18 ngày không có ca nhiễm mới SARS-CoV-2; học sinh cả nước tới trường

Tính đến chiều 4/5 là tròn 18 ngày Việt Nam tiếp tục không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 nào trong cộng đồng. 4/5 cũng là ngày đầu tiên học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ dịch, các trường và các địa phương áp dụng các biện pháp chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn.

Không ca nhiễm mới, 5 bệnh nhân chuẩn bị xuất viện

Chú thích ảnh

Theo thống kê tới chiều 4/5 của Bộ Y tế, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) của nước ta hiện là 27.409 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 238, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.871; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 21.300 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 4/5 vó thêm 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là: BN170 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình; và BN166 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình.

Trong các ca đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 10 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2 là 11 ca.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 5 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại đây sẽ được ra viện vào ngày 5/5. Đặc biệt, trong số đó có 2 bệnh nhân đã tái dương tính với virus SARS-CoV-2 và phải quay lại bệnh viện theo dõi, nay cũng đã hoàn toàn khỏe mạnh. Các bệnh nhân này đều có sức khỏe ổn định, không ho, không sốt, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh và sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Trong khi đó, bệnh nhân 91 – phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã 4 ngày liên tiếp có kết quả âm tính với COVID-19, nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất nặng. Hiện tình trạng mạch và huyết áp của bệnh nhân 91 ổn định, không sốt. Kết quả xét nghiệm PCR ngày 3/5 âm tính với COVID-19, tuy nhiên qua siêu âm phổi cho thấy phổi phải mặt trước có tràn khí màng phổi; phổi trái thùy dưới còn đông đặc, không dịch màng phổi. Theo đó, bệnh nhân 91 vẫn đang được tiếp tục thở máy, dẫn lưu khí màng phổi, dùng kháng sinh phổ rộng và lọc máu, can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).

Không lơ là khâu phòng dịch khi học sinh quay lại trường

Chú thích ảnh
Học sinh trường Trung học cơ sở Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trong ngày đầu đến lớp sau kỳ nghỉ do dịch COVID-19. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Ngày 4/5 đánh dấu sự kiện tại các địa phương, tỉnh, thành phố, học sinh đi học trở lại sau đợt nghỉ dài do dịch COVID-19. Trong lúc đa số học sinh hào hững Học sinh hào hứng trở lại trường, chấp hành nghiêm quy định phòng, chống COVID-19 thì các trường, các địa phương tích cực áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế tối đa việc lây nhiễm. Các trường thực hiện đo nhiệt độ cho học sinh, yêu cầu học sinh giãn cách, tổ chức chia ca cho các lớp học, trang bị khẩu trang, dụng cụ sát khuẩn, kính chống bắn giọt… và vệ sinh phòng học, bề mặt, dụng cụ học tập…

Chiều 4/5, Bộ trường Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã tới thăm học sinh và giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) trong ngày đầu đến trường sau thời gian tạm nghỉ phòng, chống dịch COVID-19.

Động viên giáo viên và học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, thời gian qua, ngành giáo dục đã thể hiện tinh thần vượt khó, sự nỗ lực, kiên trì để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa dạy và học trong điều kiện khó khăn.

Bộ trưởng cũng lưu ý, dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, vì vậy toàn ngành cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, bảo vệ an toàn cho học sinh, giáo viên.

“Các trường cần lưu ý cách bố trí, sắp xếp học sinh trong từng lớp học đảm bảo an toàn; Các thầy cô cần để ý tới học sinh trong quá trình chơi. Chúng ta làm nghiêm nhưng tùy vào tình hình, điều kiện để thực hiện, tránh làm máy móc. Ngoài ra, sau thời gian nghỉ dài với không ít khó khăn, áp lực, mỗi nhà trường cần quan tâm hỗ trợ tâm lý cho học sinh, giáo viên”, Bộ trưởng nói.

Linh hoạt khâu đánh giá, tuyển sinh

Trao đổi tại chuyến thăm thầy và trò trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, 1 - 2 tuần đầu học sinh đi học trở lại, các nhà trường cần tập trung rà soát, đánh giá kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình trong thời gian nghỉ dịch, từ đó có kế hoạch củng cố lại kiến thức đã học, trang bị kiến thức mới.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ động viên học sinh trường THPT Phan Đình Phùng. Ảnh: Minh Thu

“Ngoài lớp 9, lớp 12, các khối lớp khác có thể xem xét kéo dài nội dung học tới đầu năm học mới nếu cần thiết. Đề kiểm tra, đề thi học kỳ II phải có nội dung phù hợp, có thể kết hợp nhiều hình thức kiểm tra đánh giá linh hoạt, không bắt học sinh phải làm dồn dập quá nhiều bài kiểm tra, dẫn tới căng thẳng không cần thiết”, Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tới việc tiếp tục phát huy hiệu quả dạy và học trực tuyến thời gian qua để áp dụng trong giai đoạn hiện tại và tiếp theo, bởi đây không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là cơ hội để hướng tới nền giáo dục số.

Theo Bộ trưởng, với việc triển khai dạy học trực tuyến thời gian qua, học sinh có ý thức tự học, giáo viên nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin, tương tác giữa gia đình và nhà trường hiệu quả. Qua thực tiễn dạy học trực tuyến phải được rút ra bài học và thành quả của việc này để tiếp tục duy trì.

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng cho hay, kỳ thi năm 2020 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Để tạo điều kiện cho học sinh yên tâm ôn tập, Bộ sẽ sớm ban hành bộ đề thi tham khảo, quy chế thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh năm 2020. Tinh thần là đề thi năm nay sẽ nhẹ nhàng hơn so với năm ngoái nhưng Bộ sẽ vẫn đảm bảo giám sát và quản lý chặt chẽ, nghiêm túc tất cả các khâu của kỳ thi, đảm bảo một kỳ thi công bằng.

Bộ trưởng mong muốn, các thầy cô giáo sẽ hỗ trợ, động viên học sinh lớp 12 để các em ôn tập tốt, yên tâm hướng tới kỳ thi. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp cho học sinh để các em thấy được hướng đi phù hợp, hiệu quả cho tương lai.

Chiều tối 4/5, ĐH Quốc gia Hà Nội thông báo về phương án tuyển sinh năm 2020. Trên cơ sở phân tích các thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như xem xét việc giảm áp lực cho thí sinh do phải tham dự nhiều kì thi trong tình hình dịch COVID-19 kéo dài, ĐH Quốc gia Hà Nội quyết định không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh riêng của ĐH Quốc gia Hà Nội mà sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

Như vậy, phương án tuyển sinh của ĐH Quốc gia năm nay về cơ bản không thay đổi, mà ổn định như năm 2019, theo 3 phương án: Mở rộng các đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định, hướng dẫn của ĐH Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2020; Xét tuyển các thí sinh sử dụng các chứng chỉ quốc tế SAT, A - Level, IELTS và các tiêu chí phụ khác (các đơn vị đào tạo sẽ quy định cụ thể theo yêu cầu của các chương trình đào tạo).

Trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 kéo dài, cản trở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức xét tuyển dựa theo kết quả học tập bậc THPT kết hợp với hình thức kiểm tra đánh giá từ xa.

Hơn 500 tỷ đồng đã đến với đối tượng gặp khó khăn tại Hà Nội

Chú thích ảnh
Hà Nội đã chi trả hơn 500 tỷ đồng cho các đối tượng gặp khó khăn vì dịch COVID-19, đạt 65,4%. Ảnh: Trung Nguyên

Chiều 4/5, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) khẳng định, tính đến ngày 3/5, toàn TP Hà Nội đã chi trả hơn 505 tỷ đồng (đợt 1) cho 3 đối tượng: người có công với cách mạng; hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng nhận bảo trợ xã hội.

Tổng số 3 đối tượng thụ hưởng của TP Hà Nội là 414.922 người. Tính đến ngày 3/5, TP đã chi trả cho 271.479/414.922 đối tượng (đạt 65,4%).

PV/Báo Tin tức
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Toàn ngành vẫn cần rất cảnh giác với dịch COVID-19
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Toàn ngành vẫn cần rất cảnh giác với dịch COVID-19

Chiều 4/5, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đến thăm học sinh và giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) trong ngày đầu đến trường sau thời gian tạm nghỉ phòng, chống dịch COVID-19. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN