Khép phiên này, giá dầu Brent biển bắc tăng 41 xu (0,5%) lên 86,81 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 37 xu (0,5%) lên 83,19 USD/thùng.
Tính theo tuần, giá hai loại dầu chủ chốt này đều tăng 0,5%.
IEA đã ước tính nhu cầu dầu toàn cầu đạt mức kỷ lục 103 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2023 và có thể leo lên một “đỉnh” khác trong tháng này. Theo IEA, trong năm 2023, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày lên 102,2 triệu thùng/ngày, trong đó Trung Quốc chiếm 70% mức tăng trưởng này.
Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đang tăng cao kỷ lục nhờ nhu cầu du lịch hàng không "bùng nổ" trong mùa Hè, Trung Quốc tăng cường sử dụng dầu trong sản xuất điện và hoạt động hóa dầu.
Trong khi đó, việc cắt giảm sản lượng từ Saudi Arabia và Nga đã tạo tiền đề cho lượng hàng tồn kho giảm mạnh trong thời gian còn lại của năm 2023, điều mà IEA cho rằng có thể đẩy giá dầu lên cao hơn nữa.
Ngày 10/8, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,44 triệu thùng/ngày trong năm nay, không thay đổi so với dự báo trước đó. OPEC cho biết triển vọng thị trường dầu mỏ có vẻ tốt trong nửa cuối năm nay.
Số liệu kinh tế Mỹ trong tuần này cũng góp phần củng cố tâm lý thị trường, thúc đẩy suy đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc đợt tăng lãi suất mạnh mẽ.
Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA cho biết việc cắt giảm nguồn cung và triển vọng kinh tế được cải thiện đã tạo ra sự lạc quan hơn cho các nhà đầu tư dầu.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý đến các dấu hiệu cho thấy động lực đang suy yếu sau một đợt phục hồi kéo dài.
Phiên 10/8, dầu Brent đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 1/2023, một ngày sau khi WTI đạt mức cao nhất trong năm nay, nhờ một số yếu tố thuận lợi hỗ trợ giá đi lên.
Các yếu tố này bao gồm thông tin kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh, cùng kế hoạch cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga giúp bù đắp cho những lo ngại về nhu cầu tăng chậm của Trung Quốc.
Số liệu thống kê của chính phủ cho thấy dự trữ xăng của Mỹ giảm 2,7 triệu thùng trong tuần trước. Dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, cũng giảm 1,7 triệu thùng. Những diễn biến này đều trái ngược dự đoán của các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters là cả hai đa phần không biến động.
Ông Andrew Lipow, Chủ tịch công ty tư vấn đầu tư Lipow Oil Associates nhận định việc lượng dự trữ các sản phẩm tinh chế giảm tiếp tục thúc đẩy thị trường dầu mỏ tăng giá. Giới giao dịch phần lớn không quan tâm đến dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 5,85 triệu thùng trong cùng giai đoạn, cao hơn dự kiến và tiếp sau mức giảm kỷ lục của tuần trước đó.
Lần gần nhất dầu Brent tăng trong bảy tuần liên tiếp là vào tháng 1-tháng 2/2022, trước khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.
Giá dầu thế giới cũng tăng trong phiên giao dịch 8-9/8 sau khi EIA dự báo triển vọng kinh tế sẽ khả quan hơn làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Tuy nhiên, số liệu cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm đã hạn chế đà tăng của giá dầu. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 7/2023 giảm 18,8% so với tháng trước đó, song vẫn tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chiyoki Chen, nhà phân tích của công ty môi giới Sunward Trading, nhận định rằng đà tăng giá dầu đang gặp khó do những lo ngại kéo dài về sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Trung Quốc và nhu cầu nhiên liệu của nước này. Ngoài ra, nhu cầu dầu mỏ có thể chậm lại ở Mỹ và châu Âu nếu các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất. Ông Chen dự đoán giá dầu WTI sẽ giao dịch trong khoảng 75-85 USD/thùng trong tháng này.
Trong khi đó, EIA dự kiến giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 86 USD/thùng trong nửa cuối năm 2023, tăng khoảng 7 USD so với dự báo trước đó.
Bất chấp dữ liệu ảm đạm, một số nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc từ tháng Tám đến đầu tháng 10/2023.