“Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đang muốn sử dụng cuộc chiến thương mại để giành lợi thế trước đối thủ trong cuộc vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Do đó, chiến tranh thương mại chưa thể kết thúc năm 2020. Điều này chắc chắn sẽ tiếp tục tác động mạnh đến USD và CNY trong năm 2020, qua đó gây sức ép tới VND.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam năm nay có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do sụt giảm nhu cầu toàn cầu, do đó nguồn thu từ xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ không còn được tích cực như năm 2019. Thậm chí, Chính phủ còn dự kiến sẽ nhập siêu khoảng 3% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020. Ngoài ra, vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam được dự báo giảm, kiều hối cũng khó khăn hơn do kinh tế toàn cầu chưa phục hồi mạnh mẽ. Đặc biệt, áp lực lạm phát lớn hơn cũng tạo sức ép lớn đến tỷ giá…Tôi cho rằng, tỷ giá USD/VND có thể sẽ tăng khoảng 2 - 3% trong năm 2020”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Trước tình hình này, một số chuyên gia ngân hàng cho rằng: Nhu cầu ngoại tệ hiện chủ yếu phục vụ cho các hoạt động xuất nhập khẩu nên khả năng quay vòng vốn ngoại tệ của các ngân hàng trong việc mua bán USD và của doanh nghiệp có ngoại tệ thu từ xuất khẩu cần được thông suốt, không gây áp lực cung - cầu ngoại tệ. Điều này giúp doanh nghiệp và người dân củng cố niềm tin vào chính sách tỷ giá VND/USD của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian tới.
Về phía doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp có yếu tố xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ, đứng trước những biến động khó lường của tỷ giá, doanh nghiệp cần chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá, lãi suất, đặc biệt thông qua các sản phẩm phái sinh tiền tệ như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi…nhằm đảm bảo chủ động dòng tiền, có như vậy mới đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận như kế hoạch đề ra.
Theo Công ty chứng khoán MBS, NHNN vẫn phải cân đối mục tiêu ổn định vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu do đó không có động lực hạ giá hay tăng giá VND quá mạnh nếu không chịu sức ép từ lạm phát hoặc từ môi trường kinh tế thế giới.
Hiện mức chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND ở mức khá cao trong bối cảnh lạm phát duy trì ở hợp lý khiến người dân có xu hướng bán USD và nắm giữ VND, tạo điều kiện cho NHNN có thêm nhiều dư địa để duy trì mức tỷ giá VND/USD hợp lý. USD nhiều khả năng sẽ giữ xu hướng giao động đi ngang trong năm 2020 khi Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) sẽ giữ quan điểm giữ nguyên lãi suất sau 3 lần giảm trong năm 2019. Tăng trưởng Kinh tế Mỹ năm 2020 sẽ ở mức trung bình do đó không hỗ trợ cho đà tăng hay giảm của USD một cách rõ rệt. Điều này khiến sức ép lên VND không quá mạnh và do đó, MBS đánh giá NHNN sẽ tăng tỷ giá VND/USD thêm từ 1 - 1,5% năm nay, phù hợp với sự chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ trong năm 2020.
“Với những nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc như lạm phát thấp, cán cân thanh toán thặng dư, dự trữ ngoại hối cao... đặc biệt là việc Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các nước cần theo dõi về thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ, tỷ giá VND/USD năm 2020 được kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng ổn định”, TS Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) bày tỏ sự lạc quan.
Theo TS Nguyễn Đức Độ, các yếu tố ủng hộ tỷ giá ổn định sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2020 và một số năm tiếp theo dựa trên các yếu tố sau: Thứ nhất, kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thậm chí có thể rơi vào suy thoái trong năm 2020. Bởi vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng nhiều khả năng sẽ tiếp tục được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu và các ngân hàng Trung ương khác trên thế giới duy trì trong những năm tới. Nhờ đó, các dòng vốn gián tiếp nước ngoài chảy vào các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, được dự báo sẽ vẫn khả quan trong tương lai.
Thứ hai, việc kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, cùng với đó xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, từ đó giảm sức ép lên nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu cũng như máy móc. Đầu tư công giải ngân chậm cũng có tác động tương tự. Trong khi đó, xuất khẩu của khu vực trong nước có thể ít bị ảnh hưởng hơn vì thuộc các nhóm hàng hóa thiết yếu. Do đó, cán cân thương mại của Việt Nam trong năm 2020 được dự báo nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được sự cân bằng, thậm chí thặng dư.
Thứ ba, Chính phủ và NHNN sẽ vẫn tiếp tục ưu tiên chính sách ổn định kinh tế vĩ mô với lạm phát thấp và chính sách này hoàn toàn khả thi. Thực tế, trong nhiều năm trở lại đây cho thấy, lạm phát cơ bản có xu hướng ổn định vững chắc ở mức dưới 2%. Đây là tiền đề để lạm phát, CPI tổng thể được kiềm chế ở mức dưới 4%, bởi các biến động về giá xăng dầu, giá lương thực, thực phẩm thường chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Đặc biệt, với việc triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới chưa có những dấu hiệu khả quan trong những năm tới, giá các hàng hóa cơ bản nhiều khả năng cũng sẽ cũng sẽ ổn định và tốc độ tăng CPI sẽ xoay quanh mức lạm phát cơ bản. Chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và các nước ở mức thấp cũng sẽ tác động đến việc hạn chế nhu cầu điều chỉnh tỷ giá.
Thứ tư, về chính sách tỷ giá, NHNN Việt Nam hiện không có nhiều lý do để thực hiện chính sách đồng tiền yếu. Trước đây, hỗ trợ xuất khẩu là lý do thuyết phục nhất để NHNN điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, quy mô xuất khẩu của Việt Nam hiện đã vượt mức 100% GDP, tức là nếu Việt Nam sử dụng toàn bộ GDP để xuất khẩu thì vẫn không đủ. Quy mô xuất khẩu/GDP cao hàm ý rằng, đối với một số ngành, lĩnh vực có tiềm lực có thể dành cho xuất khẩu đã được sử dụng và để tăng xuất khẩu sẽ đòi hỏi phải tăng nhập khẩu tương ứng theo tỷ lệ 1:1, tức là chỉ xuất khẩu hộ các nước khác và phần giá trị gia tăng thu được sẽ không nhiều. Điều này khiến cho lợi ích của chính sách đồng tiền yếu đối với xuất khẩu và tăng trưởng bị giảm bớt trong khi các chi phí của việc phá giá đến nợ công, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn không thay đổi.