Dù vậy, với những diễn biến trong phiên cuối tuần qua, giới phân tích tới từ các công ty chứng khoán vẫn có cái nhìn khá lạc quan cho tuần giao dịch tới (từ 15 - 19/6).
Xu hướng thị trường có thể vẫn đi lên
Theo nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS, xu hướng tăng ngắn hạn của VN - Index vẫn được duy trì khi chỉ số này đóng cửa trên ngưỡng MA100 (đường trung bình di động 100 ngày) và ngưỡng hỗ trợ 840 điểm.
MBS cho rằng, lượng hàng được giải phóng trong 2 phiên cuối tuần qua là khá lớn. Bên cạnh đó, yếu tố tác động bất lợi từ thị trường quốc tế dường như đã qua khi các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới hồi phục trở lại vào phiên cuối tuần.
Tuần sau, các quỹ ETF (Quỹ hoán đổi danh mục) sẽ tiến hành cơ cấu danh mục và Hợp đồng tương lai tháng 6 sẽ đáo hạn. Các phiên rung lắc có thể diễn ra, tuy nhiên xu hướng thị trường vẫn là đi lên.
Trong khi đó, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, phiên cuối tuần, VN - Index mở cửa với tâm lý bán tháo của giới đầu tư, có thời điểm chỉ số này đã giảm sâu xuống mức 841.44 điểm nhưng dòng tiền bắt đáy chảy vào thị trường đã khiến đà giảm suy yếu. Xu hướng này kéo dài đến cuối phiên và khiến VN-Index chỉ còn giảm gần 3,85 điểm. Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên đột biến trước đó, biên độ dao động thu hẹp và độ rộng thị trường tiêu cực cho thấy xu hướng giảm điểm đang suy yếu dần.
“Với xu hướng dòng tiền nội tệ hỗ trợ thị trường, VN-Index sẽ vận động trong vùng điểm từ 860-900 trong giai đoạn tới”, BSC đánh giá.
Cũng có quan điểm khá lạc quan, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC dự báo trong phiên giao dịch tới, những nỗ lực hồi phục vào cuối phiên cuối tuần có thể tạo quán tính tăng điểm vào những phiên đầu tuần.
VCSC cho rằng, chỉ số đại diện VN - Index có thể sẽ kiểm định các kháng cự tại 870 - 885 điểm tùy thuộc vào sức mạnh của lực cầu giá cao. Sự giằng co sẽ diễn ra trên diện rộng khi VN - Index tiến vào ngưỡng cản này.
VCSC đưa ra hai kịch bản giao dịch của thị trường trong tuần tới. Theo đó, trong kịch bản khả quan, nếu chỉ số sàn HOSE có thể đóng cửa phía trong hoặc bên trên kháng cự này, thị trường vẫn còn khả năng tăng điểm sau đó để VN - Index kiểm định lại kháng cự MA200 tại vùng 900-910 điểm. Ngược lại, nếu VN - Index đảo chiều giảm điểm vào cuối phiên, kịch bản đảo chiều giảm điểm của thị trường sẽ được củng cố thêm.
Thực tế, sau 5 tuần tăng liên tiếp thị trường đã giảm trở lại trong tuần qua với khối lượng giao dịch cao kỷ lục. Kết thúc tuần giao dịch, VN - Index giảm 22,7 điểm (2,6%) xuống 863,52 điểm; HNX - Index giảm 1,169 điểm (1%) xuống 116,91 điểm. Thanh khoản tăng cao so với tuần trước đó, đạt khoảng hơn 8.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Dầu khí là nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất trong tuần qua với BSR giảm 10,3%, PVS (6,7%), PVD (5,3%), PLX (3,8%), PLX (3,6%), GAS (2,8%)...
Sở dĩ nhóm dầu khí giảm mạnh là do ngoài chịu tác động của thị trường chung đi xuống còn chịu thêm ảnh hưởng tiêu cực từ sự sụt giảm của giá dầu thế giới.
Theo đó, tuần vừa qua, giá dầu thế giới đã ghi nhận tuần giảm giá đầu tiên trong bảy tuần qua với mức giảm hơn 8%, trước những lo ngại về tình trạng dư cung và sự gia tăng trở lại số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ.
Tính chung cả tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 8,3%, trong khi giá dầu Brent giảm 8,4%, đánh dấu tuần giảm giá đầu tiên đối với cả hai loại dầu này kể từ tuần kết thúc vào ngày 24/4.
Bên cạnh đó, nhóm trụ cột thị trường là ngân hàng cũng giảm sâu với VPB giảm 5,7%, CTG (4,7%), VCB (3,8%), ACB (2,8%), MBB và TCB đều giảm 1,4%…
Nhóm cổ phiếu thực phẩm đồ uống diễn biến tiêu cực. Các mã vốn hóa lớn trong nhóm này như: MSN giảm 7,2%, SAB giảm 2,7%.
Các mã cổ phiếu họ Vingroup đều ở chiều giảm giá. Cụ thể, VIC giảm 1,3%, VHM giảm 3,1%, VRE giảm 9,2%.
Các mã cổ phiếu đầu ngành khác như FPT giảm 3,5%, BVH (2,5%), PNJ (6,5%)…
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội, tuần qua, VN-Index sau khi không thể vượt qua được ngưỡng kháng cự quanh 910 điểm trong bốn phiên liên tiếp đã phải điều chỉnh trở lại trong bối cảnh mà các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới cũng chìm trong sắc đỏ. Điểm tích cực trong tuần qua là việc khối quại quay trở lại mua ròng với gần 350 tỷ đồng trên hai sàn; trong đó, khối ngoại mua ròng 43,3 triệu chứng chỉ quỹ FUEVFVND và 11,7 triệu chứng chỉ quỹ FUESSVFL.
Chứng khoán thế giới đi xuống
Thị trường chứng khoán thế giới biến động khá thất thường trong tuần qua với những phiên tăng, giảm đan xen. Tuy nhiên, do phiên 11/6 hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới đều giảm rất sâu đã ảnh hưởng tới kết quả giao dịch chung của cả tuần.
Thực tế, đà giảm mạnh của chứng khoán Mỹ tuần qua là do thị trường đã phải trải qua phiên tồi tệ nhất (phiên 11/6) kể từ tháng Ba vì những lo ngại rằng số ca mắc COVID-19 tăng trở lại ở một số bang sẽ đe dọa sự phục hồi kinh tế của Mỹ, sau khi nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đóng cửa để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.861,82 điểm (6,9%) xuống 25.128,17 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng mất 188,04 điểm (5,89%) xuống 3.002,1 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 527,62 điểm (5,27%) xuống 9.492,73 điểm.
Chính phiên giao dịch ngày 11/6 đã đẩy Phố Wall vào tuần giao dịch tệ nhất trong 3 tháng. Song thị trường sau đó đã bất ngờ hồi phục khi mở đầu phiên 12/6, dữ liệu từ Đại học Michigan cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ có sự nhảy vọt đáng ngạc nhiên.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/6, chỉ số Dow Jones tăng 477,37 điểm (tương đương 1,9%) lên 25.605,54 điểm, sau khi có thời điểm tăng vọt hơn 800 điểm vào đầu phiên.
Chỉ số S&P 500 tiến 39,21 điểm (1,31%), lên 3.041,31 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cộng 96,08 điểm (1%), khép phiên ở mức 9.588,81 điểm.
Dù vậy, tính chung cả tuần qua, Dow Jones mất 5,55%, S&P 500 giảm 4,7%, trong khi Nasdaq Composite giảm 2,33%.
Số liệu kinh tế mới nhất của Mỹ có được trong cùng ngày bao gồm báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho hay, giá nhập khẩu của nước này trong tháng Năm đã tăng 1%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2019. Trong khi đó, chỉ số lòng tin tiêu dùng do đại học Michigan khảo sát cũng tăng từ mức 72,3 trong tháng Năm lên 78,9.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, GDP của Vương quốc Anh đã giảm mạnh kỷ lục 20,4% trong tháng 4/2020 đã cho thấy sự suy yếu của kinh tế châu Âu, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng COVID-19.
Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath nhận định rằng, nền kinh tế thế giới đang phục hồi chậm hơn dự kiến và phải đối mặt với tổn thương nặng nề từ đại dịch COVID-19. IMF sẽ công bố những dự báo kinh tế cập nhật vào gày 24/6 tới và có khả năng kết quả này sẽ tệ hơn mức dự báo tăng trưởng 3% của nền kinh tế toàn cầu được đưa ra hồi tháng Tư vừa qua.