Tỷ giá yen/USD vượt ngưỡng 130 lần đầu tiên kể từ năm 2002

Trong phiên giao dịch chiều 28/4, tỷ giá của đồng yen đã vượt ngưỡng 130 yen/USD sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Chú thích ảnh
Đồng yên của Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào lúc 14 giờ 42 (giờ địa phương), tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền ở thị trường Tokyo đứng ở mức 130,20-130,23 yen/USD. Đây là lần đầu tiên đồng nội tệ của Nhật Bản mất giá mạnh như vậy so với đồng bạc xanh của Mỹ kể từ tháng 4/2002.  

Trước đó chưa đầy một giờ, Hội đồng Chính sách BoJ đã kết thúc phiên họp thường kỳ tháng Tư với quyết định nâng dự báo lạm phát ở nước này trong tài khóa 2022 từ 1,1% lên 1,9%, nhưng lại giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0% để hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch. Điều này khiến cho các nhà đầu tư lo ngại khoảng cách về lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục nới rộng nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong phiên họp sắp tới để đối phó với lạm phát, dẫn tới việc bán tháo đồng yen.

Bình luận về vấn đề này, ông Takuya Kanda, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Gaitame.com, nói: “BoJ không chỉ duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng mà còn theo cách quyết liệt hơn nữa khi đề xuất mua vào không giới hạn trái phiếu. Động thái này gây ấn tượng mạnh với các nhà đầu tư rằng chính sách của BoJ đang đi theo hướng ngược với các ngân hàng trung ương chủ chốt khác”.

Kể từ đầu tháng 3 tới nay, đồng yen đã liên tục giảm giá so với đồng bạc xanh của Mỹ. Việc đồng yen giảm giá có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản bởi vì, nó làm tăng lợi nhuận thu được từ hoạt động xuất khẩu khi quy đổi ra đồng yen và làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Nhật Bản trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến giá cả hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn trong khi Nhật Bản vẫn phải nhập khẩu năng lượng và nhiều nguyên liệu khác. Giá cả năng lượng và nhiều nguyên liệu này đã tăng cao sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ở Nhật Bản phải đối mặt với cú sốc kép về giá.

Bất chấp việc đồng yen mất giá, thị trường chứng khoán Tokyo vẫn tăng khá tích cực. Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/4, chỉ số Nikkei-225 tăng 1,75% so với phiên trước lên 26.847,9, trong khi chỉ số Topix cũng tăng 2,09% lên 1.899,62 điểm.

Đào Thanh Tùng (PV TTXVN tại Tokyo)
Thị trường kim loại quý liệu có còn là kênh trú ẩn an toàn sau khi Fed tăng lãi suất?
Thị trường kim loại quý liệu có còn là kênh trú ẩn an toàn sau khi Fed tăng lãi suất?

Những mặt hàng như bạc và bạch kim vốn được coi là kênh trú ẩn an toàn hàng đầu hiện không tránh khỏi mức biến động lớn do lo ngại về các thay đổi trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN