55 năm quan hệ Việt Nam - Campuchia - Bài 1: Mãi là tấm gương cho các thế hệ mai sau

Tỉnh Long An có đường biên giới dài hơn 133km, đi qua 20 xã thuộc 5 huyện, 1 thị xã biên giới, tiếp giáp với 16 xã thuộc hai tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, Vương quốc Campuchia.

Chú thích ảnh
Bàn thờ Anh hùng lực lượng vũ trang – liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ tại quê nhà. Ảnh: Đức Hạnh/ TTXVN

Tuyến biên giới dài 133 km thuộc tỉnh Long An có Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường); Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ); ba cửa khẩu phụ là Hưng Điền A và Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng), Tân Hưng (huyện Tân Hưng) và 7 lối mở. Những năm qua, quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai bên không ngừng được nâng lên với nhiều hoạt động hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Phóng viên TTXVN tại Long An thực hiện chùm 3 bài viết phản ánh tình cảm, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai nước.

Bài 1: Mãi là tấm gương cho các thế hệ mai sau

Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân - Liệt sỹ Nguyễn Văn Ngộ, sinh năm 1959, quê ở xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi trên đất bạn Campuchia. Hơn 40 năm đã trôi qua, ký ức, niềm tự hào về người Anh hùng của nhân dân hai nước vẫn còn sáng mãi với gia đình, người thân và quê hương anh.

Người con anh dũng, hiếu thuận

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ ở quê nhà ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, bàn thờ Liệt sỹ Nguyễn Văn Ngộ được đặt cùng người anh hai Nguyễn Văn Niếp. Anh Nguyễn Thanh Luân - cháu ruột của Liệt sỹ Nguyễn Văn Ngộ nhớ lại những câu chuyện được nghe kể từ cha anh (ông Nguyễn Văn Niếp) với niềm tự hào về người chú Bảy của mình. Anh Nguyễn Thanh Luân chia sẻ: "Gia đình bố tôi có 9 người con, chú Bảy xưa là người giỏi nhất nhà. Gia đình nghèo lắm, chú chịu khó làm ăn, chăm chỉ làm mướn cho đến ngày đi nhập ngũ. Ngày chú nhập ngũ, anh Hai (bố anh Luân) chạy theo, chú Bảy dặn lại là đi đợt này khi nào về sẽ mang quà cho gia đình. Nhưng rồi, hơn 1 năm sau, chú hy sinh”.

Bà Nguyễn Thị Tiên (mẹ anh Nguyễn Thanh Luân) cho biết, trước đây, trong dịp đi họp mặt ở huyện Bến Lức, vô tình bà gặp một người đồng đội thân thiết của Liệt sỹ Nguyễn Văn Ngộ. Khi biết bà là người thân của liệt sỹ, đồng đội đã xúc động kể: Xưa hai người cùng đơn vị cùng chiến đấu, thân thiết, ăn cùng mâm nằm cùng chiếu, người này đi đâu người kia cũng chờ về ăn cơm. Lúc anh ấy hy sinh, anh chỉ gọi tên má mình và dặn mang lời nhắn về cho má.

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Thanh Luân bên bàn thờ cha và chú ruột là Anh hùng lực lượng vũ trang – liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN

Năm 2017, tượng đài Anh hùng Nguyễn Văn Ngộ được xây dựng tại tỉnh Svay Riêng để tưởng nhớ người Anh hùng đã quên thân mình hy sinh vì người dân Campuchia trong chiến tranh chống họa diệt chủng Pôn Pốt. Ngày 29/10/2017, đúng ngày địa phương mời gia đình lần đầu tiên sang nước bạn để thăm viếng tượng đài em trai, ông Nguyễn Văn Niếp mất vì bệnh. “Theo nguyện vọng của bố tôi, thời gian tới, gia đình mong muốn được các cấp chính quyền tạo điều kiện sang nước bạn viếng thăm tượng của chú” – anh Nguyễn Thanh Luân đề xuất.

Nguyễn Văn Ngộ là đoàn viên, Binh nhất, Trung Đội phó, Đại đội Bộ binh 2, Tiểu đoàn 502, Bộ Tư lệnh 779, Quân khu 7. Anh đã tham gia chiến đấu 13 trận trên đất Campuchia. Anh chỉ huy tiểu đội diệt 33 tên địch, thu 30 súng các loại, góp phần tích cực cùng đại đội giữ vững trật tự trị an ở khu vực được giao.

Ngày 1/9/1979, anh Nguyễn Văn Ngộ được tin báo có hai người dân bị chết trong bãi mìn của địch đã hai ngày chưa đưa ra được. Trước tình hình đó, anh xung phong vào bãi mìn để đưa hai thi thể ra. Khi đến nơi, anh lại thấy thêm thi thể một người bị mìn nổ chết và một em bé bị thương đang kêu khóc. Anh Nguyễn Văn Ngộ không quản ngại hy sinh đã nhanh chóng tổ chức phá gỡ mìn để cứu người dân. Anh đã tháo gỡ được 11 quả mìn. Đến quả thứ 12, mìn nổ, anh bị thương nặng. Anh Ngộ bình tĩnh động viên nhắc nhở đồng đội tiếp tục làm nhiệm vụ, tìm cách đưa dân ra khỏi bãi mìn. Vì vết thương quá nặng, Nguyễn Văn Ngộ đã anh dũng hy sinh. Gương hy sinh của anh được chính quyền, người dân Campuchia - nơi đơn vị đóng quân và đồng đội rất khâm phục. Đơn vị phát động học tập, noi theo gương anh. Nguyễn Văn Ngộ là người luôn gương mẫu về mọi mặt, sống khiêm tốn, giản dị. Anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Ngày 25/1/1983, Liệt sỹ Nguyễn Văn Ngộ được Nhà nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Chú thích ảnh
Bằng Tổ quốc ghi công của Anh hùng lực lượng vũ trang – liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ. Ảnh: Đức Hạnh/ TTXVN

Mãi là tấm gương cho các thế hệ mai sau

Anh Nguyễn Thanh Luân cho biết, gia đình rất tự hào vì có người chú là Anh hùng trong lòng nhân dân hai nước. Địa phương cũng thường xuyên có các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo chính sách cho gia đình anh. Từ tấm gương sống chiến đấu của cha, chú mình, anh Luân luôn nỗ lực trong lao động sản xuất, chăm chỉ làm việc, đeo đuổi niềm đam mê. Hiện, anh là Tổ trưởng Tổ cắt manh, Công ty Bao bì Đại lục thuộc xã Lợi Bình Nhơn (thành phố Tân An), quản lý 73 công nhân. 

Quê hương Thủ Thừa nói riêng và Long An nói chung là nơi sinh ra nhiều người con anh dũng, đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc để những thế hệ mai sau mãi tự hào và noi theo. Anh Nguyễn Thanh Tú (sinh năm 1994 ngụ xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) cho biết:
 “Là thanh niên địa phương, em luôn nỗ lực làm tốt công việc của mình. Được nghe kể về những anh hùng dân tộc, và đặc biệt là anh hùng ngay trên quê hương mình, em rất tự hào. Em tự nhủ mình sẽ làm việc và sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh. Khi Tổ quốc cần, dù bất cứ nhiệm vụ gì đều không ngại gian khó”.

Chú thích ảnh
Nhà Anh hùng lực lượng vũ trang – liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ là địa điểm đền ơn đáp nghĩa của các cấp, ngành địa phương. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN

Chị Lê Thị Kim Kha, sinh năm 1974, trong gia đình có bề dày truyền thống cách mạng. Bà nội chị là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, có chồng và con trai thứ hai hy sinh. Ba chị cũng anh dũng chiến đấu hiện là thương binh 1/4. Má chị phục vụ trong Bệnh viện Quân y trong chiến trường xưa. Cả ba má chị đều nhập ngũ khi mới 15 - 16 tuổi. Được nghe ba, bà nội kể nhiều về những gian khổ hy sinh mất mát trong chiến tranh, chị Kha càng thêm yêu và quý trọng cuộc sống. Chị tự hào về gia đình, về gương chiến đấu hy sinh anh dũng của những Anh hùng Liệt sỹ trên quê hương và luôn quan niệm làm việc gì là cho đi chứ không tính toán. Chị là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp 4. Chồng chị là Trưởng ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa. Hai vợ chồng chị luôn hết mình vì công tác xã hội, hết lòng giúp đỡ bà con. Với chị, đó là việc làm thiết thực để tiếp bước các thế hệ đi trước và những Anh hùng trên quê hương mình đã không tiếc máu xương vì độc lập tự do cho dân tộc.

Ngày nay, trên đất bạn Campuchia, tượng đài Anh hùng Nguyễn Văn Ngộ là minh chứng về tấm gương anh dũng hy sinh khi tuối đời còn trẻ, đồng thời cũng nhắc nhớ về tình đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai nước láng giềng Việt Nam - Campuchia. 

Bài 2: Mở rộng giao lưu hợp tác, nâng cao đời sống nhân dân vùng biên

Đức Hạnh – Thanh Bình (TTXVN)
55 năm quan hệ Việt Nam - Campuchia: Thắt chặt mối quan hệ trên mọi lĩnh vực
55 năm quan hệ Việt Nam - Campuchia: Thắt chặt mối quan hệ trên mọi lĩnh vực

Tối 17/6, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Cần Thơ phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức Họp mặt kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2022).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN