Tại ngôi nhà sàn tọa lạc phía nam khu khuôn viên Phủ Chủ tịch (Hà Nội), khi nắng đã rải lên rặng cây, mái nhà, “nhân dịp mừng 75 tuổi” của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bức thư rất đặc biệt. Cuối bức thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ngày 15/5/1965. Đây là bản di chúc tự tay Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh máy trên chiếc máy chữ Hermes baby. Từ đó cho đến năm 1969, cứ vào dịp tháng Năm của trời hè Hà Nội, Người lại sửa chữa, bổ sung vào bức thư, năm nhiều, năm ít, bằng viết tay, rồi sửa lại, thêm hoặc bớt bằng cả mực đỏ. Bức thư viết những 4 năm mới hoàn thành ấy được Đảng, lúc này có tên là Lao động Việt Nam, công bố tháng 9/1969 trong buổi Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, gọi là Di chúc.
Đất nước phát triển
Trong 50 năm qua, Việt Nam đã tiến những bước dài về chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Mức sống cả về vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Điều đáng chú ý nhất ở một nước nông nghiệp là lo lương thực, thực phẩm cho khoảng hơn 90 triệu con người. Từ chỗ thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên bảo đảm được, không những thế còn đứng vào những “cường quốc” xuất khẩu gạo trên thế giới. Việt Nam được Liên hợp quốc và các cộng đồng quốc tế khác đánh giá cao trong việc đạt được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là có hiệu quả tốt đối với xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh coi trọng tăng trưởng kinh tế, Việt Nam luôn nhấn mạnh sự phát triển bền vững, trong đó có việc tăng trưởng đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, với thực thi những chính sách xã hội, chăm lo phát triển con người.
Cả nước đã thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ về việc ghi nhớ công lao của các thế hệ cha ông trong các cuộc kháng chiến và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đất nước Việt Nam trải qua những năm tháng cam go của chiến tranh, mà có thể nói rằng, hầu như không gia đình nào là không có sự hy sinh mất mát. Việc phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”; những nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng, tôn tạo; những cuộc quy tập mộ liệt sĩ trong những năm qua chính là sự tri ân của các thế hệ người Việt Nam đối với những người đã cống hiến sức lực, trí tuệ, tính mạng cho sự phát triển của dân tộc. Đất nước năng động bước vào công cuộc xây dựng Tổ quốc, thực hiện lời mong muốn của Hồ Chí Minh trong Di chúc:
“Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới, hội nhập quốc tế… đã đưa Việt Nam thoát khỏi nhóm các nước nghèo để bước vào nhóm các nước phát triển trung bình. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ ngày càng lớn; nông thôn, nông nghiệp, nông dân là mặt trận mà cả hệ thống chính trị đất nước đang chăm lo phát triển, đặc biệt là việc xây dựng nông thôn mới làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần tích cực cải thiện đời sống cho nông dân. Ngoài phát triển kinh tế, sự nghiệp văn hóa-xã hội phát triển mạnh; sự nghiệp giáo dục, chăm lo sức khỏe cho con người được chú ý và có sự tiến bộ vượt bậc; nhiều giá trị mới tích cực, tiến bộ trong những giai đoạn, thời kỳ cách mạng mới đã hình thành và phát huy tác dụng thúc đẩy đất nước phát triển. Sự phát triển của đất nước trong những năm qua vừa nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, vừa góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức mạnh quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đáp ứng yêu cầu ngày cao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạn chế sau 50 năm nhìn lại. Việt Nam vẫn đang tụt hậu so với bước phát triển chung của nhân loại. Đời sống của nhân dân được cải thiện nhưng vẫn chậm, nhất là những bộ phận nhân dân ở vùng núi, vùng xa, vùng có nhiều thiên tai. Nhiều giá trị văn hóa tinh thần, đạo đức, lối sống tốt đẹp bị làm hoen ố. Không đơn thuần so sánh với chính bản thân mình, mà so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á có cùng mức độ phát triển kinh tế với Việt Nam ở những năm 50, 60, 70 của thế kỷ XX thì đến nay nhiều nước đó đã có những bước phát triển vượt bậc, bỏ khá xa Việt Nam. Vẫn còn đó 4 nguy cơ mà Đảng nhận rõ năm 1994, trong Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ VII. Nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế; nguy cơ về “diễn biến hòa bình”; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Thật ra, thực tế những năm vừa qua, những cái đó không còn là nguy cơ nữa, mà là hiện hữu rồi.
Vấn đề chỉnh đốn Đảng
Trong lịch sử, Đảng ta đã có một số lần tiến hành chỉnh đốn bản thân mình. Với dự đoán tình hình chuyển bước ngoặt sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc: “Trước hết nói về Đảng”, “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Trong những năm đổi mới đất nước, Đảng đã khẳng định “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt” bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, an ninh-quốc phòng là nhiệm vụ quan trọng. Trong mỗi khóa của Trung ương Đảng, cũng đã có nhiều nghị quyết chuyên về công tác xây dựng Đảng, trong đó đặc biệt khẳng định thêm vai trò lãnh đạo-cầm quyền của Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trong Di chúc; nêu lên những nhiệm vụ cấp bách để nâng cao sức chiến đấu, năng lực cầm quyền của Đảng; khắc phục tình hình một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn và đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập các vấn đề đoàn kết trong Đảng; thực hành dân chủ rộng rãi; thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; đạo đức cách mạng của đảng viên và cán bộ; sự trong sạch của Đảng, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân; vấn đề Đảng phải chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; trách nhiệm của Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Tôi cho rằng, những vấn đề đó trong nỗi niềm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh canh cánh trong lòng khi đề cập vấn đề chỉnh đốn Đảng là những vấn đề cấp bách, cấp thiết, có ý nghĩa thời sự đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Về mặt chủ trương, với trách nhiệm lãnh đạo đất nước, Đảng có một số chỉ đạo thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng, chủ yếu đó mới chỉ nặng về nghiên cứu học tập Di chúc. Những công việc thời hậu chiến quả là rất bộn bề, khó khăn, phức tạp. Những vấn đề trên đây có thể nói là phần nào liên quan đến chỉnh đốn Đảng, nhưng thực ra để thực hiện cho tốt những điều viết về Đảng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì còn chưa đạt yêu cầu. Công tác đổi mới và chỉnh đốn Đảng, hay là công tác xây dựng Đảng nói chung theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có việc thực hiện những điều cụ thể nêu trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn ở phía trước. Đang còn đó những vấn đề như đoàn kết trong Đảng, tự phê bình và phê bình, vấn đề “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, làm trong sạch Đảng, phẩm chất và năng lực, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ cán bộ cách mạng, vấn đề trách nhiệm của một Đảng cầm quyền đối với đời sống của nhân dân. “Giặc nội xâm” theo cách gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không những chưa được dẹp bỏ được bao nhiêu mà còn nghiêm trọng hơn…
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn còn nhiều năm nay mà chưa khắc phục được. Sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay và nhìn xa khoảng 10 năm, 20 năm tới, việc xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn rất cần có sự nhận thức thêm và cần có sự thực hiện một cách tích cực hơn, mạnh mẽ hơn theo những quan điểm đã nêu trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vấn đề đoàn kết quốc tế
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tình đoàn kết trong phong trào cộng sản quốc tế vốn bị sứt mẻ nghiêm trọng từ trước vẫn không được cải thiện. Việc này có nhiều lý do, bởi nhiều hoàn cảnh khác nhau, mà Đảng không thể thực hiện được như trong Di chúc viết năm 1965: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em! Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.
Niềm "tin chắc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không hiện hữu thời hậu chiến khi hàng loạt sự kiện xấu sau đấy xảy ra trong phong trào cộng sản quốc tế, hệ thống xã hội chủ nghĩa bước vào những giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng. Gần 20 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới bị cuốn vào những trận cuồng phong chính trị dữ dội chưa từng có. Các đảng cộng sản cầm quyền ở các nước Đông Âu tan rã, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới không còn. Mong muốn và niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong Di chúc vẫn còn gác lại đó.
Về việc riêng, hối hận thì không, nhưng tiếc thì có
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết không ít dòng về việc riêng. Riêng, nhưng lại mang ý nghĩa đại sự, là cái chung cho nhân cách, cho hậu thế. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết đoạn bổ sung năm 1968 trong Di chúc như sau: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Hối hận thì không, nhưng tiếc thì có; không phải tiếc vì mình chưa có vật chất đủ đầy cao sang… mà tiếc là không còn sống lâu nữa để phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đó là sự tiếc nuối của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, sự tiếc nuối của người “Anh hùng dân tộc vĩ đại”, “Nhân vật kiệt xuất”, “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”.
Những nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong bản Di chúc là những điều dặn lại cho hậu thế thời hậu chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn ý thức được rằng, việc thực hiện những điều đó là không hề dễ dàng một chút nào, đúng như Người viết: Đó là những việc “rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Gọi đó là “cuộc chiến đấu khổng lồ” quả không sai. 50 năm đã trải qua, kể từ tháng 9/1969 ấy, chắc chắn rằng, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam càng thấm rõ hơn cái tính chất “rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang” ấy.
50 năm nhìn lại, đất nước Việt Nam đã tiến những bước dài trên con đường phát triển. Bước tiến đó thật vĩ đại nếu đặt trong hoàn cảnh của 50 năm đầy biến động dữ dội và khó lường của tình hình thực tế. Chưa bao giờ sự phát triển của Việt Nam lại bị thử thách nghiệt ngã như giai đoạn hiện nay. Toàn Đảng, toàn dân Việt Nam tự hào với những thành tựu đã đạt được trong 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng thực sự cũng đang “nợ” Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều điều. Hãy trở lại một lần nữa với những lời thề biểu thị quyết tâm của Đảng trong Điếu văn tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng 9/9/1969, trong đó mấu chốt nhất là lời thề liên quan xây dựng Đảng: “Hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi”.
Hãy bắt đầu từ bản thân Đảng, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc. Trước hết nói về Đảng. Hãy học tập và làm theo thật tốt, thật hiệu quả tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó cũng tức là tiếp tục thực hiện tốt Di chúc của Người, đồng thời cũng góp phần khỏa lấp sự tiếc nuối của Người khi viết về việc riêng trong những dòng Di chúc bất hủ, đầy tâm huyết.