Lo ngại về tình hình bất ổn địa chính trị tại Italy, cũng như động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ “lao đao” ngay từ đầu tuần, với các mức trồi sụt thất thường.
Việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay càng làm tình hình thêm phần ảm đạm. Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu 2018 mới nhất của IMF đã hạ dự báo đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018 và 2019 từ mức ước tăng 3,9% xuống 3,7%, viện dẫn nhưng rủi ro ngày càng gia tăng trong thương mại toàn cầu, nguy cơ khủng hoảng tiền tệ tại các thị trường mới nổi và dấu hiệu “giảm tốc” của các nền kinh tế lớn. Trong báo cáo trên, IMF hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 của Mỹ từ mức 2,7% trước đó xuống 2,5%, trong khi giữ nguyên mức 2,9% cho năm nay. Với Trung Quốc, IMF hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 xuống 6,2% so với mức 6,4% trước đó, dù vẫn duy trì dự báo năm 2018 ở mức 6,6%.
Hai phiên giao dịch liền sau đó (10-11/10), chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm sâu, đáng chú ý ba chỉ số chủ lực của Phố Wall đều mất hơn 3% trong phiên giao dịch ngày 10/10, trước những lo ngại về khả năng Mỹ tăng lãi suất và tác động tiêu cực của tình trạng xung đột thương mại trên thế giới. Bất đồng giữa EU và Italy về kế hoạch ngân sách của nước này, tiến trình đàm phán về Brexit vẫn trì trệ, và xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa “hạ nhiệt” tiếp tục là những nhân tó đè nặng lên thị trường cổ phiếu.
Chuyên gia phân tích Charles Schwab nhận định, tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu vẫn khá “khó đoán định” giữa bối cảnh lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng gần đây, dẫn đầu là trái phiếu chính phủ, cũng như những lo ngại về chính sách thắt chặt tiền tệ quá vội vàng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bất chấp những rủi ro ngày càng tăng. Sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần lên tiếng chỉ trích Fed về tốc độ tăng lãi suất, làm gia tăng lo ngại về sự độc lập của thể chế tài chính này.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 12/10, sắc xanh đã trở lại trên Phố Wall ngay khi báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý III/2018 bắt đầu khởi động. Chỉ số S&P 500 dứt chuỗi sáu phiên lao dốc liên tiếp trong phiên này, khi nhóm cổ phiếu công nghệ phục hồi sau một tuần nhuốm sắc đỏ. Ngay cả các cổ phiếu năng lượng và tài chính thuộc S&P 500 cũng khép phiên với đà tăng nhẹ sau khi đảo chiều vào cuối phiên.
Kết thúc phiên 12/10, chỉ số công nghiêp Dow Jones tăng 287,16 điểm (1,2%), lên 25.339,99 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 38,76 điểm (1,4%), lên 2.767,13 điểm. Chỉ số này đã trải qua sáu phiên giảm điểm liên tiếp trước đó, chuỗi ngày đỏ sàn dài nhất kể từ chuỗi mất điểm chín phiên liên tiếp kết thúc vào tháng 11/2016. Chỉ số công nghệ Nasdaq cộng thêm 167,83 điểm (2,3%), lên 7.496,89 điểm, mức tăng cao nhất theo ngày kể từ ngày 26/3.
Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 4,2%, S&P 500 mất 4,1% và Nasdaq hạ 3,7%. Đây là mức giảm mạnh nhất của ba chỉ số này từ tháng 3/2018. Như vậy, cả Dow Jones và S&P 500 đều chứng kiến tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp, trong khi đối với Nasdaq là tuần thứ hai liên tiếp.
Báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý III sẽ là một trong những nhân tố chính tác động tới thị trường trong những tuần tới. Theo FactSet, các nhà phân tích dự kiến tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 19% và doanh thu tăng 7% trng quý vừa qua. Dù các tín hiệu này góp phần cải thiện triển vọng tăng trưởng kinh tế, song vẫn còn những lo ngại rằng kỳ vọng vào kết quả mùa báo cáo lợi nhuận này đã quá lạc quan.
Nhiều người cho rằng, tới khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại, đà phục hồi của thị trường chứng khoán có thể dễ bị biến động khi nhà đầu tư lo ngại về tác động của hàng rào thuế quan đối với lợi nhuận doanh nghiệp.