"Mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc được xem lý tưởng, có độ tin cậy cao, có sự tương đồng về văn hoá và lịch sử. Việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 ở Hà Nội cho thấy, Việt Nam có vai trò quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai miền Nam và Bắc Triều Tiên. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là vấn đề lớn được cả thế giới quan tâm hiện nay và dòng vốn đầu tư đang có sự chuyển hướng sang Việt Nam", đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyon nói.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm nay sẽ có hơn 8.000 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc. Riêng Công ty Samsung Electronics đang đầu tư vào Việt Nam với tỷ trọng xuất khẩu chiếm đến 25% tổng lượng xuất khẩu quốc gia. Một số doanh nghiệp khác đang có nhà máy tại Việt Nam tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc gồm LG, POSCO, CJ và Hyosung cũng đã có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Bởi vậy, ông Kim Do Hyon cho rằng: Việt Nam cần có các chính sách kinh tế tài chính linh hoạt, chủ động để nắm bắt những cơ hội; đồng thời hy vọng thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức tài chính nước ngoài đầu tư vào Việt Nam; quan tâm, thúc đẩy hơn các lĩnh vực mua bán sáp nhập doanh nghiệp, Fintech, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án công nghiệp….
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, về lĩnh vực đầu tư, Hàn Quốc đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong 5 năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký của Hàn Quốc luôn duy trì ở mức 7- 9 tỷ USD/năm.
Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với tổng số vốn đạt hơn 63,7 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư). Cùng với chính sách “hướng Nam” mới của Hàn Quốc, thời điểm hiện nay đang là giai đoạn khởi đầu cho xu hướng đầu tư vào Việt Nam với chiến lược đầu tư công nghệ và kỹ thuật.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay: Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia, trong đó có các tập đoàn của Hàn Quốc như: Samsung, LG, Lotte. Trong 30 năm qua, đã có trên 27 nghìn dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt trên 335 tỷ USD, trong đó tổng vốn thực hiện đạt 185 tỷ USD. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một thành phần kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Về thương mại, Hàn Quốc hiện là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 65,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 18,20 tỷ USD, tăng 22,8% và nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 47,5 tỷ USD, tăng hơn 1% so với năm 2017.
“Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung cải cách thể chế, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nói.
Tại Hội nghị Kinh tế và Tài chính quốc tế lần thứ 8 tổ chức ở Hà Nội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài Chính Việt Nam, Tạp chí Edaily Hàn Quốc, Ủy ban Giám sát Tài chính (UBGSTC) Quốc gia Hàn Quốc tổ chức mới đây, Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch UBGSTC của Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tham gia vào quá trình cổ phần hóa của Việt Nam, tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng và cung ứng dịch vụ tài chính ứng dụng Fintech tại Việt Nam.
Theo ông Hà Huy Tuấn, để tận dụng cơ hội và vượt qua thử thách trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cần phác thảo mô hình "hợp tác Hàn-Việt 2.0" trong đó sự hợp tác chia sẻ kinh nghiệm giữa cộng đồng doanh nghiệp và khoa học hai nước sẽ thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của cả 2 quốc gia
Chia sẻ thông tin về lĩnh vực tài chính ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Kim Anh cho biết: Hàn Quốc là một trong những quốc gia có hiện diện ngân hàng nhiều nhất trên thị trường Việt Nam với 2 ngân hàng vốn nước ngoài, 8 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 6 văn phòng đại diện và 2 công ty cho thuê tài chính. Hợp tác giữa hai nước về tài chính ngân hàng không chỉ gói gọn trong phạm vi hợp tác đầu tư mà còn trong quan hệ trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau trong cả chuyên môn, nghiệp vụ và tăng cường năng lực cán bộ giữa hai bên.