Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 450,02 điểm (1,18%) lên 38.675,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,26% lên 5.127,79 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,99% lên 16.156,33 điểm.
Tính chung tuần này, chỉ số Dow Jones và Nasdaq đã tăng lần lượt là 1,14% và 1,43%, còn chỉ số S&P 500 cộng thêm 0,55%.
Báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp công bố ngày 3/5 cho thấy lĩnh vực này đã bổ sung thêm 175.000 việc làm trong tháng 4/2024, thấp hơn so với mức dự kiến 240,000 việc làm của các nhà kinh tế đưa ra. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 3,9% so với mức 3,8% trong tháng trước đó. Mức lương cũng tăng ít hơn dự kiến, một dấu hiệu đáng khích lệ cho lạm phát.
Bà Emily Roland, đồng giám đốc chiến lược đầu tư của John Hancock Investment Management, cho biết điều này đã làm giảm bớt lo ngại của các nhà đầu tư rằng nền kinh tế có thể đang quá nóng hoặc tăng tốc trở lại, đồng thời làm hồi sinh hy vọng về việc cắt giảm lãi suất. Tin xấu cho thị trường việc làm có nghĩa là Fed có thể bắt đầu cắt giảm vào cuối năm nay. Lãi suất giảm, trái phiếu và thị trường chứng khoán tăng giá.
Sau báo cáo việc làm tháng Tư tăng yếu hơn dự kiến và mức tăng lương khiêm tốn, các nhà giao dịch dự đoán sẽ có hai đợt cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Theo công cụ FedWatch của CME Group, khoảng 50% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng 9/2024.
Trong số các công ty công nghệ lớn, cổ phiếu Apple đã phục hồi gần 6% sau thông báo kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 110 tỷ USD chưa từng có, cùng với báo cáo kết quả kinh doanh trái chiều. Cổ phiếu của công ty công nghệ sinh học Amgen tăng gần 12% sau báo cáo lợi nhuận tốt hơn dự kiến và đưa ra thông tin cập nhật tích cực về một loại thuốc điều trị béo phì đang thử nghiệm.
Xu hướng tăng điểm phần lớn bao trùm thị trường chứng khoán tuần qua nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu công nghệ và sau khi đón nhận thông tin về quyết định lãi suất của Fed.
Trong phiên ngày 1/5, chứng khoán Phố Wall đồng loạt tăng điểm sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 5,25%-5,50%.
Theo nhà kinh tế trưởng Peter Cardillo của công ty chứng khoán Spartan Capital Securities ở New York (Mỹ), động thái trên của Fed đúng như dự kiến trước đó của thị trường trong bối cảnh tình hình lạm phát của Mỹ chưa có sự ổn định như kỳ vọng.
Đà tăng này được nối dài sang phiên 2/5 khi các nhà đầu tư cân nhắc đường hướng chính sách lãi suất ôn hòa hơn dự kiến của Fed. Phiên này, chỉ số Nasdaq dẫn đầu đà tăng, nhờ sự thúc đẩy mạnh mẽ từ nhóm cổ phiếu của các nhà sản xuất chip sau khi Qualcomm báo cáo doanh thu và lợi nhuận hàng quý cao hơn dự báo của các nhà phân tích.
Hiện nay, các thị trường đang tiếp tục phân tích phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 2/5 rằng động thái chính sách tiếp theo của ngân hàng trung ương này sẽ là hạ lãi suất, sau khi giữ nguyên tại cuộc họp vừa qua. Tuy nhiên, ông Powell lưu ý số liệu lạm phát gần đây cho thấy lần cắt giảm lãi suất đầu tiên có thể phải chờ thêm một thời gian dài nữa.
Ông Paul Nolte, chiến lược gia thị trường tại công ty quản lý tài sản Murphy & Silvest, có trụ sở ở Elmhurst, Illinois, cho rằng phát biểu của quan chức Fed đánh đi tín hiệu rằng xu hướng trong thời gian tới của ngân hàng trung ương Mỹ vẫn là giữ ổn định hoặc cắt giảm lãi suất. Theo ông Nolte, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào về sự suy yếu kinh tế hoặc lạm phát thấp hơn, Fed sẽ cắt giảm lãi suất.
Trước đó chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên đầu tuần 29/4 nhờ đợt phục hồi kéo dài từ tuần trước của nhóm cổ phiếu công nghệ, dẫn đầu là Tesla. Cổ phiếu của Tesla đã tăng giá hơn 15%, sau khi các mẫu xe sản xuất tại Trung Quốc của hãng được liệt vào danh sách các loại xe điện đáp ứng yêu cầu bảo mật dữ liệu đối với ô tô thông minh của nước này.
Nhà phân tích Patrick O'Hare của chuyên trang tài chính Briefing.com cho biết cổ phiếu Tesla đang trải qua một “cơn sốt” phục hồi rõ ràng, lưu ý rằng giá cổ phiếu này đã tăng gần 40% so với tuần trước.