Nhu cầu vốn tăng trở lại
“Cầu tín dụng đã khởi sắc trở lại. Tín dụng quý I/2021 về cơ bản tăng trưởng khá ổn định với mức tăng 2,93%. Nhu cầu vốn được NHNN dự báo còn tăng trong thời gian tới và kỳ vọng sẽ hồi phục từ quý II/2021”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đến cuối tháng 2/2021, tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản đạt 776.918 tỷ đồng, tăng 0,16% so với năm 2020; ngành công nghiệp và xây dựng đạt 2.615.593 tỷ đồng, tăng 1,13% (cao hơn mức tăng 0,95% của cùng kỳ năm ngoái); ngành thương mại, dịch vụ đạt 5.860.560 tỷ đồng, tăng 0,52% (trong khi cùng kỳ năm 2020 giảm 0,15%)…
Với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tính đến cuối tháng 2/2021, tín dụng lĩnh vực bất động sản (BĐS) là 1.835.504 tỷ đồng, tăng 2,13% so với 2020 (kinh doanh bất động sản tăng 2,82%); phục vụ đời sống là 1.848.015 tỷ đồng, tăng 0,14%; kinh doanh chứng khoán là 42.590 tỷ đồng, giảm 6,98%; BOT, BT giao thông đến 31/12/2020 là 108.722 tỷ đồng, giảm 1,76%.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Về triển khai các giải pháp hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo Thông tư 01, tính đến ngày 22/3/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 262.679 khách hàng với dư nợ 352.986 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn cho 660.175 khách hàng với dư nợ 1.271.204 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 3.113.574 tỷ đồng cho 452.233 khách hàng.
Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế, thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.
"Tín dụng là lĩnh vực được NHNN quan tâm trong chỉ đạo điều hành, bởi đặc thù của nền kinh tế của chúng ta đó là vốn của yếu của doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Hiện dư nợ tín dụng/GDP trên 140% - số này thường được NHNN đặt ra và lưu tâm trong những nhiều năm qua, để điều hành làm sao vẫn đảm bảo được vốn cho nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo dược rủi ro", Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng lưu ý, các ngân hàng phải đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, tăng tưởng tín dụng vào lĩnh vực theo đúng chủ trương của NHNN, Chính phủ; tín dụng phù hợp với cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng để phòng rủi ro về chênh lệch kỳ hạn, chênh lệch tiền, đảm bảo khả năng chi trả cho người dân ở bất cứ thời điểm nào. Đặc biệt, không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro của tổ chức tín dụng.
Kiểm soát tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
“NHNN tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: BĐS, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các TCTD, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Theo NHNN, tính đến ngày 15/3, dư nợ cho vay BĐS của ngành ngân hàng tăng khoảng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng chung tín dụng hiện nay (2,04%). Trước tình hình bất động sản có những dấu hiệu nóng, NHNN đã giám sát và cũng có cảnh báo tới các TCTD.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: Từ đầu năm đến nay tín dụng BĐS ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng khoảng 2% với dư nợ khoảng 350.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,5% tổng dư nợ. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, việc quản lý vốn tín dụng chảy vào BĐS vẫn trong tầm kiểm soát. Theo đó, các ngân hàng thực hiện nghiêm túc các giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của NHNN và hàng năm NHNN luôn kiểm soát chặt tín dụng BĐS nhằm tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Trong cuộc họp báo Chính phủ mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Mức tăng 2,13% của tín dụng BĐS vừa qua không phải ở tất cả các TCTD mà chỉ có một vài TCTD cho vay, có thể hơn mức bình thường so với trước đây.
Trong số dư nợ BĐS này có hai lĩnh vực: Một là tín dụng vào các lĩnh vực đối tượng kinh doanh BĐS, đầu cơ BĐS hay là phân khúc thị trường cao cấp, các dự án (nghỉ dưỡng, biệt thự)... Đây đều là những đối tượng được NHNN kiểm soát chặt chẽ và hạn chế, kể cả có những chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các tổ chức tín dụng. Hai là, những lĩnh vực tín dụng đầu tư vào để giúp cho việc thanh khoản của các loại sản phẩm hàng hóa là tiêu dùng BĐS. Thí dụ nhà cho người thu nhập thấp hay là phân khúc thị trường nhà giá rẻ, nhu cầu vay sửa chữa nhà ở của người dân… được ngân hàng quan tâm, triển khai.
Việc NHNN phân chia như trên cho thấy quan điểm rất rõ ràng: BĐS tuy tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng cũng là ngành kinh tế quan trọng. Nếu BĐS đóng băng sẽ tác động lớn đến toàn nền kinh tế. Do đó, ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc mà luôn có kiểm soát chặt chẽ phù hợp với các loại hình BĐS. Quan trọng hơn cả, chủ trương của NHNN là hỗ trợ cho người có nhu cầu thật về nhà ở.
Để kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán...; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tiêu dùng, NHNN đã có những quy định cụ thể như: Áp dụng hệ số rủi ro của các khoản cho vay kinh doanh BĐS lên mức 200%; tăng hệ số rủi ro đối với khoản cho vay phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận vay từ bốn tỷ đồng trở lên…
NHNN cũng yêu cầu TCTD ban hành quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay đối với kinh doanh BĐS; áp dụng hệ số rủi ro đối với các khoản để đầu tư kinh doanh chứng khoán là 150%... Bên cạnh đó, với sự theo dõi sát sao tăng trưởng tín dụng của TCTD, NHNN sẽ có văn bản nhắc nhở những đơn vị có dư nợ tín dụng BĐS cao. Một trong những tiêu chí để NHNN xét cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm (có điều chỉnh phù hợp thực tế) là việc TCTD đó có đáp ứng đủ các quy định, yêu cầu về bảo đảm an toàn hoạt động hay không?