Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 12,75 điểm, xuống còn 1.214,61 điểm; HNX-Index giảm 1,41 điểm, xuống còn 251,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 410,68 triệu cổ phiếu, tương đương với thanh khoản toàn thị trường là 9.535,51 tỷ đồng.
Toàn sàn có đến 900 mã đứng giá và hơn 460 mã giảm giá. Nhóm cổ phiếu giảm mạnh là ngân hàng, công nghệ thông tin như: VCB, VHM, VIC, VPB, CTG, MWG, BCM, FPT…
Theo CTCK Phú Hưng (PHS), hiện tại VN-Index đang ở gần vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.200 - 1.215 điểm (MA20 và MA50). Nếu hỗ trợ này được giữ vững thì tình hình vẫn chưa quá bi quan, trong trường hợp ngược lại, vùng đáy cũ 1.170 - 1.180 điểm sẽ là hỗ trợ tiếp theo. Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index cũng có diễn biến tương tự và hiện vẫn nằm dưới MA5.
Nhìn chung, thị trường đang giằng co ở trên hỗ trợ ngắn hạn. Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng và chờ đợi tín hiệu tại vùng này. Nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên rung lắc để cơ cấu lại danh mục, ưu tiên các cổ phiếu có tăng trưởng trong quý 3 và đang có sự ủng hộ của dòng tiền.
Tương tự, CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cũng nhận định, về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần 11 - 15/9 đã tạo nến Spinning top (được hình thành khi giá mở cửa và giá đóng cửa của nến gần như bằng nhau và thân nến có chiều dài ngắn so với hai bóng trên và dưới), thể hiện sự lưỡng lự và thận trọng của nhà đầu tư trước diễn biến rung lắc của thị trường tại vùng đỉnh.
Xét về khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo quan trọng là MACD và RSI vẫn đang suy yếu và hướng xuống nên chưa thể khẳng định thị trường đã tìm lại được điểm cân bằng ngay trong các phiên tới. Bên cạnh đó, dải Bollinger band (kỹ thuật để đo lường biến động của thị trường) đang dần bó hẹp cùng với việc chỉ báo ADX đã giảm xuống 21 cho thấy xác suất cao VN-Index sẽ tiếp tục dao động ở biên độ hẹp trong ngắn hạn.
CTCK Rồng Việt (VDSC) cũng cho biết, nhịp giảm của thị trường chững lại với phiên lưỡng lự và hồi phục nhẹ 15/9. Thanh khoản giảm với nến star cho thấy, nguồn cung đang hạ nhiệt gần vùng hỗ trợ 1.220 điểm. Với tín hiệu này, có khả năng diễn biến thị trường sẽ chậm lại trong thời gian tới và theo hướng thăm dò cung cầu tại vùng 1.220 - 1.237 điểm trước khi có tín hiệu cụ thể hơn.
Do vậy, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng thăm dò và đánh giá lại trạng thái thị trường. Tạm thời vẫn cần giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý để có thể phòng ngừa rủi ro.
Ở một góc nhìn rộng hơn, CTCK KB Việt Nam (KBSV) phân tích, sự xuất hiện của 3 phiên phân phối gần đây cho thấy, rủi ro mở rộng thêm nhịp điều chỉnh của chỉ số với 2 vùng hỗ trợ đáng lưu ý, gần là 1.21x và sâu hơn là quanh 1.190 điểm. Mặc dù vậy, khi xu hướng tăng ngắn hạn vẫn đang được bảo lưu, VN-Index được kỳ vọng sẽ tìm lại động lực tăng điểm tại các điểm đỡ này.
Về trung và dài hạn, CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, thị trường đã hình thành uptrend và mục tiêu VN-Index hướng tới sẽ là khu vực 1.300 điểm. Trong ngắn hạn, thị trường đang trong nhịp điều chỉnh thứ 2 quanh ngưỡng cản 1.250 điểm và diễn biến điều chỉnh có thể còn kéo dài, đây là điều cần thiết để thị trường tích lũy nội lực cho nhịp tăng tiếp theo. Do đó, SHS khuyến nghị, các nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng ở giai đoạn rung lắc đang diễn ra.