Nhân ngày truyền thống Văn phòng Chính phủ 28/8:

75 năm trung thành, tận tụy tham mưu, phục vụ Chính phủ

“Công tác Văn phòng có tầm quan trọng đặc biệt, giúp cho cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình. Cán bộ Văn phòng nắm tình hình sai thì lãnh đạo sẽ giải quyết công việc không đúng... cho nên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác và giữ bí mật, để phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những cán bộ làm công tác văn phòng suốt 75 năm qua đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu tại Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Văn phòng Chính phủ (28/8/1945 - 28/8/2020) và Đại hội thi đua yêu nước Văn phòng Chính phủ giai đoạn 2020-2025, ngày 20/8/2020. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Lịch sử và truyền thống 75 năm của Văn phòng Chính phủ gắn liền với lịch sử hoạt động của Chính phủ nước ta qua các thời kỳ. Ngày 28/8/1945, ngay sau khi Chính phủ lâm thời được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định lập bộ máy Văn phòng giúp việc của Chính phủ - tiền thân của Văn phòng Chính phủ ngày nay. Để ghi nhớ sự kiện lịch sử này, ngày 28/8 trở thành Ngày truyền thống của Văn phòng Chính phủ và Văn phòng cơ quan hành chính Nhà nước.

Đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung của đất nước

Ngay từ khi thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Văn phòng Chủ tịch phủ (tiền thân của Văn phòng Chính phủ ngày nay) đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, đào tạo. Thời kỳ đầu, với số lượng cán bộ còn ít ỏi, Văn phòng Chủ tịch phủ vinh dự được giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lãnh đạo, điều hành đất nước; giải quyết những vấn đề cấp bách, xây dựng nền móng vững chắc cho Nhà nước dân chủ nhân dân kiểu mới.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau khi thành lập nước, chính quyền cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Văn phòng Chủ tịch phủ đã cùng các cơ quan liên quan tham mưu cho Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh bãi bỏ những chính sách của chế độ cũ không còn phù hợp, ban hành nhiều sắc lệnh mới, bước đầu xây dựng nền móng pháp chế của Nhà nước công nông đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á, phục vụ kịp thời các hoạt động của Chính phủ để bảo vệ thành quả cách mạng, chuẩn bị điều kiện về mọi mặt cho cuộc kháng chiến kiến quốc lâu dài, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân chung tay góp sức, góp công, góp của cho sự nghiệp chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 19/12/1946), Văn phòng Chủ tịch phủ theo chân Người và Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc, cùng Trung ương lãnh đạo quân và dân ta tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại, chống thực dân Pháp đến ngày thắng lợi. Từ cuối năm 1949, với tên gọi Thủ tướng phủ, Văn phòng là bộ máy trực tiếp giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Hội đồng Chính phủ, Hội đồng Quốc phòng tối cao, lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Văn phòng Phủ Thủ tướng đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung của đất nước. Nhiều cán bộ, nhân viên Văn phòng đã nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường, không ít người đã anh dũng hy sinh. Đại thắng mùa xuân năm 1975 đưa đất nước đi đến thống nhất, Văn phòng Phủ Thủ tướng đã tích cực tham mưu xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức; đổi mới cơ chế chính sách, từng bước xóa bỏ quan liêu, bao cấp, mở rộng quyền chủ động sản xuất kinh doanh; phát triển giáo dục, văn hóa, y tế, khoa học kỹ thuật; mở rộng quan hệ đối ngoại; bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, từ năm 1992 đến nay là Văn phòng Chính phủ, đã cùng các bộ, ngành tích cực, chủ động tham mưu ban hành nhiều cơ chế, chính sách xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu lớn, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Kiên quyết loại bỏ cơ chế xin cho, lợi ích nhóm

Chú thích ảnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nhiều năm qua, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, với tinh thần làm việc "Trung thành - Tận tụy - Đoàn kết - Trí tuệ - Kỷ cương”, Văn phòng Chính phủ đã nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quan điểm coi trọng hoàn thiện thể chế theo hướng thống nhất, đồng bộ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khơi dậy động lực, tạo niềm tin, khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên; khai thông, giải phóng tối đa mọi nguồn lực, mang đến động lực tăng trưởng mới và dư địa tăng trưởng trong dài hạn. Trong thẩm tra các đề án, dự án, Văn phòng Chính phủ luôn có ý kiến độc lập, chú trọng đánh giá tác động và bảo đảm tính hợp lý, khả thi, phù hợp của chính sách; kiên quyết loại bỏ cơ chế xin cho, lợi ích nhóm.

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, ngay từ khi dịch bệnh xảy ra ngoài lãnh thổ, Văn phòng Chính phủ đã chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời báo cáo, tham mưu những biện pháp phòng, chống dịch từ sớm. Văn phòng Chính phủ đã không quản ngày đêm, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chủ động đề xuất nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả, góp phần quan trọng trong thực hiện “mục tiêu kép”- vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế.

Một trong những điểm sáng nổi bật thể hiện tinh thần hành động, nói đi đôi với làm là việc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, do Bộ trưởng - Chủ nhiệm làm Tổ trưởng. Tổ công tác đã tiến hành 89 cuộc kiểm tra, tạo sự chuyển động trong thực thi, phá bỏ sự trì trệ; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; tạo chuyển biến rõ rệt trong tổ chức thực hiện. Nhiều vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, số nhiệm vụ quá hạn giảm mạnh, chỉ còn 1,1% - giảm 23,9% so với trước khi thành lập Tổ công tác. Với những kết quả tích cực đó, Tổ công tác đã được đánh giá là: hoạt động quyết liệt, không ngại va chạm, đem lại hiệu quả tích cực và là điểm sáng nhất trong năm 2017.

Tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, trung bình mỗi năm, Văn phòng Chính phủ tiếp nhận, xử lý hơn 100.000 văn bản; tham mưu tổng hợp, trình Lãnh đạo Chính phủ hơn 13.000 Phiếu trình để xử lý khối lượng lớn công việc thường xuyên do các bộ, cơ quan trình; luôn tuân thủ quy chế làm việc, tổng hợp đầy đủ, trung thực ý kiến của các bộ, cơ quan, đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành hơn 26.000 văn bản.

Bám sát mục tiêu giải phóng mọi nguồn lực, mang lại lợi ích cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội, công tác kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính có nhiều kết quả nổi bật, chuyển biến vượt bậc, thực chất hơn, góp phần giúp Việt Nam tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh và 20 bậc cải thiện môi trường kinh doanh toàn cầu. Văn phòng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành trình Chính phủ cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, hướng tới tiêu chuẩn của OECD; tập trung một đầu mối kiểm tra chuyên ngành, giảm chồng chéo, phiền hà cho doanh nghiệp. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Văn phòng Chính phủ đã tích cực, chủ động tham mưu trong xây dựng Chính phủ điện tử theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng: “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh và bắt đầu từ những việc nhỏ nhất" hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

“Bằng nỗ lực và hành động quyết liệt, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và đưa vào vận hành thành công 03 Hệ thống quan trọng phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gồm: Trục liên thông văn bản quốc gia - đã kết nối với 100% các bộ, ngành, địa phương và nhiều cơ quan, tổ chức khác, tiếp nhận trên 2,2 triệu văn bản điện tử; tiết kiệm cho ngân sách hơn 1.200 tỷ đồng/năm; Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-cabinet) - hướng tới Chính phủ không giấy tờ, đã thay thế việc in ấn, phát hành hơn 200 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy, tiết kiệm khoảng 169 tỷ đồng/năm; Cổng dịch vụ công quốc gia - “Kênh" hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” thủ tục hành chính, đang cung cấp 1.000 dịch vụ công, có hơn 58 triệu lượt truy cập, hơn 227 nghìn tài khoản đăng ký, trên 14,3 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, trên 281 nghìn hồ sơ được thực hiện, tiết kiệm chi phí xã hội trên 6.700 tỷ đồng/năm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.

Cả 3 sản phẩm đều được nhiều tổ chức uy tín bình chọn là 3 trong 10 sự kiện nổi bật của năm 2019. Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành vừa được Văn phòng Chính phủ đưa vào hoạt động, đã góp phần thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ thông tin, số liệu giấy chuyển sang dữ liệu số thông minh, thời gian thực, chính xác, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 460 tỷ đồng/năm. Đó là những bước tiến quan trọng, điểm nhấn trong phát triển Chính phủ điện tử, thể hiện vai trò gương mẫu tiên phong, dẫn dắt của Văn phòng Chính phủ trong điều phối, tổ chức triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đánh giá về những đóng góp của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận “trong bất cứ cục, vụ, đơn vị nào, cả các đơn vị sự nghiệp, bất kỳ vị trí công tác nào với Văn phòng Chính phủ, tôi đều thấy có nhiều cán bộ, công chức, công nhân viên, người lao động làm việc với tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tận tụy hết mình và thầm lặng không quản ngày đêm, điều kiện thời tiết để hoàn thành công việc”.

Văn phòng Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới nâng cao chất lượng công tác tham mưu, góp phần tích cực vào việc tăng cường hiệu quả hoạt động của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, thời gian gần đây, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời nắm tình hình, tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, cho Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, góp phần cùng cả nước vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh - tế xã hội, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên thế giới về phòng, chống dịch và không để đứt gãy nền kinh tế.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Đại hội đại biểu Đảng bộ Văn phòng Chính phủ lần thứ XXVI
Đại hội đại biểu Đảng bộ Văn phòng Chính phủ lần thứ XXVI

Ngày 26/8, Đảng bộ Văn phòng Chính phủ tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN