ADMM+: Tạo động lực hợp tác mạnh mẽ, thực chất về quốc phòng - an ninh

Dưới sự chủ trì của Brunei - Chủ tịch ASEAN 2021, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 8 (ADMM+ lần thứ 8) đã thành công tốt đẹp.

Hội nghị ADMM+ lần thứ 8 đã thông qua Tuyên bố Bandar Seri Begawan của ADMM+ về việc thúc đẩy một ASEAN sẵn sàng cho tương lai hòa bình và thịnh vượng, trong đó, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại (các nước Cộng) đã một lần nữa khẳng định ASEAN là động lực thúc đẩy trong ADMM+, hợp tác chặt chẽ cùng các đối tác Cộng trên tinh thần nâng cao trách nhiệm tập thể, không ngừng nỗ lực để củng cố lòng tin.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM +) lần thứ 8, sáng 16/6. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Thành tố quan trọng trong trụ cột chính trị - an ninh của ASEAN

Kể từ khi được thiết lập năm 2006, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) đã nhanh chóng trở thành thành tố quan trọng trong trụ cột chính trị - an ninh của ASEAN. Trên cơ sở đó, vào năm 2010, tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã nhất trí thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) giữa các nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại (các nước Cộng) gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Hoa Kỳ.

ADMM+ là một cơ chế hợp tác đa phương chưa từng có về quốc phòng, một diễn đàn quan trọng để thúc đẩy lòng tin, tăng cường hiểu biết về chính sách quốc phòng của các quốc gia. Trải qua hành trình 11 năm, các nước thành viên đã hình thành lòng tin vững chắc về sự hữu ích đối với hòa bình của ADMM+. Đây là nền tảng cho sự hợp tác hiệu quả trên kênh quốc phòng - an ninh của khu vực ASEAN với các nước đối tác. 

Ngay từ khi ra đời, ADMM+ được xác định là cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức giữa ASEAN và các nước đối tác - đối thoại quan trọng của ASEAN, với vai trò mở rộng hợp tác quan hệ quốc phòng - quân sự với các nước này. Mục đích của ADMM+ nhằm chia sẻ đánh giá, quan điểm về các vấn đề an ninh trong khu vực, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết, minh bạch hóa chính sách quốc phòng, tăng cường lòng tin giữa các quốc gia. Hợp tác trong các lĩnh vực đi từ xây dựng cơ chế, chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, thảo luận một số lĩnh vực hợp tác... và đang ở trong giai đoạn triển khai các hoạt động hợp tác trên thực tế như tổ chức diễn tập sa bàn và thực địa.

Việc hình thành ADMM+ cho thấy, ASEAN đã bắt đầu định hình cho một cấu trúc an ninh mới vượt ra khỏi tầm của khu vực. ADMM+ lần thứ nhất đã xác định mục tiêu phấn đấu vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình ADMM+, khẳng định ADMM+ là cơ chế đối thoại và hợp tác. Việc thiết lập ADMM+ còn có ý nghĩa về mặt chiến lược trong đảm bảo ổn định ở khu vực với sự tham gia của các nước lớn có lợi ích nhất định ở khu vực. ADMM+8 đảm bảo được tính cân bằng giữa các nước lớn, qua đó ASEAN có thể phát huy vai trò trung tâm của mình.

Đánh giá Hội nghị ADMM-15 và Hội nghị ADMM+ lần thứ 8 đã thành công tốt đẹp, theo Trung tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng Việt Nam), điều quan trọng nhất mà các nước thành viên ADMM+ đạt được chính là duy trì sự đồng thuận, tinh thần hữu nghị, hợp tác vì mục đích chung giữa các nước ASEAN cũng như các nước đối tác; tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của ADMM và ADMM+ với vai trò là cơ chế tham vấn cấp chính sách và hợp tác thực chất về quốc phòng, an ninh cấp Bộ trưởng Quốc phòng - diễn đàn quan trọng để thúc đẩy lòng tin, tăng cường hiểu biết về chính sách quốc phòng; đồng thời cũng là nền tảng quan trọng cho sự hợp tác hiệu quả của các quốc gia.

Trung tướng Vũ Chiến Thắng cho rằng, năm nay, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Brunei đã rất thành công trong việc duy trì đà hợp tác quốc phòng trong ASEAN cũng như giữa ASEAN và các nước đối tác. Các nội dung của hội nghị năm nay vẫn tiếp tục xoay quanh các vấn đề an ninh chung, trong đó có vấn đề về cạnh tranh với các nước lớn cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh.

“Một nội dung nổi lên trong hội nghị lần này được các Bộ trưởng đặc biệt quan tâm và chia sẻ, đó là đại dịch COVID-19. Các Bộ trưởng đã thảo luận để đưa ra các biện pháp, tích cực triển khai các phương án phòng, chống dịch COVID-19 cũng như các giải pháp phục hồi sau dịch COVID-19 trong bối cảnh ASEAN đang triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN”, Trung tướng Vũ Chiến Thắng cho biết.

Tại ADMM+ lần thứ 8, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và 8 nước đối tác cũng đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông và tái khẳng định các tranh chấp cần được giải quyết hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Ngoài ra, vấn đề nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN được các Bộ trưởng quan tâm. Tại Cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN - Trung Quốc theo hình thức trực tuyến diễn ra chiều 15/6/2021, phía Trung Quốc thông báo ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và chỉ đạo nhóm công tác chung sớm nối lại đàm phán COC dưới hình thức phù hợp. Theo Trung tướng Vũ Chiến Thắng, đây là một tín hiệu hết sức đáng mừng và là một trong những điểm nổi bật của hội nghị năm nay.

Với vai trò là một thành viên chủ động, có trách nhiệm trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng ASEAN, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa các nước ASEAN và các nước đối tác, qua đó tiếp nối thành quả của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của mình, Việt Nam thể hiện sự ủng hộ đối với Brunei trong Năm Chủ tịch ASEAN 2021. Ngay từ cấp Nhóm làm việc cho đến cấp Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) và cấp Bộ trưởng Quốc phòng, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các cuộc trao đổi, tham vấn, đóng góp vào các nội dung thảo luận, đặc biệt là các tài liệu khái niệm. Ngoài ra, Việt Nam cũng giúp Brunei tháo gỡ những vướng mắc khi phát sinh nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình trao đổi, thống nhất nội dung giữa các nước và Brunei đánh giá rất cao những đóng góp này.

Đáng chú ý, Tuyên bố Bandar Seri Begawan được thông qua tại ADMM+ lần thứ 8 có nhiều nội dung được kế thừa từ Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ADMM+ về Tầm nhìn chiến lược an ninh của ADMM+ được thông qua tại Hội nghị lần thứ 7 vào năm 2020, trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Những kết quả đạt được trong chuỗi các hội nghị năm nay do Brunei chủ trì, các tài liệu khái niệm cũng như sự đồng thuận cao của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và các nước đối tác đã thể hiện tinh thần giống như thông điệp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Hội nghị ADMM+ lần thứ 8: “Chúng ta là những nhà lãnh đạo quốc phòng vì hòa bình”.

Hợp tác vì môi trường hòa bình, ổn định và những lợi ích chung

Là một thành viên chủ động, có trách nhiệm của ADMM+, Việt Nam đã hai lần chủ trì tổ chức thành công ADMM+ lần thứ nhất vào năm 2010 và lần thứ 7 vào năm 2020 - Năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Năm 2021 đánh dấu chặng đường 15 năm của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM). Dự ADMM+ lần thứ 8 với tư cách Trưởng đoàn Việt Nam, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, với vai trò là cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương, ADMM là động lực, hạt nhân trung tâm cho hợp tác của ADMM+.

Tại ADMM+ lần thứ 8, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã thống nhất sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị ADMM+ thường niên, điều này cho thấy ASEAN quan tâm, đánh giá cao sự hợp tác của các nước đối tác đối với ADMM+. Bộ trưởng Phan Văn Giang tin tưởng, với tinh thần hữu nghị, thực tâm thông qua đối thoại và hợp tác thực chất, cơ chế hợp tác ADMM và ADMM+ sẽ tiếp tục là động lực chính nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Trao đổi về tình hình an ninh khu vực tại ADMM+ lần thứ 8, các Bộ trưởng Quốc phòng nhận định: Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu hướng chính, song vẫn còn đó những nguy cơ hiện hữu từ các mối đe dọa an ninh cả truyền thống và phi truyền thống. Những nguy cơ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường hòa bình, ổn định, sự phát triển và thịnh vượng của khu vực nếu không được các nước thành viên cùng kiểm soát một cách hiệu quả, đặc biệt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay và trong thời gian tới. Dù các nước đã rất nỗ lực, song sự xuất hiện các làn sóng của đại dịch COVID với nhiều biến thể mới tại một số quốc gia trong khu vực thời gian vừa qua đã một lần nữa cho thấy cuộc chiến chống COVID-19 sẽ chưa thể kết thúc trong một sớm, một chiều.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, lực lượng quân đội mỗi nước ADMM+ đã đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực ứng phó dịch bệnh chung của Chính phủ mình, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trên cả bình diện song phương lẫn đa phương để hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, đối với Việt Nam, Quân đội được xác định là một trong những lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn các nước Trung Quốc, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào đã giúp Việt Nam có vaccine và chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống dịch COVID-19.

“Mối quan tâm lớn nhất của chúng ta hiện nay là làm sao vừa phải phục hồi kinh tế, vừa phải giải quyết hiệu quả các thách thức. Muốn vậy, chúng ta cần phải có lòng tin lẫn nhau, có môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác thực tâm vì lợi ích chung. Để làm được điều này, cần có sự quan tâm, chuẩn bị tốt nhất, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng đi về một hướng, đó là phục vụ người dân của chúng ta”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nói.

Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá cao chủ đề “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị, chúng ta thịnh vượng” mà Brunei đã lựa chọn cho Năm Chủ tịch ASEAN 2021. Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Brunei đã đưa ra nhiều sáng kiến rất quan trọng nhằm hiện thực hóa chủ đề năm ASEAN của mình, trong đó có “Lá chắn ASEAN”.

“Nếu triển khai được thì sức mạnh tổng hợp của ASEAN trong ứng phó với thảm họa và các tình huống khẩn cấp, trong đó có đại dịch COVID-19 sẽ được tăng cường đáng kể”, Bộ trưởng Phan Văn Giang nêu ý kiến; đồng thời khẳng định ủng hộ các sáng kiến của Brunei đưa ra trong năm 2021, tiếp tục thúc đẩy các cam kết đã đạt được trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, đặc biệt là các sáng kiến nhằm phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Đề cao tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên Biển Đông, Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định: “Nói đến an ninh biển, chúng ta không thể không nhắc tới Biển Đông vì vị trí quan trọng của nó trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta cần phải cùng nhau thúc đẩy những gì chúng ta đã thống nhất, đưa ra những giải pháp phù hợp để đảm bảo lợi ích hợp pháp của tất cả chúng ta. Vấn đề nào liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến nhiều nước thì giải quyết đa phương."

Trưởng đoàn Việt Nam cho rằng, tất cả các bên liên quan cần phải nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đồng thời cần sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả và thực chất. Các lực lượng hoạt động trên biển của các quốc gia phải hết sức kiềm chế, không có những hành động làm gia tăng căng thẳng, phức tạp dưới mọi hình thức.

Việc tiếp tục thực hiện đầy đủ và toàn bộ Tuyên bố của các bên về ứng xử tại Biển Đông (DOC) cũng như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là việc làm cần hơn bao giờ hết vào lúc này, cùng với việc đối xử nhân đạo với ngư dân trong bất kỳ hoàn cảnh, tình huống nào trên biển. "Làm được điều này, sẽ khẳng định rằng chúng ta là những nhà lãnh đạo quốc phòng vì hòa bình!", Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Hiền Hạnh (TTXVN)
Tuyên bố chung về tầm nhìn chiến lược an ninh của ADMM+
Tuyên bố chung về tầm nhìn chiến lược an ninh của ADMM+

Ngày 10/12, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 7 được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN