ADMM được xác định mang tính chất mở, linh hoạt và dung nạp trong quan hệ hợp tác với các nước bạn bè của ASEAN, trong đó có các nước đối tác đối thoại.
Trên cơ sở đó, vào năm 2010, tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã nhất trí thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) giữa các nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại (các nước Cộng) gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Hoa Kỳ.
ADMM+ là một cơ chế hợp tác đa phương chưa từng có về quốc phòng, một diễn đàn quan trọng để thúc đẩy lòng tin, tăng cường hiểu biết về chính sách quốc phòng của các quốc gia. 10 năm là khoảng thời gian chưa dài nhưng đã đủ để các nước hình thành lòng tin vững chắc về sự hữu ích đối với hòa bình, khẳng định ADMM+ đóng vai trò nền tảng quan trọng cho sự hợp tác hiệu quả trên kênh quốc phòng - an ninh của khu vực ASEAN với các nước đối tác.
Bước phát triển mới của cơ chế ADMM
Hội nghị ADMM-2 diễn ra vào tháng 11/2007 tại Singapore đã đánh dấu bước phát triển mới của cơ chế ADMM khi thông qua Tài liệu khái niệm về "Thành lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)" do Singapore soạn thảo. Sau đó, vào tháng 2/2009, Hội nghị ADMM-3 tổ chức tại Thái Lan đã thông qua Tài liệu khái niệm về "ADMM+: Nguyên tắc kết nạp thành viên" do Singapore soạn thảo. ADMM+ có nguyên tắc kết nạp thành viên: Là đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN; có quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN; có khả năng và sẵn sàng đóng góp, hỗ trợ nguồn lực cho các nước.
Hội nghị ADMM-4 diễn ra vào tháng 5/2010 tại Việt Nam đánh dấu một bước tiến lịch sử trong tiến trình hợp tác ADMM, chính thức thiết lập cơ chế ADMM+. Đây là nỗ lực của Việt Nam thông qua các hoạt động vận động và đấu tranh ngoại giao tích cực, khôn khéo, thuyết phục các thành viên ASEAN thông qua Tài liệu khái niệm "ADMM+: Cơ cấu và Thành phần" (Singapore và Thái Lan đồng soạn thảo) và "ADMM+: Thể thức và Thủ tục"(Việt Nam và Singapore đồng soạn thảo). Đặc biệt, các bên thống nhất ADMM+ lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10/2010.
Ngay từ khi ra đời, ADMM+ được xác định là cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức giữa ASEAN và các nước đối tác - đối thoại quan trọng của ASEAN, với vai trò mở rộng hợp tác quan hệ quốc phòng - quân sự với các nước này. Mục đích của ADMM+ nhằm chia sẻ đánh giá, quan điểm về các vấn đề an ninh trong khu vực, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết, minh bạch hóa chính sách quốc phòng, tăng cường lòng tin giữa các quốc gia. Hợp tác trong các lĩnh vực đi từ xây dựng cơ chế, chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, thảo luận một số lĩnh vực hợp tác... và đang ở trong giai đoạn triển khai các hoạt động hợp tác trên thực tế như tổ chức diễn tập sa bàn và thực địa.
Việc hình thành ADMM+ cho thấy, ASEAN đã bắt đầu định hình cho một cấu trúc an ninh mới vượt ra khỏi tầm của khu vực. ADMM+ lần thứ nhất đã xác định mục tiêu phấn đấu vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình ADMM+, khẳng định ADMM+ là cơ chế đối thoại và hợp tác. Việc thiết lập ADMM+ còn có ý nghĩa về mặt chiến lược trong đảm bảo ổn định ở khu vực với sự tham gia của các nước lớn có lợi ích nhất định ở khu vực. ADMM+8 đảm bảo được tính cân bằng giữa các nước lớn, qua đó ASEAN có thể phát huy vai trò trung tâm của mình.
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, sự ra đời của ADMM+ là một trong những dấu mốc lịch sử của ASEAN với việc hình thành một cơ chế hợp tác an ninh - quốc phòng, qua đó tăng cường hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực thông qua đối thoại; xây dựng năng lực ứng phó với các thách thức an ninh chung trong khu vực. ADMM và ADMM+ có mối liên hệ chặt chẽ, luôn đan xen, bổ sung cho nhau, trong đó ADMM có vai trò trung tâm, định hướng. Ngày càng nhiều nước bạn bè và đối tác đối thoại của ASEAN bày tỏ mong muốn đóng góp vào nỗ lực thúc đẩy an ninh, ổn định của khu vực thông qua các chương trình hợp tác trong ADMM+.
Việt Nam - thành viên chủ động, có trách nhiệm của ADMM+
Tới nay, ADMM+ đã được tổ chức 6 lần, với sự chủ trì của: Việt Nam, từ ngày 11 - 13/10/2010; Brunei, từ ngày 27 - 29/8/2013; Malaysia, từ 3 - 5/11/2015; Phillipines, từ ngày 23 - 24/10/2017; Singapore, từ ngày 18 - 20/10/2018 và Thái Lan, ngày 18/11/2019.
Khi được thiết lập năm 2010, ADMM+ được thống nhất sẽ tổ chức 3 năm một lần. Tại ADMM-6 tổ chức tại Campuchia vào tháng 5/2012, các nước đã nhất trí tăng tần suất họp ADMM+ lên 2 năm/lần nhằm tăng cường tham vấn và thúc đẩy hợp tác trong ADMM+. Tại ADMM+ lần thứ ba tổ chức ở Malaysia năm 2015, Australia đề xuất bắt đầu từ năm 2018 sẽ tiến hành tổ chức ADMM+ theo cơ chế hằng năm. Tại ADMM-12 tại Singapore năm 2018, các nước đã thống nhất về Quy chế quan sát viên các hoạt động của Nhóm chuyên gia ADMM+.
Hiện nay, trong khuôn khổ ADMM+ đang có 7 Nhóm chuyên gia: Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; an ninh biển; quân y; chống khủng bố; hoạt động gìn giữ hòa bình; hành động mìn nhân đạo và An ninh mạng. Là nước khởi xướng cơ chế ADMM+, những năm qua, Việt Nam đã có sự tham gia và đóng góp rất tích cực nhằm góp phần khẳng định vai trò của một thành viên chủ động, có trách nhiệm của ASEAN cũng như ADMM+.
Năm 2010, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và đã chủ trì tổ chức một loạt hội nghị trong khuôn khổ ADMM. Việt Nam có đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) thông qua việc đề xuất Tài liệu khái niệm "ADMM+: Thể thức và Thủ tục" và "ADMM+: Cơ cấu và Thành phần"; tổ chức thành công Hội nghị ADMM+ lần thứ nhất với việc thông qua 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác: An ninh biển, Gìn giữ hòa bình, Chống khủng bố, Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, Quân y.
Tại ADMM+ lần thứ hai ở Brunei năm 2013, theo đề xuất của Việt Nam, Hội nghị đã thông qua lĩnh vực ưu tiên hợp tác thứ 6 là Hành động nhân đạo phòng chống mìn. Năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam cử lực lượng quân đội (quân y và công binh) tham gia Diễn tập hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa kết hợp với quân y trong khuôn khổ Nhóm chuyên gia ADMM+ tại Brunei, kể từ đó đều cử lực lượng tham gia đầy đủ, tích cực các cuộc diễn tập trong khuôn khổ các Nhóm chuyên gia ADMM+.
Trong một thập kỷ, ADMM+ đã trở thành diễn đàn quan trọng hàng đầu về quốc phòng và an ninh ở khu vực. Chính sự kết hợp khéo léo những lợi ích và mối quan tâm của không chỉ các nước ASEAN mà còn của các nước đối tác đã giữ cho ASEAN vai trò trung tâm trong ADMM+. Bằng những sáng kiến mới, ý tưởng mới, ADMM+ đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nước đối tác, khiến các nước đối tác của ASEAN mong muốn được tham gia cơ chế này.
Năm 2020, nhân loại phải đối mặt với đại dịch COVID-19, một thách thức chưa từng có. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ASEAN đã nhanh chóng phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác để ứng phó và phục hồi. Ngay từ đầu năm, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã khẩn trương cụ thể hóa việc hợp tác ứng phó với đại dịch COVID-19 bằng việc thông qua Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về ứng phó với dịch bệnh. Trên cơ sở đó, diễn tập trực tuyến Quân y ASEAN về phòng, chống dịch COVID-19 đã được triển khai, cung cấp cho ASEAN và các nước đối tác nhiều kinh nghiệm quý báu trong phòng, chống dịch bệnh.
Sự chung tay ứng phó một cách chủ động của các thành viên ADMM+ với thách thức gặp phải ở cột mốc kỷ niệm 10 năm càng khẳng định những mục đích ban đầu khi ADMM+ được hình thành. Theo đó, việc tăng cường xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác thực chất là một trong những giải pháp quan trọng giúp các nước thành viên ADMM+ chiến thắng đại dịch. COVID-19 có thể gây ra ngăn cách về mặt địa lý, nhưng không thể làm suy giảm đà hợp tác trong ADMM+. Là quốc gia đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng, cũng là Chủ tịch ADMM+ trong cột mốc kỷ niệm 10 năm, Việt Nam khẳng định sự sẵn sàng hợp tác cùng các thành viên trong ADMM+ để cùng đóng góp vào những nỗ lực chung, vì một khu vực hòa bình, ổn định, thịnh vượng.