Phân tích của nhà cung cấp thông tin thị trường Alphasense cho thấy, trong các cuộc họp trực tuyến công bố lợi nhuận trong 180 ngày tính đến ngày 2/8 có 808 cuộc đề cập đến việc mua lại cổ phiếu, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và là cao nhất kể từ cuối năm 2016.
Tại Mỹ, nơi mà việc mua lại cổ phiếu phổ biến hơn nhiều so với tại châu Âu, các thị trường chứng khoán đã tăng gấp gần ba lần so với các thị trường chứng khoán châu Âu trong thập kỷ qua.
Việc những khác biệt trong cách trả thưởng cho nhà đầu tư ảnh hưởng đến mức nào tới việc các thị trường châu Âu tăng trưởng nhanh hơn so với thị trường Mỹ là điều khó xác định.
Tuy nhiên, hoạt động mua lại cổ phiếu là một nguyên nhân, khi điều này làm tăng nhu cầu và giảm nguồn cung cổ phiếu của một công ty. Việc lượng cổ phiếu giảm cũng làm tăng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu, thậm chí khi tổng lợi nhuận ròng ổn định.
Theo nhà quản lý danh mục đầu tư tại Janus Henderson, Tom O'Hara, việc hướng tới mua lại cổ phiếu một cách ổn định sẽ tạo động lực cho châu Âu, có thể giúp giá cổ phiếu có sự điều chỉnh mạnh.
Một loạt các doanh nghiệp và lĩnh vực đã thông báo việc mua lại cổ phiếu, từ nhà bán lẻ Carrefour đang bắt đầu mua lại lần đầu tiên trong một thập kỷ đến chương trình trị giá 2,2 tỷ USD của tập đoàn sản xuất thép ArcelorMittal.
Danh sách trên cũng có tên tập đoàn dầu mỏ Royal Dutch Shell, công ty bảo hiểm Allianz, nhà sản xuất chip TMicro và tập đoàn thực phẩm Danone.
Goldman Sachs gần đây đã nâng dự báo giá cổ phiếu tại châu Âu và Anh, với một trong những nguyên nhân là hoạt động mua lại cổ phiếu.
Morgan Stanley ước tính ít nhất các chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 35 tỷ USD đã được thông báo trong mùa báo cáo lợi nhuận này và dự báo hoạt động của năm 2021 sẽ vượt mức đỉnh 100 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2019.