nghị không chính thức tháng 7/2021. Ảnh: APEC 2021

Chủ đề của Hội nghị cấp cao APEC năm nay là “Phối hợp trong APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu COVID-19; Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu COVID-19 và làm thế nào để đảm bảo các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”.  Tại hội nghị, lãnh đạo các nền kinh tế APEC dự kiến sẽ thảo luận về hai nội dung chính là triển vọng kinh tế toàn cầu và hợp tác phục hồi sau đại dịch và thông qua Tuyên bố của Hội nghị và Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC trong hai thập niên tới. Đây được đánh giá là một dấu ấn của Năm APEC 2021 mà New Zealand đảm nhiệm cương vị chủ tịch. 

Tuần lễ cấp cao APEC 28 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, bất ổn gia tăng và nhiều thách thức mới do dịch COVID-19 tái bùng phát với những biến thể mới nguy hiểm hơn. Kinh tế thế giới phục hồi tích cực, song còn bấp bênh và không đồng đều. Các nước tiếp tục ưu tiên thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu COVID-19, tái cơ cấu hướng tới phát triển xanh, bền vững, bao trùm và dựa trên nền tảng số. Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực đi đầu trong phục hồi, phát triển và liên kết kinh tế.

Với vai trò chủ nhà APEC 2021, New Zealand đã xác định chủ đề “Cùng phối hợp - Cùng hành động - Cùng tăng trưởng” cho năm APEC 2021, tập trung vào ba ưu tiên: các chính sách kinh tế, thương mại thúc đẩy phục hồi kinh tế; đẩy mạnh phục hồi bao trùm và bền vững; thúc đẩy sáng tạo và số hóa. Do tình hình đại dịch diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, New Zealand quyết định tổ chức tất cả các sự kiện trong Năm APEC 2021 theo hình thức trực tuyến với quyết tâm giữ được đà và thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên, nhất là trong việc phối hợp ứng phó với các tác động kinh tế của đại dịch, thúc đẩy phục hồi và tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm trong tương lai.

Để chuẩn bị cho các hoạt động quan trọng trong Tuần lễ cấp cao, từ tháng 12/2020 cho đến nay, nước chủ nhà New Zealand đã tổ chức gần 300 cuộc họp các cấp, từ cấp quan chức, bộ trưởng đến lãnh đạo cao nhất các nền kinh tế thành viên APEC. Mặc dù được tổ chức trực tuyến, các cuộc họp đều đạt được những kết quả thực chất, trong đó các bộ trưởng Thương mại APEC đã cam kết cắt giảm chi phí cho các chương trình tiêm chủng và tăng tốc độ lưu thông vaccine qua biên giới. Các bộ trưởng Tài chính và Cải cách cơ cấu cũng đã phối hợp về các công cụ hiện có để đẩy nhanh quá trình phục hồi, và các bộ trưởng Nông nghiệp đã nhất trí về một lộ trình an ninh lương thực 10 năm. Đặc biệt, vào tháng 7/2021, nước chủ nhà New Zealand đã lần đầu tiên tổ chức cuộc họp không chính thức giữa các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC tập trung thảo luận về các giải pháp tăng cường hợp tác khu vực nhằm vượt qua khủng hoảng y tế và đẩy nhanh phục hồi kinh tế tại châu Á-Thái Bình Dương.

Đối với Việt Nam, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, chuyển sang giai đoạn hội nhập kinh tế toàn diện, sâu rộng. Vị thế của Việt Nam trong các hoạt động đa phương nói chung và APEC nói riêng gia tăng nhờ kết quả quan trọng đạt được trong phòng chống dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế và việc Việt Nam đã đảm nhiệm thành công hai trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Kể từ khi gia nhập APEC vào năm 1998, Việt Nam đã thể hiện vai trò là một thành viên tích cực và trách nhiệm với những đóng góp đầy ý nghĩa thúc đẩy hợp tác APEC. Nổi bật là việc Việt Nam đã hai lần tổ chức thành công diễn đàn vào các năm 2006 và 2017. Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nhất là về phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số … Đồng thời, Việt Nam cũng tích cực tham gia thúc đẩy xây dựng các chiến lược hợp tác dài hạn của APEC, đưa ra sáng kiến hình thành Nhóm Tầm nhìn APEC nhằm khởi xướng thảo luận về xây dựng Tầm nhìn sau năm 2020, và tham gia xây dựng kế hoạch triển khai Tầm nhìn.

Trong năm nay, Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp cùng New Zealand và các thành viên APEC thúc đẩy các ưu tiên hợp tác trong Năm APEC 2021 thông qua việc đề xuất, xây dựng và thúc đẩy các biện pháp, cam kết hợp tác của APEC trong ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế bền vững, bao trùm. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia và đóng góp tích cực trong Cuộc họp không chính thức lãnh đạo các nền kinh tế APEC tháng 7/2021.

Chú thích ảnh

Sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu của Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 28 một lần nữa thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, qua đó nâng cao vai trò và vị thế của đất nước, nhất là đảm nhiệm thành công các trọng trách đa phương nhằm thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

APEC được thành lập năm 1989 với sứ mệnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 1994, APEC thông qua các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020. Mục tiêu này đã trở thành định hướng cho hợp tác APEC trong suốt hơn 25 năm và trở thành “kim chỉ nam” cho việc xây dựng một khu vực thương mại tự do lớn và năng động nhất thế giới. Hợp tác APEC tập trung vào 3 trụ cột chính: Tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, và hợp tác kinh tế - kỹ thuật.

Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, cho đến nay APEC đã có 21 thành viên, trong đó có 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, 9 thành viên trong nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động của châu Á - Thái Bình Dương. Các nền kinh tế APEC hiện chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hơn 48% kim ngạch thương mại và gần 40% dân số thế giới, tham gia vào tổng số 170 thỏa thuận thương mại và thương mại tự do khu vực.

Vào tháng 11/2020, lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đã thông qua tầm nhìn mới, Tầm nhìn APEC đến năm 2040, hướng tới “một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai”.

Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng đối với APEC khi là năm đầu tiên triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Các thành viên tiếp tục coi trọng APEC, khẳng định tổ chức có vai trò là diễn đàn hàng đầu khu vực và là cơ chế quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương giúp thúc đẩy các nỗ lực đa phương ứng phó đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và chuẩn bị cho tăng trưởng dài hạn.

Nguyễn Minh (Phóng viên TTVXN tại châu Đại dương)
APEC hướng tới phục hồi bền vững và bao trùm
APEC hướng tới phục hồi bền vững và bao trùm

Với chủ đề “Cùng phối hợp - Cùng hành động - Cùng tăng trưởng”, tại Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2021, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ khẳng định cam kết đối phó với cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế hiện nay, thống nhất quyết tâm đưa khu vực phục hồi một cách bền vững và chắc chắn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN