Ngày 28/11, Hội thảo khoa học cấp nhà nước “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam” (ảnh) đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức.
Hơn 70 bài tham luận gửi tới Hội thảo một lần nữa làm sáng tỏ và sâu sắc thêm “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là một mốc son chói lọi, là biểu tượng của ý chí kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Đồng thời, đó cũng là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của “thế trận phòng không nhân dân” bảo vệ miền Bắc XHCN; là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân đất đối không chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ; là sự kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới.
Đỉnh cao của chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh
Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Với ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược, bắn rơi nhiều máy bay hiện đại, trong đó có trên 30 máy bay B52, giáng cho Mỹ một đòn chí mạng, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari, rút hết quân viễn chinh về nước, làm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho cuộc kháng chiến của ta.
Chiến thắng B52 trên bầu trời thủ đô đã trở thành trận quyết chiến lịch sử, được mệnh danh là “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Cùng với thời gian, Chiến thắng 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế, quân và dân ta đã có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt, chủ động đánh thắng bước phiêu lưu quân sự mới của Mỹ”.
Đọc báo cáo đề dẫn hội thảo, Trung tướng Mai Quang Phấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị một lần nữa khẳng định: “Tháng năm qua đi, những dấu tích một thời bom đạn cày xới mảnh đất thân yêu này có thể bị phai mờ theo quy luật của thời gian, nhưng tầm vóc và ý nghĩa của “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" vẫn mãi âm vang trong tâm trí của mỗi con người Việt Nam nói riêng và nhân loại tiến bộ nói chung. Đặc biệt, những bài học kinh nghiệm được rút ra từ đây vẫn nguyên vẹn giá trị để nghiên cứu, vận dụng cho sự nghiệp xây dựng lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc hôm nay”.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, là bản anh hùng ca vang mãi cùng năm tháng của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Tham luận tại hội thảo, các nhà khoa học đã chỉ ra âm mưu đen tối của đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, huy động sức mạnh quân sự trong nước và đồng minh, liên tiếp triển khai các chiến lược chiến tranh, từ chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ đến Việt Nam hóa chiến tranh, sử dụng tất cả những vũ khí hiện đại nhất (trừ vũ khí nguyên tử) để quyết đưa Việt Nam trở lại “thời kỳ đồ đá”. Rốt cuộc, chúng không khuất phục được quân và dân ta. Với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, Mỹ quyết định sử dụng con bài chiến lược cuối cùng - mở cuộc tập kích quy mô lớn bằng máy bay B52 vào Hà Nội.
Thiếu tướng PGS, TS Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho hay: Chúng ta đều biết rằng, B52 là phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, có uy lực tàn phá và sát thương rất lớn, trong khi các loại vũ khí phòng không có trong trang bị của ta còn nhiều hạn chế. Mỹ hy vọng đòn đánh này sẽ làm cho “xương sống của Hà Nội mềm đi”.
Tuy nhiên, mọi mưu tính của Mỹ đã sai lầm. Gần 100% số B52 ở Đông Nam Á, 50% số B52 của quân đội Mỹ được huy động cho cuộc tập kích chiến lược này đã nhanh chóng chuốc lấy thảm bại trước sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh. Một cuộc đấu trí, đấu lực đỉnh cao trên mọi phương diện, một cuộc chiến tranh được toàn dân đồng lòng, chung sức chuẩn bị và chiến đấu, thế trận phòng không “thiên la địa võng” được thiết lập, với lực lượng phòng không ba thứ quân được bố trí đan xen để phối hợp, hỗ trợ nhau, tạo nên lưới lửa nhiều tầng, nhiều lớp chặn đánh “lũ cướp trời”.
Trong khói lửa khốc liệt của chiến tranh, nhiều ca khúc trữ tình vẫn ra đời, nhiều khúc dân ca vẫn âm vang trên các trận địa pháo sau mỗi trận đánh… thực sự là cốt cách văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc.Namara phải thừa nhận: Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam là do không hiểu con người, truyền thống và văn hóa Việt Nam.
Nhân tố quyết định làm nên chiến công oanh liệt
Thất bại trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, lấy quân đội Sài Gòn làm lực lượng xung kích trên chiến trường miền Nam, tiến hành bao vây phong tỏa các cảng biển miền Bắc... để gây khó khăn cho cuộc kháng chiến của ta.
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” giành được thắng lợi huy hoàng từ thử thách máu lửa chiến tranh trên nền tảng của chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự cách mạng Việt Nam, được phát huy và kế thừa từ truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc, nên những bài học kinh nghiệm về: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân, thế trận chiến tranh nhân dân; phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự gắn liền với phát triển nghệ thuật quân sự; xây dựng và rèn luyện bản lĩnh và ý chí kiên cường trong khó khăn, gian khổ và hy sinh cho mỗi cán bộ, chiến sỹ; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại… vẫn còn vẹn nguyên giá trị. |
Tuy nhiên, những toan tính của Mỹ vẫn không mang lại một thắng lợi nào có ý nghĩa chiến lược, mà còn bị thảm bại ở Đường 9 - Nam Lào (1971). Nhạy bén với tình hình, Trung ương Đảng ta nhận định, những thắng lợi trên chiến trường và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 1972 thực sự là thời cơ thuận lợi để đẩy mạnh đấu tranh trên các mặt, giành thắng lợi cao nhất, buộc Mỹ phải chấp nhận chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, rút hết quân viễn chinh về nước, làm thay đổi căn bản cục diện chiến tranh.
Theo đó, ta mở cuộc tiến công chiến lược 1972, giành thắng lợi lớn, trong đó đã giải phóng cơ bản tỉnh Quảng Trị. Thắng lợi này đã đưa đến việc Mỹ chấp nhận văn bản Hiệp định Pari (do ta soạn thảo) và định ngày ký kết. Nhưng sau khi trúng cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ II, Nichxơn đã trở mặt, tìm mọi cách trì hoãn việc ký kết và bất ngờ mở cuộc tập kích bằng không quân với quy mô lớn nhất vào miền Bắc, nhằm làm tê liệt Hà Nội, Hải Phòng và phá hủy khả năng của miền Bắc chi viện cho miền Nam, ép buộc ta phải nhân nhượng theo điều kiện có lợi cho Mỹ.
Lường định âm mưu xảo trá của Mỹ, ngay từ nhiều năm trước, Bác Hồ đã dự báo: “Trước khi chịu thua thế nào Mỹ cũng tàn phá Hà Nội như chúng đã làm với Bình Nhưỡng, thủ đô nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên trước khi chuẩn bị ký hiệp định đình chiến”.
Do vậy, ngay từ khi miền Nam mở cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), Quân ủy Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến chống địch tập kích bằng máy bay B52 vào thủ đô Hà Nội. Bản dự thảo cách đánh B52 đầu tiên được hoàn thành vào tháng 1/1969. Khi quân và dân miền Nam mở cuộc tiến công chiến lược 1972, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp tục nghiên cứu, triển khai kế hoạch đánh B52 và biên soạn tài liệu huấn luyện cách đánh B52 cho bộ đội.
Đầu tháng 9/1972, kế hoạch chiến dịch phòng không đánh B52 đã hoàn tất và được phê chuẩn (11/1972). Đặc biệt hơn, ngay khi cuộc chiến đấu còn đang diễn ra ác liệt, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, như: Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng - Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng… đã trực tiếp xuống trận địa chỉ đạo và động viên tinh thần bộ đội và nhân dân. Sự chỉ đạo kịp thời, chính xác, linh hoạt, khẩn trương và kiên quyết đó thực sự là căn nguyên, nhân cốt nâng sức mạnh và trí tuệ Việt Nam lên gấp bội phần để quân và dân ta làm nên một “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vang động khắp năm châu, bốn biển, đập tan nỗ lực quân sự cuối cùng của Mỹ, buộc chúng phải ký hiệp định Pari. Đúng như lời đồng chí Lê Duẩn: “Trong những lúc gặp vô vàn khó khăn và đứng trước tình thế hiểm nghèo, nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng ta, nhờ sức chiến đấu anh dũng và sự nỗ lực phi thường của quân và dân ta, cách mạng Việt Nam đã vượt qua mọi thử thách, tiến lên những bước nhảy vọt”.
Minh chứng cho luận điểm này, các tham luận của các tác giả: Nguyễn Thành Cung, Nguyễn Tiến Quốc, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Trọng Hoan đã luận giải điều này.
Thành công lớn của nghệ thuật chiến dịch
Làm rõ chủ đề này, các tham luận của các tác giả: Phương Minh Hòa, Quách Như Thành, Phạm Tuân, Nguyễn Văn Phiệt, Phí Quốc Tuấn, Đặng Đình Tuấn, Trần Văn Thanh, Nguyễn Đình Kiên, Hoàng Đức Sinh, Đỗ Hải Âu, Điền Văn Chuẩn… cho rằng: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, quân và dân ta đã chủ động chuẩn bị lực lượng và thế trận phòng không nhân dân ngay từ những ngày đầu khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.
Về bộ đội chủ lực, bên cạnh lực lượng cao xạ tầm thấp và tầm cao, những đơn vị tên lửa phòng không, ra đa và không quân không ngừng lớn mạnh. Trên khắp các địa bàn, từ thành phố, thị xã đến nông thôn đều có các đơn vị phòng không tại chỗ với hệ thống trận địa thường xuyên có lực lượng trực chiến ngày đêm. Hầu hết lực lượng này đều được trực tiếp thử thách qua những tháng năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ. Đặc biệt hơn, ngay từ năm 1966, bộ đội tên lửa phòng không đã vào tuyến lửa Vĩnh Linh “phục kích” để đánh B52 Mỹ, đúc rút kinh nghiệm, xây dựng “cẩm nang” huấn luyện cách đánh cho toàn quân.
Với sự chủ động chuẩn bị chu tất về mọi mặt như vậy, nên khi Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn vào Hà Nội, một thế trận chiến dịch phòng không hoàn chỉnh và vững chắc nhanh chóng được thiết lập; với 30 trận địa tên lửa, trên 100 trận địa cao xạ các loại và còn rất nhiều vị trí triển khai chiến đấu khác. Với thế trận này, tất cả các lực lượng, tất cả các binh chủng đã phát huy khả năng chiến đấu tạo sức mạnh tổng hợp để thắng địch, kết hợp cách đánh tập trung hiệp đồng tiêu diệt lớn ở khu vực trọng điểm với cách đánh liên tục tại chỗ rộng khắp các địa bàn.
Chính thế trận của chiến tranh nhân dân đã tạo cho chiến dịch một hệ thống hỏa lực hoàn chỉnh có thể đánh địch liên tục từ xa đến gần, ở mọi tầm cao, từ nhiều phía, gây cho địch lúng túng không thể cơ động tránh đạn được. Với 25/34 pháo đài bay B52 và hàng chục “thần sấm”, “con ma” khác nữa của không lực Hoa Kỳ bị bắn rơi trên bầu trời Thủ đô trong 12 ngày đêm thực sự là minh chứng hùng hồn cho thành công lớn của Chiến dịch Phòng không Hà Nội cuối tháng 12/1972. Thành công của chiến dịch này là sự đóng góp rất quan trong cả về lý luận và thực tiễn cho Nghệ thuật chiến dịch phòng không Việt Nam trên nền tảng chiến tranh nhân dân.
Tầm cao trí tuệ Việt Nam
Trận “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội” cuối tháng 12/1972 không chỉ là cuộc đọ sức với số lượng lớn máy bay trong mỗi trận đánh, mà còn thực sự là cuộc đấu trí tuệ với vũ khí, phương tiện chiến tranh công nghệ cao nhất của Mỹ. Điểm mấu chốt về thiết bị kỹ thuật của B52 là khả năng phát nhiễu vô hiệu hóa ra đa trinh sát của ta, đồng thời phát hiện ra đa của ta để tiêu diệt. Để đánh thắng B52, bên cạnh việc phải nghiên cứu cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật và tìm ra cách đánh thích hợp, điểm nhấn ở đây là phải tìm ra đối phó kịp thời và hiệu quả với màn nhiễu dày đặc, nhận rõ mục tiêu để tiêu diệt chúng.
Thiếu tướng Phan Thanh Giảng, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Phòng không Không quân cho biết: Nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ mang tầm chiến lược này, tuy còn nhiều khó khăn về phương tiện trang bị kỹ thuật, nhưng ngay từ những năm 1968 - 1970, đội ngũ cán bộ trinh sát nhiễu của Quân chủng Phòng không Không quân đã vào chiến trường Quân khu 4 và Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh để theo dõi, nghiên cứu, thử nghiệm và phát hiện trong số ra đa ta đang sử dụng có một loại mà máy bay B52 không gây nhiễu được.
Ngay sau đó, một đề tài nghiên cứu cải tiến kỹ thuật được triển khai: Dùng loại ra đa không bị B52 gây nhiễu ghép nối với đài điều khiển phục vụ cho bộ đội tên lửa đánh B52 - Bộ khí tài “vạch nhiễu tìm thù” - mang ký hiệu KX phục vụ cho lực lượng phòng không đánh máy bay Mỹ ra đời. Qua nhiều lần thử nghiệm, trong đó có lần thử nghiệm tại tuyến lửa Quảng Bình thành công, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân đã quyết định lắp ráp thêm 6 bộ KX để trang bị cho các đơn vị tên lửa tác chiến ở thủ đô Hà Nội. Có thể khẳng định rằng, khí tài KX ra đời là một thành tựu rất quan trọng của nền khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự Việt Nam; là một trong những yếu tố có tính quyết định góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và minh chứng cho trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
40 năm đã đi qua kể từ khi sự kiện “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” kết thúc với thắng lợi huy hoàng, thông qua những tư liệu, số liệu và cả những nhận định, đánh giá từ cả hai bên công bố dưới những dạng thức khác nhau, bằng sự công tâm suy ngẫm đầy trăn trở và trách nhiệm cao của mình, trong tham luận gửi đến Hội thảo các tác giả đã tập trung nêu bật tầm vóc, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chủ động chuẩn bị về mọi mặt và cuộc chiến đấu cam go, thử thách khốc liệt với cuộc tập kích không quân chiến lược có quy mô lớn nhất, phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất trong lịch sử chiến tranh không quân của quân đội Hoa Kỳ trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972. Sự nhìn nhận, phân tích, đánh giá và khẳng định này không dừng lại chỉ ở phạm vi nghiên cứu tổng kết trong nước, mà còn được nhiều chính khách, giới nghiên cứu khoa học nước ngoài và của chính nước Mỹ công bố.
Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn