Song về dài hạn, đó chính là động lực để các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh, tiến tới tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ Việt Nam.
Thay đổi tư duy về hàng rào kỹ thuật
Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ, các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người và động, thực vật khỏi những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh qua đường thương mại quốc tế. Nâng cao chất lượng hàng nông sản không chỉ là mục tiêu riêng của EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… mà của tất cả các thị trường; trong đó có Việt Nam
Vì vậy, thay vì coi các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật là “rào cản” thì người sản xuất, xuất khẩu nên nhìn nhận theo hướng tích cực đó là xu hướng nâng cao "tiêu chuẩn chất lượng" hàng nông sản. Bởi, những tiêu chuẩn được ban hành đều áp dụng với hàng hóa từ các tất cả các quốc gia và ngay cả sản phẩm trong nước cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn đó. Do đó, muốn tiếp cận, khai thác các thị trường thì việc đáp ứng, tuân thủ các tiêu chuẩn là điều tất yếu.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Anh thu cho rằng, để nâng cao năng lực thích ứng với các tiêu chuẩn SPS cho nông lâm thủy sản Việt Nam, cần có các giải pháp đồng bộ từ thay đổi tư duy về các biện pháp kiểm dịch, chủ động nắm bắt thông tin về sản phẩm tới việc đầu tư cả chiều rộng và sâu trong quá trình sản xuất.
Đáng chú ý, các biện pháp kiểm dịch, an toàn thực phẩm liên quan đến tất cả các công đoạn của cả chuỗi giá trị, không chỉ trong chế biến mà cả khâu nuôi trồng. Vì vậy, sự kiểm soát toàn diện về chất lượng từ đầu đến cuối chuỗi giá trị là điều cần thiết để giúp các nhà xuất khẩu của Việt Nam vượt qua các thách thức này.
Chính phủ, các hiệp hội ngành hàng cần hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cung cấp thông tin, ban hành các tiêu chuẩn ngành mang tính hướng dẫn và khuyến khích. Bên cạnh đó, cần đàm phán ký kết các thỏa thuận hay hiệp định hài hòa hóa các biện pháp kiểm dịch, các thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật từ các nước đối tác nhằm giảm chi phí và tạo cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam.
Với thị trường EU, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng và có nhiều lợi thế cho nông lâm thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA, cần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao như thủy sản, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, rau quả, lâm sản và tìm hướng đi để thúc đẩy các sản phẩm tiềm năng khác như thịt gia cầm, trứng, các loại trái cây như vải, chanh leo, ca cao…
Về chất lượng sản phẩm, cần đẩy mạnh sử dụng công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm hiện đại và áp dụng các nghiên cứu khoa học đưa vào thực tiễn sản xuất để đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả . Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu phải tuân thủ triệt để các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các chất gây ô nhiễm, hóa chất mà EU cấm. Sử dụng cây, con giống tốt đạt chất lượng và hiệu quả kinh tế cao có khả năng kháng sâu bệnh tốt để hạn chế sử dụng các hóa chất nông nghiệp…
Các doanh nghiệp và nhà sản xuất cần nâng cao nhận thức, tuân thủ chặt chẽ các quy định của nước nhập khẩu. Đảm bảo an toàn và chất lượng thực phẩm, khuyến khích các sản phẩm hữu cơ và sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn EU
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ Thực vật đề xuất, cần xây dựng cơ sở dữ liệu trung tâm về mã số vùng trồng và phối hợp với địa phương để thường xuyên cập nhật thông tin, quản lý chặt chẽ. Với các địa phương trồng cây ăn trái cần xây dựng kế hoạch cho việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và chủ động kiểm tra, giám sát chặt chẽ sau khi được cấp mã số; thực hiện thanh tra để phát hiện sớm các hành vi gian lận trong sử dụng mã số; xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp sử dụng mã số vùng trồng không đúng hoặc mượn mã số vùng trồng.
Về phía các doanh nghiệp, phải coi mã số đã cấp là tài sản của doanh nghiệp, qua đó chủ động có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số. Liên kết với các cơ quan quản lý để cung cấp thông tin về vùng trồng, nhà đóng gói cũng như quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan quan lý cần sớm xây dựng danh mục thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y được phép sử dụng và cấm sử dụng phù hợp với từng thị trường nhập khẩu, quản lý chặt chẽ thị trường hóa chất dùng trong nông nghiệp, đặc biệt không để lưu thông các thuốc bảo vệ thực vật, thú y và hóa chất cấm trên thị trường.
Sản xuất theo nhu cầu thị trường
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm của thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đây là cơ hội lớn để nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh năng lực sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng của thế giới nói chung, các thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm của Việt Nam nói riêng là ưu tiên các sản phẩm nông sản an toàn, nông sản hữu cơ và sản phẩm chế biến.
Chính vì vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất theo hướng đáp ứng các yêu cầu của thị trường, ưu tiên mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp được chứng nhận theo các tiêu chuẩn hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nâng cao tỷ lệ sản phẩm chế biến trong cơ cấu xuất khẩu.
Mục tiêu của ngành nông nghiệp Việt Nam là đến năm 2025, diện tích đất canh tác nông nghiệp hữu cơ đạt từ 1,5 - 2% tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp, đến năm 2030 diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ sẽ đạt từ 2,5 - 3% tổng diện tích canh tác nông nghiệp cả nước.
Với nhóm mặt hàng xuất khẩu đang có ưu thế là rau quả, Việt Nam đăt mục tiêu trở thành một trong 5 quốc gia xuất khẩu rau quả hàng đầu thế giới vào năm 2030 với kim ngạch xuất khẩu đạt 8-10 tỷ USD/năm; trong đó, rau quả chế biến đạt 30% trở lên.
Ông Trần Thế Như Hiệp, Viện Khoa học công nghệ Mekong Cần Thơ cho rằng, để đáp ứng, trước hết người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu phải nắm rõ yêu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường cụ thể, ít nhất là đối với các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Điển hình như với thị trường EU, nông sản phải đáp ứng các yêu cầu đảm bảo chất lượng, đặc biệt là yêu cầu về dư lượng hóa chất. Theo đó, các hóa chất được phép sử dụng, họ sẽ quy định ngưỡng cho từng loại nông sản; các hóa chất còn lại không được vượt quá 0,01ppm (tương đương với tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ).
Thêm vào đó, các mô hình, quy trình sản xuất nông sản phải đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường, không gây tác động xấu đến môi trường sản xuất cũng như môi trường xung quanh; đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng được đời sống của người sản xuất, đặc biệt là người nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm.
Một yêu cầu không thể thiếu nữa là phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tương tự, để cho phép nhập khẩu nông sản, thủy sản Nhật Bản không chỉ cần kết quả tồn dư về thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh mà còn xem xét đến cả kỹ thuật nuôi trồng, các loại vật tư sử dụng và xử lý sâu bệnh…
Theo ông Trần Thế Như Hiệp, thời gian qua, phong trào sản xuất theo các tiêu chuẩn như GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ..., đang có xu hướng mở rộng. Tuy nhiên số cơ sở, diên tích nông nghiệp thật sự đủ điều kiện để được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn quốc tế còn rất ít. Nguyên nhân là nhiều trường hợp sản xuất chạy theo xu hướng nhưng quy trình thực hành không được duy trì liên tục, thiếu thông tin, dữ liệu kiểm chứng.
Giải pháp kiểm soát theo chuỗi cung ứng ngay từ khâu cung cấp đầu vào cho sản xuất đến khi xuất khẩu được xem là giải pháp bền vững. Nhưng việc áp dụng các quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn cụ thể phải được quản lý đầy đủ bằng hệ thống quản trị sản xuất từ trang trại nuôi trồng, cơ sở sơ chế, chế biến, vận chuyển, hệ thống phân phối nhằm kiểm soát chính xác các nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn sản phẩm và truy xuất nguồn gốc, ông Trần Thế Như Hiệp đề xuất.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Vina T&T Group thông tin, hiện nay trái cây Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu do nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới ngày càng tăng và nhiều thị trường đã mở cửa cho sản phẩm nông sản, trái cây. Tuy nhiên công nghệ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển của Việt Nam hiện còn hạn chế khiến nhiều loại sản phẩm khi đến các thị trường xa như EU, Mỹ đều giảm chất lượng, không còn tươi ngon nên rất khó tiêu thụ.
Để đáp ứng yêu cầu thị trường và nâng cao giá trị nông sản Việt, ngành nông nghiệp cần bắt đầu bằng việc kiểm soát quy hoạch vùng trồng một cách bài bản, xây dựng thương hiệu trái cây cho từng vùng, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể; giảm thiểu tình trạng trồng tràn lan các loại cây ăn trái có giá trị dẫn đến dư thừa sản lượng. Song song đó là đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phù hợp với yêu cầu đặc thù của mặt hàng rau quả, nông sản, ông Nguyễn Đình Tùng nêu quan điểm.