Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 6.500 đồng/kg, giá bình quân là 6.371 đồng/kg, tương đương tuần trước. Tương tự, giá lúa thường tại kho cao nhất 7.950 đồng/kg, trung bình là 7.192 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá các mặt hàng gạo giảm nhẹ. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 10.400 đồng/kg, giá bình quân 10.271 đồng/kg, giảm 61 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 10.300 đồng/kg, giá bình quân 10.050 đồng/kg, giảm 33 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 10.200 đồng/kg, giá bình quân 9.817 đồng/kg, cũng giảm 33 đồng/kg. Gạo xát trắng loại 1 giảm 38 đồng/kg, có giá trung bình là 10.763 đồng/kg.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa không đổi so với tuần trước như Jasmine là 7.200 đồng/kg, OM 4218 là 6.400 đồng/kg; IR 50404 ở mức 6.200 đồng/kg.
Giá lúa tại Sóc Trăng cũng vẫn giữ ổn định như: Đài Thơm 8 là 6.800 đồng/kg; OM 5451 là 6.800 đồng/kg, ST 24 là 8.000 đồng/kg.
Giá lúa tại Hậu Giang tăng nhẹ ở một số loại như: IR 50404 là 6.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; lúa OM 18 là 7.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Riêng RVT vẫn ổn định ở mức 8.200 đồng/kg.
Mới đây, Công ty cổ phần chỉ số Nông nghiệp (viết tắt Agri Index) tổ chức lễ công bố khởi động Dự án sàn giao dịch thương mại điện tử gạo và phụ phẩm ngành gạo. Đây là dự án sàn giao dịch thương mại điện tử gạo và phụ phẩm ngành gạo theo mô hình số hóa kinh tế tuần hoàn đầu tiên của Việt Nam.
Dự kiến, sàn giao dịch sẽ chính thức hoạt động vào tháng 3/2023 tại địa chỉ "sanphupham.vn" và app trên thiết bị di động với tên "AGRIINDEX". Khi chính thức hoạt động, sàn giao dịch dự kiến sẽ là "cầu nối" cho 300 doanh nghiệp giao thương với khối lượng chào bán khoảng 50.000 tấn/tháng và tỷ lệ giao dịch thành công chiếm khoảng 50%.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 448 - 453 USD/tấn, không đổi so với một tuần trước, khi giá gạo đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2021. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu gạo Việt Nam vẫn ổn định, đặc biệt là từ khách hàng hàng đầu là Philippines.
Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy khoảng 167.650 tấn gạo sẽ được bốc xếp tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ ngày 1 - 28/12, trong đó phần lớn đến Philippines và Indonesia.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu từ Thái Lan trong tuần qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ trước tháng 6/2022 nhờ hoạt động vận chuyển tăng và đồng baht mạnh lên.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức từ 452 - 460 USD/tấn, tăng so với mức từ 425 - 457 USD/tấn trong tuần trước đó. Một thương nhân tại Bangkok cho biết hiện có nhiều nhu cầu từ các nước châu Á, trong khi các nước châu Phi quan tâm nhiều hơn đến gạo từ Ấn Độ.
Một thương nhân khác cho biết có thông tin rằng nguồn cung có thể sớm thắt chặt nên các nhà xuất khẩu đang mua để tích trữ.
Giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ đã tăng cao hơn lên từ 374 - 380 USD/tấn, so với mức từ 373 - 378 USD/tấn của tuần trước, do nhu cầu cải thiện nhẹ, mặc dù nguồn cung tăng từ vụ mùa mới đã hạn chế đà tăng của giá.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, bang miền nam Andhra Pradesh cho biết hoạt động mua bán thường khá yên ắng vào nửa cuối tháng 12, nhưng năm nay ít người bán nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu dù giá gạo Ấn Độ rẻ hơn so với các thị trường khác.
Các thương nhân cho biết Cuba đang mua thêm gạo từ Ấn Độ, với một tàu chở 28.150 tấn đang chờ giao hàng tại cảng Kakinada. Các quan chức cho biết nước láng giềng Bangladesh đang đàm phán với Ấn Độ để mua tổng cộng 200.000 tấn gạo trong các thỏa thuận liên chính phủ, trong bối cảnh nước này tìm cách xây dựng kho dự trữ để hạ nhiệt giá ngũ cốc trong nước.
Thị trường nông sản Mỹ cho thấy, trong phiên giao dịch 23/12, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) tăng cao, dẫn đầu là lúa mỳ trong bối cảnh chỉ số đồng USD rơi xuống mức thấp mới trong 6 tháng.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 3/2023 tăng 5,75 xu Mỹ (0,87%) lên 6,6625 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 3/2023 tăng 13,75 xu Mỹ (1,8%) lên 7,76 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 3/2023 tăng 12,5 xu Mỹ (0,85%) lên 14,845 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá các mặt hàng nông sản trên sàn CBOT tăng cao hơn nhờ sự hỗ trợ từ các yếu tố mang tính vĩ mô. Biểu đồ giá của lúa mỳ và ngô đã thúc đẩy hoạt động mua tích trữ vừa phải và mua bù thiếu. Rất khó để giá ngô tăng trên 6,70 - 6,80 USD/bushel và giá đậu tương tang trên 14,90 USD/bushel nếu tình hình khí hậu ở Argentina bắt đầu thay đổi trong hai tuần tới.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng lúa mỳ đang hình thành một cơ sở, với xu hướng tăng phụ thuộc vào tỷ lệ xuất khẩu chính xác của Biển Đen và địa chính trị.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ngày 23/12 thông báo rằng các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán 150.000 tấn ngô cho Mexico, cùng với 124.000 tấn đậu nành cho các điểm đến không xác định.
Hoạt động giao dịch trên thị trường khá thưa thớt do một loạt các ngày lễ cuối năm, từ lễ Giáng sinh đến Năm mới và sau đó là Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 22/1.
Thời tiết tại Argentina sẽ ẩm hơn sau ngày 1/1. Mưa tại Brazil sẽ lan rộng ra các khu vực khô hạn hơn ở phía nam trong khoảng thời gian 6 - 10 ngày.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London duy trì xu hướng tăng. Giá cà phê Robusta giao tháng 1/2023 tăng 2 USD lên 1.959 USD/tấn. Khối lượng giao dịch rất thấp dưới mức trung bình.
Trong khi giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York đảo chiều tăng. Giá cà phê Arabica giao tháng 3/2023 tăng 3,10 xu Mỹ lên 172,00 xu Mỹ/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 5/2023 tăng 2,85 xu Mỹ, lên 171,60 xu Mỹ/lb (1lb = 0,45 kg). Khối lượng giao dịch rất thấp dưới mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 100 đồng, xuống dao động trong khung 40.900 - 41.500 đồng/kg.
Do kỳ nghỉ Lễ Giáng Sinh kéo dài và London đóng cửa nghỉ sớm nên khối lượng giao dịch trên cả hai sàn phiên vừa qua là rất thấp.