Thị trường hàng hóa thế giới thiếu động lực tăng, MXV-Index đi ngang

Theo ghi nhận từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giằng co trong phiên giao dịch hôm qua (23/7). Đóng cửa, sắc đỏ bao trùm nhiều mặt hàng kéo chỉ số MXV-Index đi ngang quanh mức 2.238 điểm.

Chú thích ảnh

Giá quặng sắt chấm dứt hai phiên tăng liên tiếp

Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, thị trường kim loại diễn biến phân hóa rõ nét trong bối cảnh thị trường đánh giá những thông tin trái chiều về chính sách thương mại cũng như dữ liệu về cung - cầu. Trong đó, giá quặng sắt sau hai phiên tăng liên tiếp lên mốc cao nhất kể từ cuối tháng 2, giá quặng sắt giảm 0,85% về mức 104,4 USD/tấn.

Trong bối cảnh các biện pháp bảo hộ thương mại tiếp tục lan rộng, thị trường thép toàn cầu đang chứng kiến áp lực lớn lên dòng chảy thương mại, đồng thời nhu cầu yếu kéo dài càng đè nặng lên giá quặng sắt khi sản lượng thép có dấu hiệu giảm tốc rõ rệt.

Nhiều biện pháp bảo hộ thương mại trên thị trường thép gần đây có xu hướng tập trung vào các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Đáng chú ý, tuần trước, Canada cho biết sẽ siết chặt hạn ngạch nhập khẩu thép từ các nước không có hiệp định thương mại tự do (FTA), giảm còn 50% so với khối lượng năm 2024. Đồng thời, Canada sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia nếu trong đó có chứa thép được nấu chảy và đúc tại Trung Quốc.

Không chỉ có Canada, Anh cũng tuyên bố gia hạn thêm 5 năm biện pháp thuế chống trợ cấp đối với mặt hàng thép phủ sơn hữu cơ nhập khẩu từ Trung Quốc. Ở châu Á, Nhật Bản vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu có nguồn gốc Trung Quốc.

Trong khi đó, sản lượng thép toàn cầu có xu hướng thu hẹp, kéo giảm triển vọng tiêu thụ đối với nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thép như quặng sắt. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 6 đạt 151,4 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế nửa đầu năm 2025, sản lượng thép toàn cầu ghi nhận mức giảm 2,2% so với cùng kỳ 2024, xuống còn 934,3 triệu tấn. Đà suy giảm diễn ra tại các trung tâm sản xuất lớn như châu Á, châu Đại Dương và châu Âu.

Chú thích ảnh

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 6 chỉ đạt 83,2 triệu tấn, giảm gần 4% so với tháng trước và sụt mạnh 9,2% so với cùng kỳ năm 2024. Diễn biến này đã kéo tổng sản lượng thép nửa đầu năm xuống còn 514,8 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, dù nhu cầu sản xuất giảm, lượng quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc trong tháng 6 vẫn đạt 105,9 triệu tấn - mức cao nhất kể từ đầu năm. Các chuyên gia cho biết nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc các hãng khai khoáng đẩy mạnh giao hàng để hoàn thành chỉ tiêu quý, trong khi các nhà máy thép trong nước tranh thủ tích trữ nguyên liệu khi giá quặng vẫn còn ở mức thấp.

Ở chiều ngược lại, động lực quan trọng ghìm đà giảm giá đến từ dư địa tích trữ vẫn còn lớn. Theo số liệu của SteelHome, tồn kho quặng sắt tại các cảng Trung Quốc đã liên tục giảm kể từ cuối tháng 6. Đến tuần kết thúc ngày 18/7, lượng tồn kho chỉ còn 130,9 triệu tấn, thấp hơn rõ rệt so với mức 149,6 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, phản ánh nhu cầu tích trữ vẫn có thể tiếp tục thúc đẩy hoạt động nhập khẩu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, dư địa này có khả năng sẽ bị thu hẹp khi Bắc Kinh định hướng tái cơ cấu ngành thép và triển khai các biện pháp cắt giảm sản lượng.

Bên cạnh đó, thị trường sắt thép cũng mới đón nhận một điểm sáng hiếm hoi hỗ trợ nhu cầu, khi Trung Quốc khởi công dự án thủy điện hạ lưu sông Nhã Lỗ Tạng Bố tại Tây Tạng. Dự án này ước tính sẽ tiêu thụ khoảng 2 - 2,5 triệu tấn thép, tương đương giá trị 18 - 24 tỷ nhân dân tệ (2,5 - 3,4 tỷ USD). Các sản phẩm thép được sử dụng sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cao, như khả năng chịu nhiệt độ thấp, chống ăn mòn và chịu động đất, cho thấy nhu cầu gia tăng đối với thép chất lượng cao, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ quặng sắt trong những năm tới

Yếu tố cung cầu tiếp tục đè nặng lên thị trường cao su

Không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường, nhóm nguyên liệu công nghiệp trong phiên hôm qua cũng chứng kiến những diễn biến trái chiều. Đáng chú ý, giá cao su dù phục hồi đáng kể so với hồi tháng 4, song vẫn còn nhiều yếu tố gây áp lực lên thị trường.

Cụ thể, giá cao su RSS3 trên sàn Osaka ghi nhận mức giảm gần 0,4% về mức 2.231 USD/tấn, trong khi giá cao su TSR20 Trên sàn Singapore đánh mất tới hơn 1% về mức 1.695 USD/tấn.

Chú thích ảnh

Ở phía nguồn cầu, Indonesia - nước sản xuất cao su lớn thứ hai toàn cầu đã xuất khẩu 647.000 tấn cao su TSR20 trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, song giá bán bình quân tới tháng 5 vẫn thấp hơn so với đầu năm.

Ở phía nhu cầu, ngành ô tô - lĩnh vực tiêu thụ lớn nhất của cao su vẫn bị ảnh hưởng rõ rệt bởi các biện pháp thuế quan kéo dài từ tháng 4. Trong 3 tháng qua, giá trị xuất khẩu xe của Nhật Bản sang Mỹ đã sụt giảm mạnh khi các hãng xe Nhật cắt giảm giá bán để tránh tăng giá tại thị trường Mỹ. Các nhà sản xuất ô tô này đang tự gánh chi phí thuế và cố gắng duy trì khối lượng bán hàng. Thống kê tháng 6 cho thấy dù lượng xe xuất sang Mỹ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu lại giảm sâu 26,7% và giá trung bình mỗi xe thấp hơn gần 30%. Bên cạnh đó, tại Trung Quốc, Tồn kho lốp xe tại Thanh Đảo (Trung Quốc) ghi nhận xu hướng tăng suốt nhiều tuần qua, gây tác động tiêu cực tới thị trường.

Trong khi đó, tình hình thời tiết tại các nước như Thái Lan, Việt Nam, miền đông Philippines và miền nam Trung Quốc đang ghi nhận những diễn biến tiêu cực do chịu tác động từ bão nhiệt đới Wipha.

Tại thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (24/7), giá mủ cao su biến động nhẹ, giao dịch quanh ngưỡng 385 - 410 đồng/TSC. Báo giá gần nhất của Công ty Cao su Phú Giềng thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), giá cao su mủ nước nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất cao su RSS3 có giá 410 đồng/TSC, tăng 1,2% so với ngày 17/7, giá cao su mủ tạp, nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất TSR20 có giá 380 đồng/TSC, tăng nhẹ 1,3% so với ghi nhận ngày 17/7.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
MXV-Index chưa thoát khỏi diễn biến giằng co trong vùng 2.200 điểm
MXV-Index chưa thoát khỏi diễn biến giằng co trong vùng 2.200 điểm

Dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục biến động giằng co trong phiên giao dịch hôm qua. Chốt phiên, lực bán mạnh trên thị trường năng lượng góp phần kéo chỉ số MXV-Index nối dài đà suy yếu sang phiên thứ hai, dừng ở mức 2.238 điểm...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN