Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Sóc Trăng, giá lúa vẫn giữ nguyên, cụ thể: ST 24 có giá là 8.500 đồng/kg, Đài thơm 8 là 6.900 đồng/kg; OM 5451 là 6.800 đồng/kg.
Tại Bến Tre, giá lúa lại không có sự thay đổi, như: IR 50404 là5.800 đồng/kg; OM4218 là 5.900 đồng/kg; OM 6976 là 5.900 đồng/kg.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn có giá lúa ở mức ổn định so với tuần trước. Như tại Cần Thơ, lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg, riêng OM 4218 là 6.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hầu hết các loại lúa trên địa bàn tỉnh có sự ổn định so với tuần trước như: IR 50404 ở mức từ 5.400-5.500 đồng/kg, lúa Nhật từ 8.000-8.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 từ 5.800-6.000 đồng/kg, riêng OM 5451 từ 5.600-5.700 đồng/kg; Đài thơm tám từ 5.700-5.800 đồng/kg; riêng OM 18 từ 5.700-5.800 đồng/kg; tăng 100 đồng/kg.
Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, Sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg, Nàng Hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thường 11.500-12.500 đồng/kg.
Tuy nhiên, riêng tại Hậu Giang nhiều loại lúa lại có giảm giá. Điển hình như: giá lúa IR 50404 là 6.400 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 18 là 7.000 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; RVT là 8.700 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với tuần trước.
Hướng đến sản xuất lúa gạo bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, hay lúa-tôm đang được nhiều địa phương nhân rộng. Theo thống kê của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đa số giống lúa được sử dụng sản xuất trên cánh đồng lúa-tôm đều là giống lúa chất lượng cao; trong đó, giống lúa ST24, ST25 chiếm tỷ lệ cao.
Hay tại Quảng Trị, Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, Trung tâm Khuyến nông và UBND huyện Hải Lăng phối hợp với Hợp tác xã Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng triển khai hiệu quả mô hình lúa hữu cơ và đã mở ra một hướng đi mới bền vững đối với người dân nơi đây.
Như vụ Đông Xuân 2021-2022, mô hình lúa hữu cơ gặp nhiều bất lợi bởi thời tiết khi gặp phải đợt mưa lũ bất thường đầu vào tháng 4 vừa qua đã khiến năng suất lúa chịu nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, sản lượng lúa vẫn đạt 65-70 tạ lúa/ha, giá lúa tươi thu mua tại ruộng đạt 11.000 đồng/kg, trong khi đó lúa sản xuất thông thường chỉ đạt từ 6.000-6.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người dân thu lãi trên 30 triệu đồng/ha.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi, được chào bán ở mức từ 415-420 USD/tấn. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nguồn cung trong nước vẫn thấp, trong khi hoạt động giao dịch trầm lắng.
Số liệu sơ bộ cho thấy có 306.870 tấn gạo được tập kết tại cảng Sài Gòn từ ngày 1/5 đến ngày 24/5, với phần lớn được chuyển tới Philippines, châu Phi và Cuba.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống mức từ 430-445 USD/tấn, từ mức 450 USD/tấn trong tuần trước. Các nhà giao dịch tại Bangkok cho biết các thị trường gần như vẫn trầm lắng từ tuần trước đó và đồng baht yếu khiến giá gạo xuất khẩu trở nên hấp dẫn.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan, nước này xuất khẩu 1,74 triệu tấn gạo trong 3 tháng đầu năm 2022, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá gạo của Ấn Độ, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, tuần qua tiếp tục giảm, do nguồn cung trong nước dồi dào và đồng rupee giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 351-356 USD/tấn, giảm từ mức 357- 361 USD/tấn của tuần trước, khi đồng rupee chạm mức thấp kỷ lục 77,79 rupee/USD.
Theo một nhà xuất khẩu tại Kakinada, Andhra Pradesh, Chính phủ Ấn Độ đã giải phóng nhiều gạo hơn cho người nghèo, khiến giá gạo trong nước chịu sức ép. Trong khi đó, đồng rupee yếu hơn đã làm tăng lợi nhuận của các nhà giao dịch từ việc xuất khẩu, cho phép họ hạ giá.
Một quan chức Bộ Lương thực Bangladesh, nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới nhưng thường phải nhập khẩu để đối phó với tình trạng khan hiếm do thiên tai, không có kế hoạch nhập khẩu gạo trong năm nay, dù giá trong nước tăng trở lại trong tuần qua, khi dự trữ và sản lượng khả quan trong thời điểm này.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản giao dịch ngược chiều nhau trên sàn CBOT (Mỹ) trong phiên ngày 20/5, khi giá ngô và lúa mỳ giảm, trong khi giá đậu tương tăng.
Giá ngô giao tháng 7/2022 giảm 4,5 xu Mỹ (0,57%) xuống 7,7875 USD/bushel, còn giá lúa mỳ giao tháng 7/2022 giảm 31,75 xu Mỹ (2,64%) xuống 11,6875 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 14,75 xu Mỹ (0,87%) lên 17,0525 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Việc các chỉ số chứng khoán Mỹ trong xu hướng đi xuống đã gây bất lợi cho các khoản đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago vẫn cho rằng thị trường ngũ cốc toàn cầu sẽ khó theo kịp đà tiêu thụ nếu không có những vụ mùa khả quan ở cả hai bán cầu. Điều này khiến thị trường thêm nhạy cảm, nhưng vẫn có khả năng giá sẽ lên đến các mức cao kỷ lục mới.
Dự báo thời tiết tại Mỹ vẫn ấm lên trong 10 ngày tới. Trong ngắn hạn, điều này có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất ở những khu vực đã trải qua tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Việc theo dõi dự báo thời tiết cần được chú ý từ đầu tháng Sáu.
Thị trường cà phê thế giới cho thấy, giá cà phê chốt phiên giao dịch tuần này (ngày 20/5) quay đầu giảm, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London giao tháng 7/2022 giảm 24 USD (1,15%), ở mức 2.056 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê giao tháng 9/2022 giảm 22 USD (1,06%) xuống 2.059 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York giao tháng 7/2022 cũng giảm 2,85 xu (1,3%), xuống 215,85 xu/lb. Trong khi đó, giá cà phê giao tháng 9/2022 giảm 1,28 xu/lb (1,28%), xuống 216 xu/lb (1 lb = 0,4535). Khối lượng giao dịch trung bình khá.
Phiên cuối tuần thường sẽ diễn ra sự điều chỉnh, cân đối vị thế đầu cơ như thường lệ và thị trường lại quay đầu và tiếp tục giảm sâu sau một phiên phục hồi nhẹ. Thị trường cũng đủ thời gian để đánh giá báo cáo khảo sát vụ mùa lần thứ hai của Công ty Dự báo và cung ứng nông sản quốc gia Brazil (CONAB) đưa ra hôm 19/5.
Về triển vọng cung - cầu cà phê thế giới, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021- 2022 đạt 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước, trong khi tiêu thụ toàn cầu dự kiến đạt 170,3 triệu bao (loại 60 kg), tăng 3,3% so với 164,9 triệu bao của niên vụ 2020-2021. Với dự báo này, thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.
Điều này sẽ không còn là mối lo trong ngắn hạn khi Brazil đã bước vào thu hoạch cà phê của niên vụ mới 2022-2023 với sản lượng tăng theo chu kỳ “hai năm một”. Điều này sẽ tác động tích cực đến giá cà phê trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã nâng lãi suất chuẩn thêm 0,5 điểm phần trăm nhằm kiểm soát lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm. Nhiều chuyên gia dự báo Fed sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới. Điều này sẽ là lực cản lớn đối với giá cà phê trong thời gian tới. Việc Fed tăng lãi suất khiến nhà kinh doanh cà phê nói riêng phải trả lãi ngân hàng cao hơn và chi phí đầu tư (mua hàng) nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc kiên định với chính sách Zero-COVID tiếp tục khiến tiêu thụ cà phê tại thị trường tỷ dân này giảm sút. Do đó, trong ngắn hạn, giá cà phê tiếp tục xu hướng giảm.
Theo CONAB, nếu so sánh với vụ mùa đạt kỷ lục theo chu kỳ “hai năm một” của năm 2020 trước đó thì sản lượng dự kiến của vụ năm nay có thể đạt khoảng 53,4 triệu bao, giảm 13,5%, tương ứng với 9,65 triệu bao, do cây cà phê bị ảnh hưởng của các đợt sương giá hồi tháng 7 năm ngoái. Do đó, tiềm năng xuất khẩu cà phê các loại của Brazil trong niên vụ sắp tới, từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, sẽ đạt khoảng 35,7 triệu bao, giảm 23,6% so với niên vụ đạt sản lượng kỷ lục trước đó.
Theo ICO, sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 đạt 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước. Trong tháng 4, tồn kho cà phê Arabica được chứng nhận trên sàn giao dịch kỳ hạn New York là 1,2 triệu bao và dự trữ cà phê Robusta trên sàn London là 1,6 triệu bao, giảm lần lượt 2,4% và 4,3%.