Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có những ý kiến xung quanh vấn đề này.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: DT |
Thưa ông, từ ngày 18/6 đến nay, tỷ giá có nhiều biến động, đến ngày 2/7 tăng hơn 1,2% so với cuối năm 2017. Ông cho biết nguyên nhân vì sao?
Tỷ giá tăng những ngày qua chủ yếu do một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng tăng theo xu hướng tăng của lãi suất thế giới trong khi lãi suất liên ngân hàng VND vẫn ở mức thấp khiến điểm chênh lệch lãi suất VND-USD tăng mức âm.
Thứ hai, một số yếu tố trong và ngoài nước tác động tới tâm lý thị trường như: Thị trường chứng khoán trong nước một số phiên giảm điểm mạnh, USD tăng giá trên thị trường thế giới.
Vậy NHNN sẽ có những chính sách điều hành ra sao, thưa ông?
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, lưu tâm đến lộ trình và tác động của việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và tác động của việc này, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, động thái của Ngân hàng trung ương Châu Âu và Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng như tình hình cung cầu ngoại tệ trong nước để điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp.
NHNN tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ khác, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Nếu cần thiết, NHNN sẽ bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá bán niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông đánh giá thế nào về tỷ giá và thị trường ngoại tệ 6 tháng đầu năm?
Tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong gần 5 tháng đầu năm tương đối ổn định nhờ thị trường trong nước và quốc tế có nhiều yếu tố thuận lợi như cán cân thương mại thặng dư, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân ở mức cao; một số thương vụ bán vốn thu hút lượng lớn vốn FDI vào Việt Nam; chỉ số USD Index thế giới ít biến động. Trong bối cảnh cung ngoại tệ dồi dào, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, góp phần củng cố an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và tăng khả năng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết.
Từ cuối tháng 5 đến nay, có một số ngày tỷ giá tăng khá nhanh nhưng thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, trạng thái ngoại tệ vẫn duy trì ở mức dương, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, mọi nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Giá bán USD dao động quanh ngưỡng 23.000 đồng/USD Khảo sát 10 ngân hàng có giao dịch ngoại tệ lớn ngày 2/7 cho thấy: Giá mua - bán USD đi ngang với mức giá bán tại các ngân hàng phổ biến quanh 23.000 đồng/USD. Giá mua thấp nhất duy trì ở mức 22.885 đồng/USD, giá mua cao nhất 22.945 đồng/USD. Trong khi đó, ở chiều bán ra, giá cao nhất là 23.030 đồng/USD, giá bán thấp nhất 22.990 đồng/USD.
Sáng nay, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 22.635 đồng, giảm 15 đồng so với phiên trước đó. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 23.314 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.956 đồng/USD. Tại Sở Giao dịch NHNN, giá USD mua vào ở mức 22.700 đồng/USD, trong khi giá bán ra được niêm yết thấp hơn giá trần 20 đồng, ở mức 23.294 đồng/USD. |