25 loại cổ phiếu sẽ được giao dịch trên sàn giao dịch Khoa học - Công nghệ đổi mới (STAR Market) của Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải với các quy định về niêm yết và giao dịch được nới lỏng nhằm tạo điều kiện kết nối các nhà đầu tư với các công ty khởi nghiệp.
Chính phủ Trung Quốc mong muốn sàn STAR Market với bản sắc của sàn Nasdaq mạnh về công nghệ của Mỹ sẽ sớm vận hành hiệu quả, qua đó khuyến khích các công ty công nghệ niêm yết tại Trung Quốc, sau khi nhiều tập đoàn lớn như Alibaba hay Baidu đã chọn Phố Wall của Mỹ.
Trung Quốc hy vọng thu hút các tập đoàn "kỳ lân" công nghệ lớn của đất nước - với vốn khởi nghiệp tối thiểu 1 tỷ USD - như công ty Ant Financial tiên phong về thanh toán số liên kết với Alibaba, hay "gã khổng lồ" xe đi chung Didi Chuxing, và tập đoàn nền tảng dịch vụ mạng Meituan-Dianping. Hiện chưa công ty nào trong số này có tên trong danh sách niêm yết ban đầu tại STAR Market. Lớn nhất là Tập đoàn Thông tin và tín hiệu đường sắt (CRSCC), với vốn 10,5 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1,53 tỷ USD).
Giới chuyên gia kinh tế đánh giá việc khởi động sàn STAR Market là một bước nhảy vọt về độ tin cậy đối với các cơ quan vốn không thích sự thay đổi đột ngột của Trung Quốc, khi chứng khoán thường không thể "bị ghìm cương" và khá thất thường. Lần đầu tiên, các công ty của Trung Quốc có thể niêm yết mà không cần chứng minh lợi nhuận trong quá khứ, hay vấp phải những hạn chế về định giá cổ phiếu lần đầu tiên phát hành ra công chúng (IPO).
Sẽ không có bất kỳ giới hạn nào cho các biến động về giá trong 5 ngày giao dịch đầu tiên, sau đó sẽ áp đặt biên độ giao động trong ngày là 20%. Các thị trường chứng khoán lớn của Trung Quốc hiện áp đặt biên độ dao động giá ở mức 10%, nhằm kiềm chế sự thay đổi trên các thị trường vốn thường hay chịu tác động của tin đồn thất thiệt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông báo về ý tưởng sàn STAR Market từ tháng 11/2018, trong bối cảnh cuộc chiến với Mỹ nhằm giành vị thế siêu cường công nghệ đang "nóng" lên. Ông kêu gọi các hãng công nghệ Trung Quốc hướng tới mục tiêu trở thành các nhà vô địch toàn cầu, trong khi Mỹ đã áp đặt nhiều lệnh cấm nhằm vào tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei.
Việc các công ty công nghệ lớn niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài đồng nghĩa Chính phủ Trung Quốc mất ảnh hưởng trong quá trình huy động vốn của họ, trong khi việc kiểm soát vốn lại ngăn cản các nhà đầu tư Trung Quốc chia sẻ thành công của các công ty này do các hạn chế về sức mua ở nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế Yang Delong tại Quỹ First Seafront nhận định Trung Quốc đã làm điều cần làm để tạo điều kiện cải cách thị trường. Theo ông: "Nếu Trung Quốc không khởi động sàn giao dịch công nghệ mới này ngay bây giờ, họ sẽ bỏ lỡ cơ hội thay đổi sự phát triển kinh tế của mình theo mô hình 'kinh tế mới'".
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá tác động ban đầu của ý tưởng trên có thể không lớn. Jiang Liangqing, chuyên gia quản lý tiền tệ tại trung tâm quản lý vốn Ruisen, nhận định: "Sàn khoa học và công nghệ sẽ phát triển thành một lĩnh vực lớn và quan trọng trong các thị trường vốn ở Trung Quốc, song sẽ cần một thời gian dài, có thể là 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa".