* Thị trường gạo châu Á
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tăng lên 378-383 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 24/9, từ mức 375-381 USD/tấn hồi tuần qua.
Theo một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh, đồng rupee của Ấn Độ tăng giá đã làm giảm lợi nhuận của các thương nhân khi xuất khẩu gạo sang các thị trường nước ngoài và cước vận tải tăng buộc các nhà xuất khẩu phải tăng giá bán gạo.
Nhà xuất khẩu này nhận định, nhu cầu của các khách hàng nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, đối với gạo Ấn Độ hiện đang ở mức cao vì giá gạo của nước này đã giảm bớt. Trung Quốc sẽ nhập khẩu 100.000 tấn gạo tấm từ Ấn Độ do nguồn cung gạo từ Thái Lan, Myanmar sụt giảm.
Còn Bangladesh sẽ mua 50.000 tấn gạo với giá 404,35 USD/tấn của Ấn Độ thông qua một nhà thầu để tăng dự trữ gạo trong nước.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn ổn định ở mức 470-490 USD/tấn. Theo một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động mua bán gạo đã bớt sôi động trong tuần qua do nhu cầu yếu. Thương nhân này dự kiến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng trong quý I/2021 nhờ nhu cầu gạo gia tăng của Philippines, châu Phi và Trung Quốc.
Các nhà xuất khẩu Việt Nam đang thúc đẩy việc xuất khẩu gạo thơm sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 485-516 USD/tấn, từ mức 480-516 USD/tấn trong tuần trước do nguồn cung thu hẹp. Một thương nhân ở Bangkok (Thái Lan) cho rằng nhu cầu gạo đã giảm do giá gạo tăng.
* Thị trường nông sản kỳ hạn Mỹ
Kết thúc phiên giao dịch 11/12, tại Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn đồng loạt tăng, dẫn đầu là giá lúa mỳ.
Giá ngô giao tháng 3/2021 tăng 2,25 xu Mỹ (0,53%) lên 4,235 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 3/2021 tăng 18 xu Mỹ (3,02%) lên 6,145 USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 1/2021 tăng 7,75 xu Mỹ (0,67%) lên 11,605 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Nga có thể giảm hoạt động xuất khẩu lúa mỳ bằng cách áp thuế hoặc hạn ngạch hay kết hợp cả hai biện pháp này. Theo công ty nghiên cứu AgResource, điều này khiến các thương nhân kinh doanh lúa mỳ quan ngại vì Nga là nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Nếu Nga áp mức thuế 30 USD đối với lúa mỳ xuất khẩu trong khi các nông dân tăng cường tích trữ lúa mỳ, các khách hàng sẽ tìm tới các nhà sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc ở khu vực Bắc Mỹ.
Trong khi đó, AgResource dự báo giá ngô và đậu tương ở sàn CBOT dự kiến tiếp tục tăng trong tuần tới tùy thuộc vào tình hình thời tiết ở khu vực Nam Mỹ.
* Thị trường cà phê châu Á
Các thương nhân ngày 10/12 cho biết, giá cà phê trong nước của Việt Nam tiếp tục giảm trong tuần này do thị trường tiếp nhận nguồn cung từ vụ thu hoạch mới trong khi hoạt động mua bán cà phê tại Indonesia vẫn khá “trầm lắng” do lượng cà phê trữ kho thấp hơn.
Các nông dân ở khu vực Tây Nguyên - vùng trồng cà phê hàng đầu ở Việt Nam - đã bán cà phê COFVN-DAK với giá 31.500-32.000 đồng (1,37-1,38 USD)/kg, giảm từ mức 32.700-33.400 đồng/kg hồi tuần trước.
Theo một thương nhân ở Tây Nguyên, vụ thu hoạch đang “tăng tốc” nhờ thời tiết thuận lợi và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 1/2021, muộn hơn bình thường do thời tiết bất lợi trong năm nay. Hiện tại, các nông dân đã thu hoạch được 20-25% sản lượng dự kiến đạt được của họ.
Một thương nhân khác cũng ở Tây Nguyên cho biết, hạt cà phê trong đợt thu hoạch này có chất lượng khá tốt và mức sụt giảm sản lượng sẽ thấp hơn so với dự kiến trước đó.
Giá cà phê robusta giao tháng 3/2021 giảm 11 USD (tương đương 1%) xuống còn 1.334 USD/tấn trong ngày 9/12.