Bởi vậy, trong tháng 1, giá lúa, gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có diễn biến trái chiều, với không khí giao dịch trầm lắng trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc (huyện Bình Chánh), TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN |
Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá lúa tại các tỉnh An
Giang, Vĩnh Long tăng nhẹ khoảng 200 đồng/kg. Tại An Giang, lúa IR50404
tăng từ 4.300 đồng/kg lên 4.500 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM 2514, OM
4218 tăng từ 4.700 đồng/kg lên 4.900 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa IR50404
khô tăng từ 5.000 đồng/kg lên 5.200 đồng/kg.
Tuy nhiên, tại Kiên Giang, giá lúa tẻ thường giảm 200 đồng/kg, từ 5.400 đồng/kg xuống còn 5.200 đồng/kg; lúa dài giảm 600 đồng/kg, từ 6.200 đồng/kg xuống 5.600 đồng/kg. Tại Bạc Liêu, lúa tươi giống ngắn ngày giống OM 5451, OM 6976, OM 2517 giá thu mua dao động từ 4.800 - 5.300 đồng/kg. Giá thu mua lúa của Công ty Lương thực tỉnh Bạc Liêu ổn định ở mức 5.600 - 5.700 đồng/kg (lúa khô).
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2017 tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Ngay cả thị trường Trung Quốc - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam cũng khó đạt được sản lượng xuất khẩu như mong muốn.
Năm 2016, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 36% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong năm ngoái đạt 1,74 triệu tấn và 782,3 triệu USD, giảm 17,5% về khối lượng và giảm 8,6% về giá trị so với năm 2015.
Trong khu vực ASEAN, các thị trường thường có nhu cầu lớn gạo của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Indonesia… trong năm qua đã có sự nhập khẩu giảm khá mạnh, như Philippin (giảm 64,1%), Indonesia (giảm 51,8%), Malaysia (giảm 45,5%).