Giá dầu đi xuống ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 24/10), trước đà tăng của đồng USD và số liệu không mấy khả quan về nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc. Theo số liệu từ Cục hải quan Trung Quốc, trong tháng Chín vừa qua, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đứng ở mức 9,79 triệu thùng/ngày, giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm trước, khi các nhà máy lọc dầu độc lập hạn chế sản lượng do biên lợi nhuận thấp và nhu cầu yếu. Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho rằng đà phục hồi gần đây của nhập khẩu dầu đã chững lại trong tháng Chín, khi chính sách "Không COVID" ảnh hưởng đến nhu cầu.
Trong khi đó, chuyên gia Jim Ritterbusch của công ty tư vấn dầu khí Ritterbusch and Associates nhận định triển vọng đồng USD tăng mạnh hơn sẽ ảnh hưởng đến mức giá của dầu WTI và mặt hàng này có thể giảm xuống 79,50 USD/thùng vào cuối tuần.
Tuy nhiên, trái với nhận định trên, giá dầu đảo chiều đi lên trong ba phiên giao dịch liền sau đó, khi đồng USD yếu đi và những lo ngại về nguồn cung bắt đầu dấy lên trở lại do nhận định của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia.
Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, người giữ chức Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho rằng các kho dự trữ năng lượng đang được sử dụng như một cơ chế để thao túng thị trường. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo việc nguồn cung thắt chặt trên thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) thế giới, cùng quyết định cắt giảm nguồn cung của các nhà sản xuất dầu lớn đã đặt thế giới vào "cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên".
Ông Phil Flynn, một nhà phân tích của công ty môi giới đầu tư Price Futures Group, cho biết các bình luận từ Riyadh và từ IEA là lời nhắc nhở rằng cuộc khủng hoảng năng lượng còn lâu mới kết thúc. Theo ông, vẫn có những lo ngại rằng thị trường không có đủ nguồn cung và qua đó giúp nâng đỡ giá dầu, cho dù diễn biến kinh tế không ổn định ở Mỹ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã hạn chế đà tăng đó.
Bên cạnh đó, sự yếu đi của đồng USD cũng hỗ trợ giá “vàng đen” đi lên, giữa bối cảnh đà tăng của “đồng bạc xanh” thời gian gần đây sau các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã trở thành "cơn gió ngược" đối với thị trường dầu.
Các chuyên gia dự đoán nguồn cung sẽ thắt chặt trong những tháng tới khi chính sách cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ có hiệu lực vào tháng 11/2022 và các lệnh trừng phạt mới của EU đối với dầu Nga sẽ được thực thi vào tháng 12/2022. Còn theo các nhà phân tích của ngân hàng JP Morgan, cho đến năm 2024, khả năng vận chuyển của các tàu chở dầu Nga sẽ trở thành nhân tố chi phối giá dầu thay vì các yếu tố cơ bản về cung-cầu.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/10, giá dầu quay đầu giảm khoảng 1% sau khi quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu là Trung Quốc tăng cường hoạt động phong tỏa do đại dịch COVID-19.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc lùi 1,19 USD (tương đương 1,2%) xuống 95,77 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI mất 1,18 USD (tương đương 1,3%), xuống còn 87,9 USD/thùng. Giá xăng tại Mỹ cũng hạ 3% trong phiên này, còn giá dầu diesel tại Mỹ lại tăng 5% lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2022.
Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent tiến 2% và giá dầu WTI cộng 3%.
Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 27/10 cho biết, các thành phố của nước này đang tăng cường kiểm soát dịch COVID-1, phong toả các toà nhà và nhiều quận sau khi Trung Quốc ghi nhận 1,506 ca nhiễm mới, tăng từ mức 1,264 ca nhiễm mới/ngày trước đó.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại còn 3,2% trong năm nay, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4/2022, sau khi tăng 8,1% trong năm 2021.
PetroChina cho biết nhu cầu về nhiên liệu tinh chế và khí đốtcủa Trung Quốc trong quý IV năm nay dự kiến sẽ tăng so với cùng kỳ năm ngoái, song song với sự phục hồi kinh tế được dự báo khi Bắc Kinh tung ra nhiều chính sách kích thích hơn.
Trong khi đó, tăng trưởng GDP tại Mỹ khá ấn tượng trong quý III, chứng tỏ khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đức- nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng tăng trưởng bất ngờ trong quý III vừa qua, thay vì rơi vào suy thoái như đòn đoán, bất chấp lạm phát cao và lo ngại về nguồn cung năng lượng bị thắt chặt trước lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga.
Dữ liệu từ công ty dầu khi Baker Hughes cho thấy, số giàn khoan dầu tại Mỹ đã giảm trong tuần này, nhưng ghi nhận tháng tăng đầu tiên kể từ tháng 7/2022 trong tháng Mười.